Bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ thường bị nhầm lẫn, khiến cho việc điều trị, sơ cứu gặp khó khăn. |
Thế nào là nhồi máu cơ tim, đột quỵ?
Triệu chứng chung của đột quỵ là xảy ra đột ngột và đau đầu dữ dội. Do đó, đôi khi, đột quỵ được gọi là cơn bệnh não (“brain attack”). Ngược lại, khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh thường bị đau ngực.
Các triệu chứng của đột quỵ và nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, tuổi, giới, sức khỏe cơ thể nói chung. Tuy nhiên, dù đó là nam hay nữ, ở độ tuổi nào, các triệu chứng của 2 bệnh này đều ập đến rất nhanh và đột ngột.
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ khác nhau ở điểm nào?
Nhồi máu cơ tim xảy đến khi mạch máu đến tim bị tắc do có cục máu đông, khiến cho máu đến tim thiếu dưỡng khí, tế bào tim bắt đầu chết đi. Còn đột quỵ của não xảy ra khi dòng máu và dưỡng khí đi lên não bị gián đoạn do một mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn vì có cục máu đông hoặc do mạch máu bị vỡ.
Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Việc điều trị đột quỵ có hiệu quả cao nhất khi bệnh nhân được chữa trị trong vài giờ đầu tiên sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Vì vậy, việc đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu nhanh, sớm rất quan trọng.
Những dấu hiệu cảnh báo bạn sắp bị nhồi máu cơ tim
Chỉ có số ít người bệnh bị nhồi máu cơ tim đột ngột, dữ dội và té ngã.
Còn lại, đa số người bệnh còn lại thì bị đau từ từ, bắt đầu từ đau nhẹ, khó chịu ở giữa ngực. Cơn đau nhẹ này sẽ kéo dài hơn mấy phút rồi hết hoặc bị lại hoặc bệnh nhân cảm thấy khó chịu như bị đè ép, bị vắt, căng đầy hoặc đau nhưng các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh nên chờ khá lâu mới đi khám.
Một số bệnh nhân còn có thể cảm thấy khó chịu tại các vùng khác phía trên cơ thể, ví dụ ở hai tay, cổ, lưng, hàm hay dạ dày; khó thở hoặc có các dấu hiệu lo lắng khó chịu khác gồm ra mồ hôi lạnh, buồn nôn hay đau đầu nhẹ.
Khi nào thì bạn sắp bị đột quỵ?
Theo bác sĩ Bùi Ngọc Minh Tâm, các dấu hiệu cho thấy người bệnh sẽ bị đột quỵ gồm: Tê hoặc yếu đột ngột ở mặt, tay, hay chân, hoặc đột ngột mất cảm giác ở một bên người; Đột ngột bị lẫn, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức, nhìn; Cảm thấy hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không thể phối hợp động tác; Đau đầu đột ngột, dữ dội mà không biết nguyên nhân.
Đột quỵ não xảy ra nhanh, đột ngột, nguy hiểm, cần được chữa trị càng sớm càng tốt.
|
Tuy nhiên, bác sĩ Minh Tâm cũng cho biết, không phải tất cả các dấu hiệu báo trước này đều xuất hiện khi một người bị đột quỵ. Song, khi một trong các triệu chứng này xuất hiện, hoặc có nhiều hơn 2 triệu chứng kéo dài trong vài phút, thì mọi người nên gọi cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất kịp thời.
Vì sao bạn bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ?
Cả đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều xảy ra do các động mạch nuôi não và tim bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên, đối với bệnh đột quỵ, nguyên nhân chủ yếu do người bệnh có cục máu đông trong một động mạch của não, làm ngưng tuần hoàn não hoặc có cục máu đông hình thành do màng bên trong động mạch bị vỡ ra. Một trường hợp khác cũng thường gặp, đó là đột quỵ chảy máu, xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu chảy vào mô chung quanh. Huyết áp đột ngột tăng cao làm căng giãn thành các động mạch dẫn đến não, khiến cho đột quỵ xảy ra.
Trong khi đó, bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành (là động mạch cung cấp máu cho cơ tim) bị cục máu đông làm tắc một phần hoặc hoàn toàn. Bệnh nhồi máu cơ tim cũng có thể xảy đến khi trong động mạch có mảng cholesterol to, khiến mạch máu bị thu hẹp, yếu, lưu thông chậm hoặc làm ngưng dòng lưu thông máu đến tim.
Những người nào dễ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ?
Mặc dù nhồi máu cơ tim và đột quỵ là hai bệnh khác biệt, song, chúng thường có chung nhiều các yếu tố nguy cơ, gồm: Hút thuốc lá, cholesterol cao, huyết áp cao, tuổi tác, bệnh sử gia đình, bệnh đái tháo đường, lối sống ít vận động, rung nhĩ.
Trong đó, huyết áp cao làm căng các thành mach khiến cho thành mạch cứng hơn và kém giãn nở theo nhu cầu, không giúp duy trì một tuần hoàn khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Rung nhĩ khiến cho nhịp tim không đều đặn, tạo ra cục máu đông có thể gây tắc nghẽn mạch máu não và mạch máu cơ tim.
Đề phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ như thế nào?
Có nhiều cách khác nhau giúp đề phòng 2 căn bênh nguy hiểm này. Theo bác sĩ Minh Tâm, các nguyên tắc chung để phòng bệnh gồm: Giữ mức cholesterol và huyết áp trong các giới hạn cho phép, không hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế rượu, kiểm soát đường huyết.
Đặc biệt, mọi người cần tập thể dục thường xuyên; sử dụng chế độ ăn hạn chế mỡ, các loại đường và sodium. Dù các biện pháp này không thể phòng ngừa hết tất cả các yếu tố nguy cơ, song, lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn tránh rất xa 2 căn bệnh rất nguy hiểm này.