Theo đó, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ KH-ĐT, do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu chủ trì, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã bày tỏ quan ngại về những bất cập trong quản lý đầu tư, các quy định của Luật đầu tư và các thông tư liên quan đến vấn đề này.
Trong đó, lỗ hổng mà các quy định pháp luật hiện hành đang tạo ra trong công tác quản lý các dự án BOT, BTO, PPP... Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các dự án BOT đang được dư luận quan tâm. "Khó khăn hiện nay là chưa có quy định về thời gian thực hiện hợp đồng và thời gian hoàn vốn dự án. Nhà nước cấp giấy phép hoạt động có thể 20 năm trong khi thời gian hoàn vốn chỉ có 10 năm. Thời gian còn lại mình quản lý không chặt được, ngân sách tự nhiên sẽ chảy vào túi tư nhân”, ông Sơn quan ngại.
Không chỉ thời gian khai thác mà việc kiểm soát hoạt động thu phí cần được giám sát chặt chẽ có đúng như trong báo cáo dự án đã được phê duyệt. "Đã có hiện tượng các chủ đầu tư cố tình đưa vào dự án con số thu phí/ngày giảm xuống để kéo dài thời gian thu, nhưng thực tế số tiền thu gấp đôi con số này. Và với cách điều hành liên quan đến dự án BOT, người dân ngày càng phải ‘cõng’ nhiều loại phí trong khi ngân sách không được hưởng lợi", Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng nói.
"Số tiền chênh lệch gấp đôi đó sẽ chia lợi nhuận như thế nào. Nhà nước cần phải rút ngắn thời gian thu phí các dự án BOT, lập một cơ quan thanh tra, giám sát việc thu phí hoặc đặt một thiết bị thu phí tự động để giám sát doanh thu”, ông Sơn kiến nghị.
Ghi nhận ý kiến, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết sẽ tổng hợp ý kiến này gửi lên Chính phủ để trình ra Quốc hội xem xét, sửa đổi. Đồng thời ghi nhận những vấn đề bất cập, sai phạm của những dự án BOT đường bộ trong thời gian qua. Nhất là việc người dân than phiền khi phải ‘cõng’ thêm phí đường bộ do các trạm BOT quá dày đặc, cũng như những sai phạm tại các dự án BOT đã bị phanh phui.