Chủ tịch VSD: Dư nợ cho vay chứng khoán ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng mức dư nợ của nền kinh tế đối với cho vay chứng khoán khoảng 0,48%, tương ứng 46.700 tỷ đồng, trong giới hạn kiểm soát.

Tại buổi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) dẫn báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng ngân hàng vào chứng khoán 6 tháng tăng 3%. Tổng mức dư nợ của nền kinh tế đối với cho vay chứng khoán khoảng 0,48%, tương ứng 46.700 tỷ đồng, trong giới hạn kiểm soát và ở mức thấp. Dòng vốn margin theo UBCKNN hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát và chưa quá lớn. Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác giờ đây đổ vào TTCK, giúp các chỉ số tăng điểm.

Ông Sơn nhận định TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là phù hợp. Việt Nam đạt được mục tiêu kép là kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt tăng trưởng kinh tế - dù ở mức thấp nhưng vẫn ấn tượng so với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Các yếu tố khác theo Chủ tịch VSD là dòng vốn dồi dào do mặt bằng lãi suất ổn định và ở mức thấp, có thể kéo dài tới cuối năm và một vài năm nữa. TTCK toàn cầu tăng trưởng tốt, đặc biệt là Mỹ dù cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch như các nước khác. Thực tế, TTCK các nước trong khu vực cũng tăng trưởng dù tăng trưởng kinh tế không cao, thấp thậm chí âm.

Theo đánh giá của các khối nghiên cứu, TTCK còn dư địa tăng trưởng. Đặc biệt với việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay thì các khu vực sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư mới chưa thực sự triển khai. Phần lớn các dự án đang làm như năng lượng tái tạo, sản xuất sắt thép... nên dòng tiền vẫn vào chứng khoán.

Ông Sơn đánh giá hiện chưa phải thời điểm bong bóng tài sản (chứng khoán..) nhưng là giai đoạn cần kiểm soát chặt chẽ sự chu chuyển của các dòng tiền và đặc biệt cần cảnh báo nhà đầu tư thận trọng hơn. Sự tăng trưởng của TTCK, giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp quyết định giá của TTCK.

Thị trường chứng khoán có khoảng 3,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư, riêng 6 tháng đầu năm tăng thêm 500.000 tài khoản. Số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 40.000 tài khoản, trong đó có 5.000 tài khoản của các định chế đầu tư tổ chức ở nước ngoài. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài hiện thời có khoảng 49,5 tỷ USD.

Ông Sơn đánh giá tăng trưởng số tài khoản mở mới từ này đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng vào khoảng 300.000 đơn vị nữa. Việt Nam có mục tiêu khoảng 5% tài khoản trên tổng dân số Việt Nam là vào khoảng 5 triệu.

Ông Sơn đánh giá dòng vốn ngoại bán ròng thời gian vừa qua nhưng mức độ không nhiều. Sau khi bán ròng, dòng tiền này không rút ra mà để trên tài khoản dạng tiền mặt. Điều này có nghĩa là NĐTNN đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới, các sản phẩm mới... Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm thị trường cận biên nên mức độ giải ngân thấp.

Theo NDH