Chiều 24/3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo, mặc dù chỉ trước đó ít giờ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý rủi ro và Cục Điều tra chống buôn lậu về vấn đề xuất khẩu gạo.
Công văn hỏa tốc của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo.
|
Lý do được Bộ Công thương đưa ra là sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận thấy cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông - xuân, các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường.
Trước đó, thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan Việt Nam yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0h ngày 24/3. Tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên vẫn được giải quyết theo quy định.
Tổng cục Hải quan hỏa tốc yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0h ngày 24/3.
|
Tổng cục Hải quan cũng giao Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Tổng Cục Hải quan cho biết, công văn khẩn nêu trên là hiện thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại ngày 18/3 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.
“Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống.