Có phải tất cả những người trở về từ Trung Quốc đều nhiễm virus Corona mới?

VietTimes -- PGS. TS. Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết, không phải tất cả những người đi về từ Trung Quốc đều mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV).
PGS. TS. Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy

Trước thắc mắc vì sao không cách ly những người trở về từ Trung Quốc, hoặc vùng có dịch tại cửa khẩu, PGS. TS. Trần Đắc Phu lý giải: Không phải người nào trở về từ Trung Quốc hoặc vùng có dịch (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đều mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Tuy nhiên, thực tế, có thể đã có những trường hợp nghi nhiễm bệnh vượt qua sự kiểm soát tại cửa khẩu. Do đó, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng để chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Người dân tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh: Minh Thúy
Người dân tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh: Minh Thúy

Để chủ động theo dõi các trường hợp nghi nhiễm nCoV, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các trường hợp đi về từ Trung Quốc đều phải khai báo y tế. Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh sẽ chỉ dẫn hành khách Trung Quốc nhập cảnh đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế. Kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus Corona, kiểm dịch viên y tế cần áp dụng ngay các biện pháp  kiểm dịch y tế theo quy định.

Mẫu tờ khai y tế. Ảnh: Minh Thúy
Mẫu tờ khai y tế. Ảnh: Minh Thúy

Trong mẫu tờ khai y tế đã có đầy đủ tất cả các nội dung gồm: họ tên, năm sinh, số hộ chiếu, thông tin đi lại, ngày khởi hành, địa điểm nơi đi/đến, diễn biến bệnh tật trong vòng 14 ngày (tính đến thời điểm làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh), mọi biểu hiện, triệu chứng mắc bệnh như sốt, ho, khó thở, đau họng đều được ghi rõ trong tờ khai báo y tế để kịp thời phát hiện, quản lý các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV.

Hành khách tại sân bay. Ảnh: The Straitstimes
Hành khách tại sân bay. Ảnh: The Straitstimes

Hiện, Bộ Y tế đã khuyến cáo tất cả các trường hợp đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với những trường hợp nghi mắc bệnh phải thực hiện cách ly tại nhà, vệ sinh cá nhân (đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi, tránh đến những nơi đông người,…), đặc biệt khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở phải đến ngay các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời.

“Đây là giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất trong tình hình dịch bệnh hiện nay để quản lý người lây nhiễm trong cộng đồng.” - PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.

Đáng chú ý, trong hệ thống giám sát bệnh dịch của Bộ Y tế đã có hồ sơ điều tra dịch tễ đối với những người có liên quan: tài xế, lễ tân khách sạn,.. tiếp cận với những người nhiễm bệnh. Đối với 3 trường hợp nhiễm nCoV trở về từ Trung Quốc, Bộ Y tế cơ bản đã kiểm soát được tình hình.

Đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, PGS. TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, do Việt Nam có đường biên giới lớn với Trung Quốc nên nguy cơ lây lan bệnh dịch là rất lớn. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thông tin thêm về tình hình bệnh dịch, BS. Đỗ Hồng Hiên – chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Mục đích của việc đánh giá các yếu tố nguy cơ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV của WHO là nhằm đưa ra các hành động phù hợp, đưa ra lời khuyên cho các thành viên trong Ủy ban khẩn cấp y tế cũng như các quốc gia trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Chủng virus Corona mới còn rất nhiều điều chưa biết rõ, vì thế WHO sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch. Đến nay, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh đều có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính khi nhiễm nCoV, tình trạng bệnh có thể nặng hơn và dẫn đến tử vong.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV dao động từ 2-3%, tỷ lệ này có thể thay đổi theo thời gian khi có thêm số liệu giám sát.