Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro hôm 1 tháng 10 trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình FoxNews đã nói, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) sẽ thăm Mỹ vào ngày 10 tháng 10. Đoàn đại biểu hai nước sẽ thảo luận về “Bảy tội lỗi” của Trung Quốc. Ông Navarro cũng chỉ trích Trung Quốc không ngừng xuất khẩu fentanyl sang Mỹ.
Đây là lần đầu tiên quan chức Mỹ tiết lộ về lịch trình cụ thể chuyến thăm của ông Lưu Hạc đến Mỹ. Trong khi đó phía Trung Quốc chỉ nói rằng các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 10.
Ngày 10 và 11 tháng 10 tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington để đàm phán với Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa)
|
Trung Quốc và Mỹ trước đó đã đồng ý tổ chức vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 tại Washington vào đầu tháng 10. Ông Vương Thụ Văn (Wang Shouwen), Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó trưởng đoàn đại biểu đàm phán thương mại quốc tế Trung Quốc, hôm 29 tháng 9 nói: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người lãnh đạo phía Trung Quốc của cuộc Đối thoại Kinh tế toàn diện Trung – Mỹ, sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Washington tiến hành cuộc đàm phán thương mại cao cấp Mỹ - Trung lần thứ 13. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cũng tiết lộ vào ngày 23 tháng 9 rằng sau lễ Quốc khánh Trung Quốc; ông Lưu Hạc sẽ đến Mỹ vào tuần thứ hai của tháng 10.
Trang web CNBC của Mỹ trước đây đã viện dẫn các nguồn tin nói, cuộc đàm phán Trung - Mỹ sẽ được tổ chức tại Washington từ ngày 10 đến 11/10. Cuộc đàm phán lần này cũng diễn ra vào trước khi diễn ra đợt tăng thuế quan sắp tới của Mỹ đối với Trung Quốc. Được biết, theo kế hoạch ban đầu Mỹ dự định tăng mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 1 tháng 10, nhưng sau đó đã hoãn hành động này đến ngày 15 tháng 10 như là một cử chỉ thiện chí nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc. Nếu cuộc đàm phán đạt được kết quả, Mỹ có thể tiếp tục hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ việc đánh thuế.
Ngoài ông Peter Navarro, ông Donald Trump còn tập hợp quanh mình đội ngũ gồm nhiều người chủ trương cứng rắn với Trung Quốc
|
“Bảy tội lỗi” được ông Navarro đề cập đến chính là bảy vấn đề kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Trước đây ông Navarro từng nói, Trung Quốc cần phải ngăn chặn những hành vi này – tức: Trung Quốc phải chấm dứt ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ; ngừng ép buộc chuyển giao công nghệ; ngừng xâm nhập hệ thống máy tính Mỹ, ngừng bán tháo phá giá thị trường Mỹ và khiến các công ty Mỹ sụp đổ; ngừng trợ cấp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước; chấm dứt tuồn ma túy fentanyl vào Mỹ và chấm dứt thao túng tiền tệ. Chỉ khi đó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới chấm dứt.
Ông Navarro cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance vào ngày 8 tháng 9 rằng nước Mỹ cần quay lại thỏa thuận ban đầu và bảy khía cạnh đó giải quyết tất cả các vấn đề cơ cấu này.
Ông nói, hai bên đã đạt được bản thỏa thuận hơn 150 trang vào hồi tháng 5. Trong mỗi vấn đề liên quan đến bảy khía cạnh trên và việc thực hiện thỏa thuận; sau 11 vòng đàm phán giữa hai bên, các chi tiết bao gồm đến dấu câu và từng đoạn văn bản. Đó là cơ sở để hai bên tiến lên. Ông Navarro nhấn mạnh, nhưng chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ văn bản dự thảo thỏa thuận này.
Ông Peter Navarro thường xuyên trở thành mục tiêu bị truyền thông Trung Quốc đả kích, phê phán
|
Navarro cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với FoxNews vào ngày 8 tháng 9 rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ vào tháng 10 sẽ tập trung vào “các vấn đề mang tính kết cấu lớn” và “tiếp cận thị trường”.
Đối với cách làm nhấn mạnh lặp đi lặp lại của ông Navarro về “Bảy tội lỗi”, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, cũng đã đăng tải nhiều bài báo, phê phán đích danh ông Navarro. Nhân dân Nhật báo hôm 10 tháng 9 đã đăng bài tố cáo ông Navarro tiếp tục sử dụng “Bảy tội lỗi” mà ông đã phát minh ra để chỉ trích Trung Quốc và tiếp tục bịa đặt Trung Quốc phải chịu “tất cả mọi gánh nặng” về thuế quan.
Bài báo cho rằng, những lời bịa đặt lố bịch này không có tính xây dựng và trái với định hướng chung lớn rằng Trung Quốc và Mỹ nên dùng các hành động thực tế tạo điều kiện tốt cho cuộc đàm phán.
Dư luận cho rằng, với cách đề cập của ông Navarro thì khó có thể trông chờ vào kết quả tích cực của vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới cho dù nó có được diễn ra đúng hạn.
(Theo Đa Chiều)