Đây là thông tin mà ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) vừa cho biết tại Hội nghị triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10, tổng số nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các tỉnh, thành phố lên đến 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 9.550 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 516 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế 4.170 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Đại, nguyên nhân nợ các loạt bảo hiểm do một số giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ. Bảo hiểm xã hội các tỉnh chưa phối hợp thường xuyên với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng để đôn đốc chuyển tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng.
Ngoài ra, các cơ quan bảo hiểm xã hội chưa quản lý triển khai thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà chỉ phối hợp, cử người tham gia đoàn thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị.
Được biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ký quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm tự nguyện. Căn cứ hồ sơ do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp, tổ chức Công đoàn khởi kiện đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Hiện 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội tại các địa phương.