Các nhà khoa học Việt nói gì về ChatGPT?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nền tảng chatbot trí tuệ nhân tạo đang "nổi đình nổi đám" này là đề tài thảo luận của các nhà khoa học Việt, nhằm nêu lên các góc nhìn khác nhau về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). 

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ CMC, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thôn - nhắc lại thành công của ChatGPT khi chỉ trong 2 tháng đã đạt được số lượng người sử dụng là 100 triệu, trong khi TikTok phải mất 9 tháng để đạt được con số này và Instagram phải mất tới 2,5 năm.

Theo tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, ChatGPT không phải là một mô hình mới. Nó là dạng chatbot có thể giao tiếp và trả lời người dùng qua văn bản (text). Mô hình chatbot đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1966. Ở Việt Nam, chatbot đầu tiên xuất hiện vào năm 2016 với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng.

ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là chatbot được công ty OpenAI phát hành ngày 30/11/2022. OpenAI đã đầu tư 1 tỉ USD và Microsoft đã đầu tư 10 tỉ USD để phát triển công cụ này. Trị giá hiện tại của ChatGPT là 29 tỉ USD.

TS. Đặng Minh Tuấn

TS. Đặng Minh Tuấn

Cũng theo tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, ChatGPT được huấn luyện dựa trên dữ liệu lớn, với 175 tỉ tham số, 300 tỉ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ. ChatGPT dựa trên thuật toán Transformer (ngôn ngữ xác suất) do Google phát triển, mà một trong những người đầu tiên phát triển thuật toán này là anh Lê Viết Quốc.

ChatGPT tương tác với người dùng giống như người thật. Giao tiếp không còn giống như giữa người và máy, mà giống như giữa người với người.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn nhận xét rằng do dựa trên ngôn ngữ xác suất (sử dụng mạng nơ ron để ước lượng xác suất chuỗi) nên ChatGPT cho ra các câu trả lời dựa trên xác suất, độ tương đồng và trọng số.

Khả năng ứng dụng của ChatGPT là rất lớn. Nó có khả năng áp dụng ở hầu hết các ngành nghề khi người dùng đều cần tìm thông tin và tạo nội dung. Ưu điểm của ChatGPT là có thể trả lời thẳng vào câu hỏi, trả lời ngắn gọn. Trong việc tạo nội dung, ChatGPT có thể viết ý tưởng, kịch bản, viết bình luận, làm thơ, viết code, trả lời email. Chatbot này cũng có thể dịch thuật.

Đặc biệt, theo tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, nhóm của ông đã thử nghiệm dùng ChatGPT để tóm tắt tài liệu theo yêu cầu và nhận được một kết quả rất tốt. Chatbot này hoàn toàn có thể tóm lược lại nội dung từ các văn bản đầu vào phức tạp.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cũng lưu ý những hạn chế của ChatGPT, đó là chatbot này có thể đưa ra câu trả lời không chính xác hoặc vô nghĩa. Câu trả lời có thể chưa cập nhật với những kiến thức mới xuất hiện. Nó cũng có thể bị người dùng sử dụng cho mục đích gian lận trong học tập hoặc lừa đảo qua email. Người dùng khi nhận được câu trả lời của ChatGPT cần phải kiểm chứng lại.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chúng ta cũng không nên lo ngại quá mức hay thổi phồng sức mạnh của ChatGPT. Nhiều người lo ngại rằng AI sẽ thống trị thế giới, làm biến mất nhiều ngành nghề. Nhưng thực tế ChatGPT chỉ là công cụ phân tích dữ liệu và mô hình tìm kiếm tương đồng ngữ cảnh theo xác suất thống kê và trọng số (không phải hệ tri thức) nên chúng không có khả năng thống trị thế giới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi đặt vấn đề về kỷ nguyên mới của ChatGPT. Ông Lê Phước Minh nói rằng nếu từ xưa loài người có BC và AC (trước và sau Công nguyên), rồi khi công nghệ phát triển, Google Search ra đời thì dường như có BG và AG (trước và sau Google Search), thì bây giờ liệu sẽ có B.ChatGPT và A.ChatGPT không? (trước và sau ChatGPT).

PSG.TS Lê Phước Minh đồng tình với những hạn chế của ChatGPT mà TS Đặng Minh Tuấn đã nêu, nhưng ông đặt vấn đề liệu những hạn chế đó có tồn tại sau vài tuần tới, vài tháng tới hay vài năm tới - khi mà ChatGPT được bổ sung thêm nhiều dữ liệu khiến nó trở nên hoàn thiện hơn. Khi đó, ChatGPT có thể khắc phục các điểm yếu và trở nên đáng sợ?

PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi

PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chatbot đã được sử dụng rất nhiều trong ngành giáo dục. Nhiều website đào tạo, học tập trực tuyến đã sử dụng chatbot để tương tác với người học. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các học sinh đã sử dụng rất nhiều công cụ công nghệ để học tập. Nói như vậy để thấy việc áp dụng công nghệ đã diễn ra khá mạnh mẽ trong ngành giáo dục.

Riêng đối với ChatGPT, PGS.TS Chu Cẩm Thơ bất ngờ trước khả năng trả lời của nó, khi nó có thể viết văn bằng tiếng Việt hoặc giải các bài toán khó. "Nó mạnh hơn rất nhiều các chatbot mà chúng ta đang có", bà Thơ nói. Bà cũng ấn tượng với con số 175 tỉ tham số, 300 tỉ từ mà OpenAI đã đào tạo cho ChatGPT. Với 11 tỉ USD đầu tư cho ChatGPT thì chúng ta thấy dữ liệu mà nó có lớn đến mức nào.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, nếu cho phép áp dụng ChatGPT vào nhà trường sẽ có 2 bất lợi mà nó đem lại. Thứ nhất là nó khiến học sinh gian lận kiến thức khi các em có thể sai khiến ChatGPT làm bài thay. Thứ hai là có thể khiến học sinh lười suy nghĩ khi nhiều bài tập đã có ChatGPT làm hộ. Trong khi đó, việc cải tiến trong cách dạy và học chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng trong thời gian tới đây sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục khi mà ngành đang tiến hành cải cách việc dạy và học.

Theo tiến sĩ Phạm Hiển, Trưởng phòng, Viện Ngôn ngữ học, việc sử dụng tiếng Việt của ChatGPT khá tốt, không hề ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Để khai thác được công cụ này, người dùng phải nhập câu hỏi chuẩn xác thì ChatGPT mới trả lời chuẩn. Chính vì vậy, việc sử dụng chatbot này khuyến khích người dùng sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng.

Tiến sĩ Phạm Hiển nói rằng một số cá nhân có thể có mục đích, ý đồ riêng nhằm lợi dụng chatbot để làm những việc xấu - đó là tính 2 mặt của một công cụ. Tuy nhiên, đa phần người dùng sẽ sử dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả công việc.

TS. Phạm Hiển, Trưởng phòng, Viện Ngôn ngữ học

TS. Phạm Hiển, Trưởng phòng, Viện Ngôn ngữ học

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tiến sĩ Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng quỹ đổi mới sáng tạo KHCN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho rằng ChatGPT hay các sản phẩm tương đương chỉ là một công cụ. Vấn đề là chúng ta cư xử với nó như thế nào. Theo tiến sĩ Hoàng, có 3 khía cạnh cần lưu tâm: Thứ nhất là nên thúc đẩy và ủng hộ việc áp dụng khoa học công nghệ; Thứ hai là phải nghiên cứu cơ chế thử nghiệm (sanbox) cho những thứ quá mới: Thứ ba là áp dụng các chính sách của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ để có thể áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế xã hội.

TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng quỹ đổi mới sáng tạo KHCN quốc gia

TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng quỹ đổi mới sáng tạo KHCN quốc gia

Trở lại với việc nhiều người lo sợ ChatGPT hoặc những công cụ AI trong tương lai có thể hoàn thiện đến mức độ đe dọa cuộc sống con người, tiến sĩ Đặng Minh Tuấn nói rằng vào những năm 50, nhà khoa học Alan Turing đã thực hiện phép thử "Turing test" để so sánh trí tuệ nhân tạo với trí tuệ con người. Kết quả nghiên cứu đã gây tranh cãi.

Đối với ChatGPT thì đây là một công cụ máy học được đào tạo với lượng dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên do nó là một công cụ trả lời theo xác suất thống kê nên có thể nó trả lời rất đúng, rất nhanh nhưng không hiểu bản chất vấn đề.

Theo TS Đặng Minh Tuấn, do ChatGPT là máy nên chúng ta đưa dữ liệu đầu vào thế nào thì câu trả lời đầu ra nó chỉ có một phương án. Trong khi đối với con người, dữ liệu đầu ra có thể là nhiều phương án phụ thuộc vào tri thức, cảm xúc, truyền thống, giá trị văn hóa... Cùng một bài toán, cùng một hoàn cảnh, mỗi người ứng xử một khác.

TS Đặng Minh Tuấn nói thêm rằng mặc dù bây giờ con người đều thua máy móc, chúng ta không thể mạnh bằng những chiếc máy chúng ta tạo ra, không thể nhanh bằng máy bay, bộ nhớ con người không thể lưu trữ nhiều bằng ổ cứng, tốc độ tính toán của con người không thể bằng CPU, nhưng chúng ta vẫn thống trị thế giới.

"Ngay cả các loài vật chúng ta cũng thua - loài người không thể mạnh bằng sư tử, không thể chạy nhanh bằng báo, nhưng chúng ta vẫn thống trị thế giới bởi chúng ta có tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo. Tất cả máy móc chúng ta tạo ra hiện nay chưa đạt được mức độ tư duy như vậy", TS Đặng Minh Tuấn nói.

Trước khi ChatGPT xuất hiện, nhiều người trong số chúng ta đã nghe nói về Trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng vẫn không hình dung được cụ thể AI như thế nào vì nó bị ẩn trong các sản phẩm. Đến khi mọi người được dùng thử ChatGPT, được hỏi và nhận được câu trả lời từ AI thì chúng ta đã có hình dung rõ ràng hơn về Trí tuệ nhân tạo. Vậy, đâu là lợi ích rõ nhất mà AI mang lại?

Theo TS Chử Đức Hoàng, ChatGPT sẽ kết nối được với một lượng dữ liệu khổng lồ, thúc đẩy được quá trình chuyển đổi số và phục vụ nhanh nhất nhu cầu tìm kiếm, tạo ra dữ liệu, tri thức mới.

Còn theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, hãy coi ChatGPT này là một trợ lý về kiến thức. Còn nếu muốn đòi hỏi về tư duy thì chatbot này chưa làm được. Người học cần tìm cách nâng cao khả năng tư duy và chỉ sử dụng chatbot khi muốn tra tìm một kiến thức nào đó mà thôi.

TS Đặng Minh Tuấn nói rằng chúng ta có thể sử dụng ChatGPT để giúp tìm hiểu về những lĩnh vực mà chúng ta chưa biết, chẳng hạn tìm hiểu về văn minh Ai Cập. Còn đối với những kiến thức chuyên môn, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng những câu trả lời của ChatGPT chưa khiến ông hài lòng.

Đứng ở góc độ trào lưu, ông Tuấn nhận thấy giới công nghệ đang tạo ra những sản phẩm thông minh, thân thiện như người thật. Các sản phẩm tương lai sẽ ngày càng thông minh hơn, giống người hơn. Điều này cũng thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam phải cập nhật kiến thức, đổi mới và nỗ lực để theo kịp trào lưu như vậy.

PSG.TS Lê Phước Minh nói rằng ChatGPT đang mở ra một cánh cửa mới, bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về cách dạy và học, về nghiên cứu khoa học, về cách con người đối xử với các sản phẩm do chúng ta tạo ra. PGS.TS Lê Phước Minh cho rằng tương lai AI sẽ có cảm xúc khi nó được huấn luyện về cảm xúc, nó sẽ có tôn giáo nếu được đưa vào các dữ liệu về tôn giáo, nó sẽ có giới tính nếu người lập trình đưa vào các thông tin giới tính. Tóm lại, những AI như ChatGPT là cơ hội và cũng là thách thức với loài người trong tương lai gần.

Toạ đàm về "ChatGPT - Những góc nhìn đa chiều" do Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức. Đây là sự kiện lần đầu tiên của VAYSE được tổ chức sau Đại hội nhiệm kỳ III của Hội hồi tháng 1/2023. Các diễn giả, khách mời cùng các đại biểu tham dự sự kiện này đã thảo luận về ChatGPT trên các góc nhìn đa chiều về giáo dục, nghiên cứu khoa học, luật pháp…