Trang web VOA bản tiếng Trung ngày 2/10 đã đăng bài viết phản ánh ý kiến của các quan chức và chuyên gia về quân sự Mỹ xung quanh cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước này.
Bộ sưu tập vũ khí thiết bị lớn nhất và đầy đủ nhất trong lịch sử của PLA
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phô diễn rất nhiều vũ khí, thiết bị quân sự trong cuộc diễu binh ngày Quốc khánh lần thứ 70 tại Bắc Kinh hôm 1/10; trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D được gọi là “sát thủ tàu sân bay" và tên lửa “sát thủ đảo Guam” DF-26. Ngoài ra còn có tên lửa tàu lượn siêu thanh DF-17 và máy bay không người lái kiểu mới.
Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết tất cả các thiết bị diễu binh đều được sản xuất tại Trung Quốc và gần một nửa trong số đó được ra mắt lần đầu. Các vũ khí và thiết bị tham gia diễu binh có tổng số 32 đội hình với 580 trang thiết bị, bao gồm các trang thiết bị chủ chốt của các quân binh chủng khác nhau, có quy mô lớn nhất, chủng loại hoàn chỉnh nhất trong lịch sử PLA.
Tên lửa tầm trung siêu thanh DF-17 - một thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa
|
Tân Hoa xã dẫn lời tướng Vương Thụy Thành (Wang Ruicheng), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Bộ chỉ huy cuộc diễu binh, nói rằng “Các vũ khí và thiết bị được công khai trong cuộc diễu binh là sự thể hiện tập trung những thành tựu mới nhất trong xây dựng quân đội và công nghệ quốc phòng của Trung Quốc; thể hiện sự biến đổi to lớn trong xây dựng quân đội và trình độ phát triển công nghệ quốc phòng của Trung Quốc trong 70 năm kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập”.
Chính phủ Trung Quốc nói, cuộc diễu binh lần này không nhằm đe dọa bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khi bắt đầu cuộc diễu binh, nói Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường “phát triển hòa bình”, nhưng quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước.
Richard Fisher: Trung Quốc muốn trở thành bá chủ quân sự toàn cầu
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Richard Fisher, Jr., một nhà nghiên cứu uyên thâm về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ, nói các thiết bị quân sự thể hiện trong cuộc diễu binh này đã chứng tỏ sự thay đổi trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ông nói: “Rất rõ ràng rằng, như chúng ta đã xác định, Trung Quốc đang tiến hành sự bành trướng quân sự lớn. Và ngày càng thấy rõ mục tiêu của Trung Quốc là trở thành bá chủ quân sự toàn cầu và trở thành quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh về quân sự”.
Nhà nghiên cứu Richard Fisher: Trung Quốc luôn có tham vọng có kho vũ khí hạt nhân nhiều hơn Mỹ và Nga, chỉ có điều trước đây họ không có nguồn tài chính để thực hiện được điều đó
|
Điều khiến ông chú ý nhất trong cuộc diễu binh của Trung Quốc là loại tên lửa hạt nhân DF-41. Richard Fisher nói: "DF-41 rất đáng chú ý vì nó có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân. Lữ đoàn tên lửa này có 18 tên lửa như vậy, vì vậy nó có thể gia tăng 180 đầu đạn hạt nhân cho kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”.
Vị chuyên gia quân sự này nói, Trung Quốc đang chế tạo ba loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, điều này sẽ làm tăng thêm 540 đầu đạn hạt nhân cho kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông nói, chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đưa số lượng đầu đạn hạt nhân của họ tiếp cận Mỹ và Nga. Theo quan điểm của ông, Trung Quốc luôn có tham vọng có kho vũ khí hạt nhân nhiều hơn Mỹ và Nga, chỉ có điều trước đây họ không có nguồn tài chính để thực hiện được điều đó.
DF-17 có thể là then chốt đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Nhật
Ông Fisher cũng cho rằng loại tên lửa siêu thanh DF-17 được phô diễn trong cuộc diễu binh sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Ông nói: “Tôi dự đoán và thực sự có nhiều biểu hiện cho thấy Trung Quốc sẽ triển khai bố trí tên lửa DF-17 cùng với loại DF-16 đã có trước đó. DF-16 là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.000 km có thể bay rất cao, sau đó lao xuống. Nếu họ phóng đồng thời cả tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh tầm thấp, điều này sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống phòng thủ tên lửa, hoặc có thể là mấu chốt để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa. Liệu hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD hoặc Patriot pac-3 hiện tại liệu có thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa này hay không thì vẫn chưa rõ”.
DF-26 - tên lửa đạn đạo tầm trung được gọi là "Sát thủ đảo Guam"
|
Một số quan chức quân đội Nhật Bản cũng cho rằng tên lửa DF-17 đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực hiện đang được Mỹ và Nhật Bản xây dựng.
Randall Schriver: phù hợp với dự đoán của Mỹ, sẽ tiến hành phân tích
Ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương, tại một cuộc hội thảo tại Viện Brookings hôm thứ ba (1/10) đã được hỏi về cách nhìn đối với các vũ khí và thiết bị mà Trung Quốc thể hiện trong cuộc diễu hành quân sự.
Ông nói: “Tôi đã xem một số tin tức về điều này. Nó dường như đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người và tôi nghĩ ý đồ của họ là phát ra tín hiệu cho cả bên trong và bên ngoài, vì vậy chúng tôi sẽ tiến hành phân tích điều này. Nhưng tôi nghĩ rằng điều này phù hợp với dự đoán”.
Richard Fisher: Cuộc diễu binh này nhằm vào Đài Loan và Mỹ
Nhà nghiên cứu Richard Fisher của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế cho rằng cuộc diễu binh này nhằm uy hiếp Đài Loan và Mỹ. Ông nói: “Diễu binh là một hình thức tuyên truyền của quân đội; cũng có thể nói rằng nó là sự phô diễn vũ lực trong một cuộc đấu tranh chính trị và quân sự rộng lớn hơn. Cuộc diễu binh này có rất nhiều mục tiêu cần nhằm tới. Rõ ràng, mục tiêu nó nhằm tới đầu tiên là Đài Loan. Đặc biệt là thông qua việc phô diễn nhiều tên lửa và máy bay chiến đấu kiểu mới, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng: nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, Đài Loan sẽ bị đánh bại về quân sự. Một mục tiêu khác là Mỹ. Trung Quốc hy vọng khi họ sử dụng vũ lực đánh Đài Loan, Mỹ sẽ không dám hỗ trợ Đài Loan”.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver:, các vũ khí và thiết bị mà Trung Quốc trưng ra phù hợp với dự đoán của Mỹ, nhưng Mỹ sẽ tiến hành phân tích
|
Rush Doshi: điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc sẽ làm gì với các lực lượng quân sự này
Ông Rush Doshi, Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings, lại không cho rằng Trung Quốc có ý định gửi một thông điệp mạnh mẽ thông qua cuộc diễu binh này.
Ông nói: “Nếu truyền thông tin, tôi không cho rằng thông tin này đặc biệt đáng lo ngại. Tôi không có bất kỳ quan ngại nào về cuộc diễu binh này. Tôi cho rằng, nếu đó là điều họ muốn làm để thể hiện công nghệ quân sự của họ, thì làm như thế cũng chả sao. Điều tôi lo lắng hơn là những gì sẽ xảy ra trong khu vực này, hoặc những gì mà Trung Quốc có thể làm với các lực lượng quân sự như thế”.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc này nói, chúng ta đã biết đến sự tồn tại của các thiết bị quân sự này, vì vậy cuộc diễu binh cũng chả có gì là quá quan trọng.
(Theo VOA tiếng Trung)