Lan toả kiến thức, giảm thiểu sai lầm
Trong hai ngày 16 và 17/1/2021, tại TP.HCM chương trình đào tạo “CEO và sứ mệnh chuyển đổi số” do doanh nghiệp xã hội DR.SME và Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (thuộc ĐH Kinh Tế Quốc dân) đồng tổ chức, đã thu hút hơn 30 lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia chuyển đổi số.
“Dr.SME là một doanh nghiệp xã hội, chuyên “bắt bệnh” chuyển đổi số và đào tạo nhân sự thực thi chuyển đổi số, tái cơ cấu cho rất nhiều doanh nghiệp Việt đã phải mất đi nguồn tài chính khổng lồ cho những quyết định sai lầm. Dr.SME đang triển khai xây dựng hệ sinh thái chia sẻ tri thức chuyển đổi số, nền tảng số của người Việt, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn độc lập, giúp khách hàng của mình tìm ra chiến lược chuyển đổi số đúng đắn: lựa chọn đúng công nghệ, đúng giải pháp, trả đúng giá và giám sát triển khai thành công”, ông Nguyễn Hoàng Lê – Chủ tịch HĐQT Dr.SME cho hay.
“Chương trình đào tạo nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công; giúp doanh nghiệp nhận thức đúng về chuyển đổi số và vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của CEO; chia sẻ những bài học thành công và kinh nghiệm thất bại từ những doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện những dự án chuyển đổi số trong các lĩnh vực và ngành nghề đa dạng. Ngoài ra, chương trình còn kiến tạo hệ sinh thái tri thức chuyển đổi số dành riêng cho chủ doanh nghiệp với sự tham gia của tất cả các thành phần như tư vấn, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, quản lý nhà nước, trường đại học” – Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc DR.SME cho biết.
Ông Vũ Tuấn Anh cho biết chương trình kiến tạo hệ sinh thái tri thức chuyển đổi số (Ảnh: HB) |
Tại chương trình, các lãnh đạo doanh nghiệp có dịp cùng chia sẻ những vấn đề đang diễn ra tại doanh nghiệp mình và nghe tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia nổi tiếng như: Ông Trần Thanh Đức - Tổng giám đốc Phong Vũ Computer, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng Giám Đốc VNPAY, ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HĐQT Gotadi, ông Đặng Thế Tài – CEO công ty CMC TSSG; TS. Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, ông Nguyễn Hoàng Lê – Chủ tịch HĐQT Dr.SME, ông Vũ Tuấn Anh – Phó TGĐ Dr.SME….
Thay đổi từ tư duy lãnh đạo
Ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HĐQT Gotadi cho biết: “Gotadi đã xây dựng xong hệ thống tự động hoá hoàn toàn để book vé máy bay, book phòng khách sạn toàn cầu. Phải thuê khá nhiều “cao thủ” trong lĩnh vực CNTT, ngồi lại phân tích xem cả thế giới đã làm gì, đang như thế nào trong lĩnh vực này, sau khi xem xét xong cái tổng thể rồi mới vẽ nên con đường dài của doanh nghiệp của mình. Nếu không có tầm nhìn thì cứ mỗi công ty bán phần mềm lại chào bán một khu vực khác nhau mà nhiều khi các phần mềm này lại không “nói chuyện” được với nhau. Vì vậy buộc phải có sơ đồ tổng thể, hình dung hết các chặng đường rất dài của con đường chuyển đổi số”.
“Chẳng hạn nhu cầu của khách du lịch là book vé máy bay, book phòng khách sạn, đón tiếp ở sân bay toàn cầu, lịch trình du lịch, điểm đến trên toàn cầu. Phải nghe nhiều ý kiến phản biện chứ thực tế thường không theo ý chí của người chủ. Kết nối và bảo mật cho tất cả, để có thể làm được, thực sự là phải làm từ trái tim” – ông Ngô Minh Đức nói.
Các CEO tâm huyết với vấn đề chuyển đổi số đã bỏ hai ngày nghỉ đi nghe chương trình đào tạo |
“Thế giới càng lúc càng cá nhân hoá, nhưng cho đến giờ vẫn còn nhiều người lãnh đạo vẫn giao những việc đơn giản cho nhân viên làm, trong khi công cụ đều đã có sẵn hết. Thực tế là, nhiều lãnh đạo cũng nói với tôi, họ thích tự book vé máy bay, book phòng khách sạn, sẽ chủ động hơn rất nhiều, tiết kiệm hơn, tránh tình trạng nhiều ông bà lãnh đạo ra đến sân bay rồi mới không có vé, lại gọi điện loạn cả công ty lên. Để có thể chuyển đổi số, thực sự, người lãnh đạo phải tự chuyển đổi tư duy của chính mình” – ông Ngô Minh Đức nhấn mạnh.
“Nếu đưa công nghệ vào, chắc chắn doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí, nhưng nhiều nơi lại không muốn làm, vì ngại thay đổi. Thực sự, rất ít công ty của Việt Nam làm chủ được công nghệ 100%, thậm chí có thể cạnh tranh được với nước ngoài là cả một hành trình dài đầy đau đớn, nhiều vấp ngã. Phải rất nỗ lực và kiên trì để vượt lên và khẳng định con đường của mình” – ông Ngô Minh Đức chia sẻ.
Để chuyển đổi số thành công, Gotadi đã có một cuộc chuyển dịch lớn về nhân sự. “Đã tự động hoá thì sẽ giảm được nhiều nhân sự, 80% các loại hoá đơn đều có thể tự động được. Thực tế là nhiều nhân sự được đào tạo sâu, đúng chuyên ngành nhưng không còn phù hợp nên sẽ phải chuyển đổi công việc, xuống các tầng công việc đơn giản hơn, xảy ra tình trạng không còn đáy”.
Các CEO cho biết, hành trình chuyển đổi số nhiều gian nan, thách thức nhưng không thể không thay đổi |
Tuy nhiên, tin vui được ông Ngô Minh Đức chia sẻ là: “Sau khi chuyển đổi số, chúng tôi tăng trưởng thường là gấp đôi, ví dụ so sánh từ tháng 1/2020 với tháng 1/2019 thì tỷ lệ tăng trưởng là 100%. Nhưng cũng sẽ không có doanh nghiệp nào tăng trưởng mãi. Muốn tiếp tục thành công, tất cả đều phải thay đổi, từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải thay đổi” – ông Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Ngô Minh Đức, Tổng giám đốc Phong Vũ Computer, ông Trần Thanh Đức chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số của Phong Vũ. Ông khẳng định: “Mặc dù đã là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số nhưng Phong Vũ vẫn luôn ý thức được là phải thay đổi, cần phải tiên phong trong việc đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp nữa. Thay đổi chưa chắc dẫn tới thành công hơn nhưng muốn đạt tới thành công hơn thì chắc chắn phải thay đổi” – ông Trần Thanh Đức nói.
“Kế hoạch chuyển đổi số từ offline sang online được Phong Vũ đưa ra từ năm 2019 và chúng tôi đã thực hiện trong năm 2020. Tại Smart showroom, Phong Vũ đã xúc tiến để khách hàng có thêm nhiều trải nghiệm mới với các màn hình rộng có cảm ứng, khách hàng có thể truy cập website, tìm thông tin sản phẩm, đặt hàng trên đó, thay vì phải đi khắp cả showroom rộng 500m2 để tìm từng sản phẩm cho cả một danh mục đặt hàng rất dài cho doanh nghiệp của mình” – ông Trần Thanh Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Lê – Chủ tịch HĐQT Dr.SME, chuyên gia "bắt bệnh" chuyển đổi số trong doanh nghiệp |
Biến thách thức thành cơ hội
“Nhãn dán giá của sản phẩm đang là vấn đề đối với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, vì có hàng ngàn sản phẩm trong mỗi cửa hàng, có cái đang khuyến mại, có cái hết thời gian khuyến mại, mỗi lần văn phòng chính thay đổi giá thì rất khó để kiểm soát được nhân viên đã dán giá đúng ở toàn bộ các cửa hàng hay chưa. Việc này một phần có thể dẫn tới khiếu nại của khách hàng, lớn hơn, có thể khiến Hội Bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan chức năng đến thanh tra doanh nghiệp. Phong Vũ đã triển khai bảng giá điện tử, hoàn toàn có thể giúp kiểm soát được vấn đề này. Ngay khi văn phòng chính thay đổi về giá thì giá mới sẽ được đồng bộ cập nhật tại các cửa hàng trong vòng 30 giây” – ông Trần Thanh Đức nói.
“Trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống, Phong Vũ đã đưa ra giải pháp order điện tử, khách vào nhà hàng có thể đặt hàng trên màn hình gắn tại bàn ăn, không cần nhân viên phục vụ đến ghi order, nhiều khi ghi sai, dẫn tới khiếu nại, nhiều khi quên, hoặc đơn hàng đi lạc, khách đợi mãi không có đồ ăn phải order lại dễ dẫn đến mất cảm xúc. Đồng thời, trong lúc khách ngồi ăn, thì tại bảng điện tử này sẽ pop up các khuyến mại, giúp nhà hàng dễ dàng chuyển đổi tỷ lệ quảng bá thành đơn hàng, kinh doanh hiệu quả hơn” – ông Trần Thanh Đức nói.
Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng Giám Đốc VNPAY cho biết: “VNPAY đã hỗ trợ thành công chuyển đổi số cho hãng hàng không Vietnam Airlines, khách hàng có thể lên mạng tự mua vé, tự xuất hoá đơn, tự check-in, tự trả thêm chi phí hành lý quá cân (nếu có)… Ngoài ra, trước sự xuất hiện đầy tính cạnh tranh của taxi công nghệ toàn cầu, thương hiệu Việt cần phải thay đổi, đơn cử như việc đầu tư hàng ngàn chiếc máy tính tiền chấp nhận mọi loại thẻ thanh toán trên hệ thống taxi Mai Linh cũng là một sản phẩm giúp nâng chất lượng phục vụ khách hàng” – ông Phúc nói.
Các CEO đồng thuận cho rằng đại dịch COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp phải nhìn lại hành trình và tích cực chuyển đổi số |
Ông Phạm Phú Lâm – CEO NETALINK, nguyên Giám đốc Phát triển kinh doanh MISA TP.HCM phát biểu: “MISA là sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam, chúng tôi tham gia công cuộc chuyển đổi số từ đầu, từ những năm 2000, MISA đã miệt mài bán hàng và thay đổi tư duy của các doanh nghiệp Việt. Nhưng sự thực là vẫn còn rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp suy nghĩ theo cách là phần mềm kế toán mua về để kế toán xài chứ chủ doanh nghiệp thì lại không xài. Với hành trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đúng là phải liên tục đổi mới, thay đổi thói quen của doanh nghiệp và người dùng”.
Ông Phạm Phú Lâm kể: “MISA có khoảng 100.000 khách hàng sử dụng dịch vụ kế toán, cứ mỗi dịp cuối năm, lại quá tải vì hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sổ sách kế toán. Cuối cùng, MISA đặt mục tiêu phải phục vụ được 1 triệu khách hàng chứ không chỉ là 100.000 nữa. Ví dụ, đầu tư 1 con bot chat đã có thể phục vụ 1.000 khách hàng rồi. Tận dụng lợi thế của CNTT, MISA đã phát triển dịch vụ đa kênh, tổng đài thông minh, xây dựng nền tảng kế toán phục vụ lẫn nhau”.
Bộ Tài chính vừa thống kê ngân sách nhà nước năm 2020 đã tiết kiệm được 49.000 tỉ đồng chi phí họp offline vì nhiều cuộc họp đã chuyển lên online. Trải qua năm 2020 sóng gió với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, người đứng đầu tất cả các doanh nghiệp đều thừa nhận khó khăn thách thức lại là cơ hội để nhìn lại, chuyển đổi hoạt động từ offline lên online, chăm sóc khách hàng nội địa, phát triển doanh số ở khu vực nội địa.
Chương trình đào tạo “CEO và sứ mệnh chuyển đổi số” sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23 và 24/1 sắp tới.