Thuốc kháng sinh có thể cung cấp một lựa chọn khác cho bệnh nhân muốn bỏ qua phẫu thuật ruột thừa truyền thống.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Phần Lan vừa công bố báo cáo có tên “Kỷ nguyên mới của điều trị viêm ruột thừa” trong đó đưa ra phương pháp dùng kháng sinh để thay thế cho phẫu thuật.
Nghiên cứu này được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Turku ở Phần Lan, và đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.
Ruột thừa là gì và tại sao cần cắt bỏ nó?
Cắt bỏ ruột thừa là một trong những loại phẫu thuật cấp cứu phổ biến nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có hơn 300 nghìn ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
Chức năng thực tế của ruột thừa vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của cơ thể con người. Nó là một đoạn ruột ngắn nhỏ như ngón tay cái, một đầu được bịt kín còn đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Có một số ý kiến cho rằng ruột thừa đóng một vai trò trong sức khỏe đường ruột.
Tuy nhiên, ruột thừa rất dễ bị viêm và thủng làm tràn dịch viêm loét vào ổ bụng, dẫn đến làm hỏng các cơ quan khác. Chính vì vậy mà khi một người bị viêm ruột thừa, các bác sỹ thường chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.
Viêm ruột thừa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 10 đến 30. Tại Mỹ, cứ 20 người thì có một người bị viêm ruột thừa và cần một phương pháp điều trị nào đó.
(ảnh minh họa: benh.edu.vn)
|
Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ phát hiện. Ở trẻ em và người lớn, đó là những cơn đau mạnh xung quanh rốn hoặc ở phần dưới bên phải của bụng. Thường người bệnh có cảm giác thèm ăn, buồn nôn, nôn mửa và sốt nhẹ. Viêm ruột thừa cũng gây khó thở.
Do phẫu thuật ruột thừa là một loại phẫu thuật đơn giản, nên các bác sỹ thường áp dụng phương pháp này để ngăn ngừa nhiễm trùng từ vết viêm loét.
Tìm một phương pháp thay thế con dao phẫu thuật
Trong những năm gần đây, chụp CT đã giúp các bác sỹ dễ dàng xem xét khu vực bị viêm nhiễm và dễ dàng chuẩn đoán liệu đoạn ruột thừa có thể bị vỡ không.
Một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Turku (Phần Lan) đã dành hơn một năm để xem xét những cải tiến của công nghệ quét CT có giúp ích nhiều cho các bác sỹ trong việc điều trị tình trạng viêm ruột thừa hay không.
Sau khi loại trừ các trường hợp viêm ruột thừa nghiêm trọng nhất cần phẫu thuật khẩn cấp, các nhà nghiên cứu đã xem xét 500 người bệnh ở Phần Lan đã vào viện trong 5 năm qua để điều trị viêm ruột thừa. Một nửa trong số họ được điều trị bằng kháng sinh, nửa còn lại được phẫu thuật.
Trong số các bệnh nhân dùng kháng sinh, có 100 người đã phải phẫu thuật sau đó. Phần lớn các ca phẫu thuật này là do bị viêm nhiễm một lần nữa trong năm đầu điều trị. 7 trong số 100 người đó hết viêm và tránh được phẫu thuật. Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp điều trị kháng sinh có tỷ lệ thành công là 64%.
Một số bệnh nhân được phẫu thuật chia sẻ rằng họ có gặp biến chứng sau phẫu thuật. Một phần tư bệnh nhân đã bị biến chứng và nhiễm trùng do phẫu thuật. Họ cũng có thời gian ốm nhiều hơn 11 ngày so với các bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh. (Cần lưu ý là các bệnh nhân ở Phần Lan được phẫu thuật theo cách truyền thông là rạch ngang bụng, thay vì các lựa chọn ít xâm lấn hơn như nội soi).
Nghiên cứu này cho thấy kháng sinh là một giải pháp tốt trong điều trị viêm ruột thừa, tuy nhiên một số chuyên gia y tế cho rằng đây không phải là phương pháp duy nhất.
Bà Giana Davidson, một bác sỹ phẫu thuật tại Đại học Washington nói rằng nghiên cứu của các bác sỹ ở Đại học Turku là “có ý nghĩa quan trọng, nhưng nó không phải là phương pháp toàn diện cho điều trị viêm ruột thừa”.
Theo Interesting Engineering