Theo nghiên cứu của Đại học Brown được đăng trên tạp chí Nature ngày 12/6, hoạt động quốc phòng của Mỹ đang tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn hơn nhiều nước công nghiệp khác.
Trong năm 2017, các hoạt động của Lầu Năm Góc, cơ quan phụ trách giám sát quân đội Mỹ, đã thải ra 59 triệu tấn CO2 và các khí thải khác.
Con số này nhiều hơn lượng khí thải trong một năm của Thụy Điển và Bồ Đào Nha.
Theo bảng xếp hạng carbon toàn cầu, Thụy Điển hiện đang xếp thứ 62, trong khi Bồ Đào Nhà xếp thứ 57 trên thế giới về khí thải.
Trung Quốc hiện là quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn nhất thế giới, tiếp đó là Mỹ.
Nếu Lầu Năm Góc là một quốc gia, thì lượng khí thải này sẽ xếp thứ 55 trên thế giới.
Theo tác giả Neta Crawford, việc sử dụng và di chuyển binh sỹ, vũ khí chiếm tới 70% năng lượng được tiêu thụ của Lầu Năm Góc, chủ yếu là từ việc đốt nhiên liệu động cơ.
Trong báo cáo được trình lên Quốc hội vào tháng Một vừa qua, Lầu Năm Góc đã coi vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh quốc gia và khởi động một số sáng kiến nhằm ứng phó với tác động này.
Nhà nghiên cứu Crawford cho biết Lầu Năm Góc đã giảm mạnh việc tiêu thụ nhiên liệu kể từ năm 2009, khi khiến các phương tiện hoạt động hiệu quả hơn, cũng như chuyển sang nguồn năng lượng sạch ở các căn cứ.
Tác giả nghiên cứu cho rằng cơ quan này còn có thể làm được tốt hơn thế qua việc giảm bớt các nhiệm vụ tốn nhiều nhiên liệu như tới Vịnh Persian để bảo vệ quyền tiếp cận dầu mỏ, bởi đây không còn là ưu tiên hàng đầu khi năng lượng tái tạo đang ngày càng phổ biến.
Tháng 11/2018, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu đang trên đà tăng thêm 3-5độ C trong thế kỷ này, vượt xa mục tiêu toàn cầu về giảm mức tăng nhiệt độ xuống dưới 2 độ C.
Nghiên cứu nhấn mạnh việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C sẽ làm tăng gấp 5 lần ảnh hưởng của khí hậu đến xung đột./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu