Các nhà sản xuất ô tô điện cao cấp của Trung Quốc có thể mong đợi một con đường suôn sẻ phía trước vào năm 2024 khi cả nhu cầu của người tiêu dùng và tỷ suất lợi nhuận sản phẩm đều cải thiện.
Theo đó, các công ty lớn như Nio, Xpeng và Li Auto đều chịu tác động của cuộc chiến giá cả kéo dài suốt 3 tháng, khi giá bán của 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu giảm trung bình 10%. Hiện tại, nhiều nhà sản xuất đang dự báo doanh số sẽ tăng vọt trong thời gian tới khi trợ cấp của chính phủ có hiệu lực và người tiêu dùng dần có nhu cầu trở lại.
Phate Zhang, người sáng lập nhà cung cấp dữ liệu xe điện CnEVPost có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Trợ cấp mua xe điện (EV) đã mang lại động lực lớn cho những công ty hàng đầu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cuộc chiến khốc liệt về giá sẽ sớm kết thúc, điều này sẽ giúp các nhà sản xuất xe điện tăng tỷ suất lợi nhuận”.
Theo đó, Bắc Kinh đã công bố vào cuối tháng 4 rằng những người mua xe điện thay thế ô tô chạy xăng sẽ nhận được khoản trợ cấp 10.000 nhân dân tệ (1.380 USD) và ưu đãi này sẽ được cung cấp cho đến cuối năm.
Everbright Securities cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng 5 rằng khoản trợ cấp này có thể thúc đẩy doanh số bán xe điện lên tới 2 triệu chiếc vào năm 2024 khi tốc độ điện khí hóa trong ngành ô tô Trung Quốc tăng nhanh.
Các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho người mua xe điện, lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2009, đã đạt đỉnh điểm vào năm 2014 ở mức 100.000 NDT (10.380 USD), khiến doanh số bán hàng tăng gấp 4 lần.
Nio có trụ sở tại Thượng Hải dự đoán số lượng giao hàng từ tháng 4 đến tháng 6 có thể tăng tới 86,3% so với quý trước lên 56.000 chiếc; Xpeng có trụ sở tại Quảng Châu ước tính doanh số bán hàng quý 2 sẽ tăng tới 46,6% lên 32.000 chiếc trong khi Li Auto ở Bắc Kinh ghi nhận lượng giao hàng quý 2 tăng 27%, có khả năng đạt 110.000 chiếc.
Deutsche Bank cho biết tỷ suất lợi nhuận tại Nio và Xpeng sẽ sớm được cải thiện trong năm nay nhờ doanh số bán hàng lớn và động thái cắt giảm các chương trình khuyến mại hiện có.
Cả ba nhà sản xuất trên đều chế tạo ô tô điện với các tính năng thông minh như công nghệ lái tự động và hệ thống điều khiển kích hoạt bằng giọng nói.
Tháng trước, Nio đã ra mắt thương hiệu Onvo dành cho thị trường đại chúng để mở rộng cơ sở khách hàng của mình. Theo đó, mẫu xe thể thao đa dụng này có giá chỉ 219.900 nhân dân tệ, thấp hơn phiên bản cơ bản của Model Y sản xuất tại Thượng Hải của Tesla tới 30.000 nhân dân tệ, tương đương 12%.
Giám đốc điều hành của Nio, William Li, phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng trước rằng thương hiệu mới sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào lợi nhuận của công ty khi số lượng xe giao hàng tháng vượt quá 20.000 chiếc. Công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt và giao L60 cho khách hàng đại lục vào tháng 9.
Xpeng cũng có kế hoạch tung ra một thương hiệu dành cho thị trường đại chúng với ô tô có giá cả phải chăng hơn dành cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp ở đại lục.
Nick Lai, nhà phân tích của JPMorgan, cho biết một số nhà sản xuất ô tô điện hoạt động kém hiệu quả ở đại lục sẽ buộc phải đóng cửa trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Ông nói: “Mọi người đều đồng ý rằng chúng tôi không cần 100 thương hiệu trên thị trường ô tô Trung Quốc. Một số nhà sản xuất sẽ buộc phải rời đi và một số sẽ ở lại”.
Theo dự báo của Fitch Ratings vào tháng 11, ngành xe điện của Trung Quốc, một trong những mũi nhọn của nền kinh tế, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 20% trong năm nay, so với 37% vào năm 2023.
BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới , đã "nổ phát súng đầu tiên" trong cuộc chiến giá cả vào tháng 2, giảm giá gần như tất cả mẫu xe của mình từ 5% đến 20% để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang ô tô điện ở đại lục.
Ngân hàng Mỹ cho biết thêm, việc BYD giảm giá khoảng 10.300 nhân dân tệ mỗi chiếc xe, tương đương 7% giá bán trung bình của công ty, có thể khiến ngành công nghiệp xe điện của quốc gia rơi vào tình trạng thua lỗ.
Theo SCMP