Cây phượng đổ khiến học sinh tử vong, trách nhiệm thuộc về ai?

VietTimes – Vụ việc cây phượng già đổ xuống khiến một học sinh lớp 6 tử vong và 18 học sinh khác bị thương xảy ra ở trường Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) sáng nay 26/5 gây xôn xao dư luận. Vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhưng khó có thể xác định trách nhiệm thuộc về ai?
Thầy Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng trả lời về vụ việc cây phượng đổ khiến 1 học sinh tử vong (Ảnh: Hòa Bình)
Thầy Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng trả lời về vụ việc cây phượng đổ khiến 1 học sinh tử vong (Ảnh: Hòa Bình)

Sáng đưa con đi học, chiều đã phải đưa tang

Chiều 26/5, đại diện Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục TP.HCM đã cùng có mặt tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc thương tâm cây phượng già đổ trong sân trường THCS Bạch Đằng lúc 6h22 sáng nay, khiến một học sinh tử vong.

Tại cuộc họp báo, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: “Có tổng số 12 học sinh bị thương nặng đang được cấp cứu ở các bệnh viện, đáng tiếc là một học sinh lớp 6 tử vong. Đây là trường hợp học sinh gia đình cận nghèo trên địa bàn phường Trần Quang Diệu, quận 3, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Ông Trần Quang Bá - quyền Chủ tịch UBND Quận 3 - nói: “Sự việc xảy ra, lãnh đạo quận đã lập tức liên lạc với các bệnh viện gần địa bàn trường THCS Bạch Đằng để đưa các em học sinh bị thương vào cấp cứu. Các lực lượng ngay lập tức xuống địa bàn, phân công đưa học sinh đi cấp cứu và đến thăm hỏi các gia đình, trấn an học sinh còn lại trong trường”.

“Có tổng số 18 em học sinh bị thương được chuyển về các bệnh viện. Một số em bị thương nhẹ, trầy xước đã được chăm sóc, hồi phục và được cho về nhà. Trong số 8 em được đưa vào BV Nhi Đồng 2 đến hiện tại cũng có 5 em được về, còn lại 3 em bị chấn thương, gãy tay, chân đang chờ phẫu thuật” – Ông Trần Quang Bá thông tin.

Ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin truyền thông TP.HCM
Ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM


“Riêng trường hợp em N.T.K (sinh năm 2008, học sinh lớp 6/8) được chuyển đến BV An Sinh, dù cũng rất gần địa bàn nhưng đáng tiếc là đã không cứu kịp. Em K đã mất tại BV lúc 8h sáng nay” – Quyền Chủ tịch UBND Quận 3 thông tin.

Khó có thể tưởng tượng cảnh sáng ra con đi học chiều về đã phải tiễn con ra đi mãi mãi. Tại cuộc họp báo, đại diện các Sở liên quan cho biết lãnh đạo TP.HCM đang có mặt viếng em học sinh không may thiệt mạng tại nhà riêng ở phường Trần Quang Diệu (quận 3).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có mặt tại cuộc họp báo, BS Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM - cho biết: “Ngay lúc xuống hiện trường, em học sinh N.T.K đã có dấu hiệu ngưng tim. Chúng tôi đã quyết định đưa em vào BV An Sinh là BV gần nhất với Trường Bạch Đằng lúc 6h45 phút. Các bác sĩ trong BV đã nỗ lực hồi sức tim phổi trong 65 phút nhưng kết quả vô vọng. Vì tình trạng đa chấn thương, em N.T.K đã ngưng hô hấp tuần hoàn”.

Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thông tin về vụ việc


“Qua vụ việc đáng tiếc, các trường nên xem lại số cây xanh trong sân trường, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra” – Ông Trần Quang Bá, Quyền Chủ tịch Quận 3 nói.

Đại diện Công an Quận 3 trả lời câu hỏi của VietTimes cho biết ngay khi sự việc xảy ra lực lượng an ninh đã xuống khám nghiệm, bảo vệ hiện trường, đưa vụ việc vào hồ sơ điều tra.

Trao đổi với VietTimes về lịch sử của cây phượng, thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nói: “Cây phượng có tuổi thọ rất lâu đời rồi, được trồng từ năm 1996. Còn tôi cũng mới về nhận nhiệm vụ ở trường thôi. Không riêng cây phượng này mà tất cả các cây đều được Công ty Cây xanh Quận 3 chăm sóc”.

Tuy nhiên, có mặt tại cuộc họp báo, trả lời chất vấn của phóng viên về việc trách nhiệm liên quan đến cây phượng thuộc về ai, ông Lê Quang Đạo - Phó phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng - cho biết: “Cây phượng già đổ sáng nay thuộc loại cây hạn chế do nhà trường quản lý, không thuộc Sở. Hàng năm, Sở đều có văn bản gửi các đơn vị để cảnh báo về các loại cây nguy hiểm. Qua vụ việc, Sở sẽ tiếp tục gửi các văn bản gửi các đơn vị và cư dân để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Thầy Nguyễn Văn Phúc-Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng nói về sự việc đáng tiếc
Thầy Nguyễn Văn Phúc-Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nói về sự việc đáng tiếc


“Thời điểm đó, các em học sinh đang ngồi ăn sáng dưới gốc cây để chuẩn bị lên lớp. Khi cây đổ, không may lại đổ đúng vào hướng các em lớp 6/8 đang ngồi. Các em học sinh bị tai nạn gãy chân, tay thì có thể thấy ngay. Riêng em N.T.K, ngay sau lúc cây đổ, em cũng được các thầy cô lập tức đưa vào phòng y tế. Lúc đó em vẫn còn tỉnh táo. Em nói mệt lắm, nên các thầy cô gọi cấp cứu đến ngay” – Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc kể lại.

“Cơn dông lốc chiều qua có thể là một phần nguyên nhân của sự việc đáng tiếc. Nhưng nếu nhìn bề ngoài thì rất khó có thể biết là cây phượng này sẽ đổ. Cây rất xanh tươi, đang ra hoa nữa. Toàn bộ hoạt động diễn ra trong trường có 4 camera ghi lại nên nhà trường sẽ trích xuất camera gửi cho cơ quan điều tra” – Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc cung cấp thông tin.

Có thông tin cho rằng đã có học sinh cũ của TrườngTHCS Bạch Đằng đã để lại lời cảnh báo trên mạng xã hội, hoặc trang web hoặc hệ thống thông tin online của trường, nói về độ nguy hiểm của cây phượng già này nhưng thầy hiệu trưởng cho hay chưa biết về thông tin này.

Thầy Nguyễn Văn Phúc buồn bã cung cấp thông tin cho báo chí
Thầy Nguyễn Văn Phúc buồn bã cung cấp thông tin cho báo chí 
Sự việc đáng tiếc xảy ra là bài học lớn cho ngành Giáo dục
Sự việc đáng tiếc xảy ra là bài học lớn cho ngành Giáo dục 


Để đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy Phúc cho biết tới đây sẽ cho đốn các cây to còn lại, đặc biệt là cây phượng “Dù đẹp, nhưng buộc phải đốn bỏ đi để đảm bảo an toàn cho học sinh” – Thầy Phúc nói.

Liệu cái chết thương tâm của em N.T.K có để lại nỗi ám ảnh cho phụ huynh khi con em đến trường, và với chính các em học sinh và giáo viên mỗi khi màu áo trắng ngồi dưới bóng cây trên sân trường? 

Thầy Phạm Văn Khoa - Trưởng phòng Giáo dục Quận 3 - cho biết: “Phòng đã nắm tình hình ngay khi xảy ra sự việc. Đối diện với vấn đề sang chấn tâm lý của học sinh và giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, chúng tôi đang đưa chuyên viên tư vấn tâm lý đến trường làm việc với các thầy cô,  học sinh và cả cha mẹ học sinh nữa để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ của năm học”.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM - nói về công tác an toàn cho học sinh trong trường học: “Hàng năm, Sở triển khai công tác an toàn trường học vào hai thời điểm, tháng 8 hàng năm và tháng 3. Nhưng đáng tiếc là sự việc cây đổ xảy ra lần đầu tiên rất bất ngờ. Đây là bài học cho toàn ngành để chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn, kiểm tra lại để đảm bảo an toàn cho học sinh”.