"Chiến tranh Lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn tới tách rời chiến lược, thúc đẩy chuỗi sản xuất chuyển dịch đến những địa điểm mới. Ấn Độ đang có vị thế tốt để thu hút những chuỗi cung ứng này", báo cáo của tổ chức Hinrich Foundation công bố hồi đầu tuần nhận xét.
Hàng loạt yếu tố đang có lợi với Ấn Độ. Trong đó, lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xây dựng chuỗi cung ứng "không có Trung Quốc" trong một số lĩnh vực có sức nặng nhất. Bên cạnh đó, vị trí của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ với Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng góp phần khiến nước này trở thành công xưởng thay thế Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trong hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ. Ảnh: AP. |
Những công ty khổng lồ ngành công nghệ, như Apple , Amazon và Samsung , vốn dựa vào Trung Quốc nhiều năm qua, đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất đến Ấn Độ và Đông Nam Á. Động thái này càng tăng tốc khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy chuyển dịch khi các doanh nghiệp Ấn Độ tận dụng ưu thế từ những chương trình khuyến khích sản xuất mới của chính phủ. Bên cạnh đó, nguồn lao động khổng lồ và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực thiết bị và dịch vụ Internet, cũng khiến các công ty công nghệ thế giới quan tâm.
"Những người tôi biết trong ngành công nghệ đều đang chuyển cơ sở hạ tầng khỏi Trung Quốc, đặc biệt với những thứ họ coi là nhạy cảm. Ấn Độ cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc", Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Singapore - tác giả của báo cáo, cho hay.
Tuy nhiên, New Delhi cũng phải giải quyết nhiều vấn đề cản trở tăng trưởng trong ngành sản xuất, bao gồm quy định kiểm soát và đánh thuế khắt khe, cũng như sự thiếu phối hợp giữa chính quyền trung ương và từng bang, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Con đường trở thành trung tâm công nghệ thế giới của Ấn Độ cũng phụ thuộc vào năng lực phát triển hạ tầng chế tạo smartphone, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn dẫn trước nước này khá xa. "New Delhi có thể vận động Washington thuyết phục những hãng sản xuất chip lớn, như TSMC mở nhà máy ở Ấn Độ", báo cáo có đoạn viết.
Nhà nghiên cứu Capri cho rằng vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng của Ấn Độ, nhưng "đây là lúc họ cần chớp thời cơ và hành động ngay".
Theo VnExpress