Theo tìm hiểu của VietTimes, Phúc Long là một trong số các doanh nghiệp ngành F&B sở hữu hệ sinh thái tương đối khép kín, từ việc sở hữu các vùng nguyên liệu chè, hai nhà máy tại Thái Nguyên và Bình Dương, tới chuỗi các cửa hàng trải dài trên khắp cả nước.
Thương hiệu này ra đời từ năm 1968, tại cao nguyên chè Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2000, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phúc Long được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của thương hiệu đồ uống này. Cả chục năm sau đó, Phúc Long tập trung nhiều cho việc đầu tư mở rồng vùng nguyên liệu chè, phát triển các nhà máy chế biến trà tại Thái Nguyên và Bình Dương.
Tới năm 2012, Phúc Long mới chính thức lấn sân vào lĩnh vực đồ ăn và thức uống (F&B) với việc cho ra đời cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea tại quận 7, TP. HCM. Sau khi xây dựng được vị thế và danh tiếng tại thị trường phía Nam, năm 2018, Phúc Long mới mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.
Kết quả kinh doanh của một số chuỗi đồ uống |
Theo dữ liệu của VietTimes, Phúc Long cũng nằm trong số ít các chuỗi đồ uống kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2017 – 2019. Trong giai đoạn này, doanh thu thuần của Phúc Long (công ty mẹ) liên tục tăng trưởng, ở mức hai chữ số.
Cụ thể, năm 2018, Phúc Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 472,6 tỉ đồng, tăng 38,9% so với năm 2017, đồng thời báo lãi 3,59 tỉ đồng – cao gấp đôi so với năm 2017. Bước sang năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 778,6 tỉ đồng, tăng 64,7% so với năm 2018, báo lãi 16 tỉ đồng.
Dữ liệu một số doanh nghiệp cùng ngành mà VietTimes khảo sát cho thấy, chỉ có Highlands Coffee, Starbucks Việt Nam hay Tập đoàn Trung Nguyên mới duy trì được mạch 3 năm kinh doanh có lãi như Phúc Long.
Trong khi đó, chuỗi King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ suy giảm doanh thu vào năm 2018, báo lỗ 40,8 tỉ đồng. Tương tự, chuỗi The Coffee House cũng bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 80,6 tỉ đồng vào năm 2019, dù doanh thu vẫn tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, bức tranh ngành F&B, mà cụ thể là lĩnh vực đồ uống nhiều khả năng có sự xáo trộn lớn trong năm 2020 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Các chuỗi cửa hàng ăn uống được cho là sẽ chịu nhiều tác động của đại dịch, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, buộc phải tạm dừng hoạt động.
Cập nhật đến ngày 26/12/2019, Phúc Long có quy mô vốn điều lệ ở mức 50,25 tỉ đồng, bao gồm 2 cổ đông cá nhân là ông Lâm Bội Minh (góp 47,75 tỉ đồng, sở hữu 95,5% vốn điều lệ) và ông Lâm Chấn Huy (góp 2,5 tỉ đồng, sở hữu 5% vốn điều lệ).
Ông Lâm Bội Minh sinh năm 1946, người gốc Hoa, hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch hội đồng thành viên của Phúc Long./.