Dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang (Nguồn: HID) |
Cụm từ ‘VKT’ trong tên của CTCP Điện mặt trời VKT – Hoà An (VKT Hoà An) phần nào cho thấy hình bóng của những nhà đầu tư sơ cấp ở dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang, trong đó có CTCP Vạn Khởi Thành.
Theo tìm hiểu của VietTimes, VKT Hoà An được thành lập vào tháng 7/2018, ban đầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 139 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP Vạn Khởi Thành (15% VĐL), ông Nguyễn Thanh Long (40% VĐL) và ông Mai Văn Đông (45% VĐL).
Các cổ đông sáng lập sau đó dần triệt thoái vốn khỏi VKT Hoà An. Thay thế họ, theo dữ liệu của VietTimes, là nhóm nhà đầu tư liên quan tới CTCP Halcom Việt Nam (Mã CK: HID) và CTCP Tập đoàn IPC (IPC Group). Tính đến ngày 30/9/2020, HID đã rót 93 tỉ đồng để sở hữu 40,1% vốn điều lệ của chủ dự án quang điện tại Hậu Giang.
Tới ngày 21/10/2020, VKT Hoà An tăng vốn điều lệ lên mức 221 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông ghi nhận sự xuất hiện của Shizen Malaysia SDN. BHD – thành viên của Shizen Energy (Nhật Bản) - với tỉ lệ sở hữu là 25% vốn điều lệ. Trong khi đó, HID giảm mạnh tỉ lệ sở hữu xuống chỉ còn 24,37% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của VKT Hoà An do 3 cá nhân nắm giữ, dẫn đầu là ông Phí Phong Hà (SN 1974) – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn IPC – sở hữu 45% vốn điều lệ.
Cập nhật tới ngày 1/6/2021, cổ đông ngoại đã gom thêm lượng lớn cổ phần tại VKT Hoà An, nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên mức chi phối, ở mức 70% vốn điều lệ.
Đến ngày 30/8/2021, VKT Hòa An phát hành thành công 246 tỉ đồng trái phiếu, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của doanh nghiệp.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn đến ngày 9/10/2032 (11 năm 1 tháng 9 ngày), lãi suất đối với kỳ tính lãi đầu tiên là 9,325%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần) bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,5%/năm
VKT Hòa An cho biết, mục đích của đợt phát hành nhằm tài trợ chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời 29 MW tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Trái chủ của lô trái phiếu là một tổ chức tín dụng trong nước. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).
Trước đó vào ngày 9/10/2020, MBS và MBBank cũng là đơn vị thu xếp cho VKT Hòa An phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng, kỳ hạn 144 tháng.
Đôi nét về CTCP Vạn Khởi Thành
CTCP Vạn Khởi Thành (VKT) tiền thân là CTCCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Hồng (PVSH), được thành lập ngày 2/8/2007, sự tham gia của các cổ đông sáng lập gồm: Tổng công ty Cổ phần tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (SongHongcorp), Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng (Incomex).
Đến tháng 2/2018, PVSH điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 446,9 tỉ đồng xuống chỉ còn 179 tỉ đồng và tiến hành đổi tên công ty thành CTCP Vạn Khởi Thành. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là ông Trịnh Xuân Tuấn (SN 1970). Tới tháng 8/2021, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT VKT được trao cho ông Đào Hồng Dương (SN 1987).
Trên trang chủ, công ty này cho biết đã và đang là chủ đầu tư nhiều dự án như: Tổ hợp Trung tâm Thương mại khách sạn và văn phòng tại thành phố Đà Nẵng; Khu nhà ở Xã hội tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Khu dân cư PVSH Garden tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp tại tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, VKT còn tham gia nhiều dự án thi công xây lắp như: Thi công tòa nhà Viện Dầu khí tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (15,8 tỉ đồng); thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (118,2 tỉ đồng); thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ tại Đình Vũ, thành phố Hải Phòng (213,1 tỉ đồng); thi công hạng mục kênh thải nước làm mát giai đoạn 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (74,5 tỉ đồng)./.