Bộ Công an: Trách nhiệm pháp lý rất nặng nề khi cầm hộ hàng hoá tại sân bay, qua biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều trường hợp, người cầm hộ, vận chuyển hàng hoá qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề - theo Bộ Công an.
Nhận mang hộ hàng hoá có ma tuý, 4 tiếp viên hàng không đã gặp rắc rối về pháp lý
Nhận mang hộ hàng hoá có ma tuý, 4 tiếp viên hàng không đã gặp rắc rối về pháp lý

Trao đổi trực tuyến với công dân, Bộ Công an đã nêu rõ những nguy cơ và cách xử lý khi được nhờ cầm hộ hàng hoá qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe.

Theo Bộ Công an, việc có người nhờ cầm hộ hàng hoá qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe là việc làm nhiều người cho rằng rất bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ, vận chuyển hàng hoá có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.

Về cách xử lý khi được người khác nhờ trông, vận chuyển hàng qua bến tàu, bến xe, sân bay, Bộ Công an đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hoá, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không.

Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường; không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý; giữ hành lý và giấy tờ tuỳ thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa “chất cấm”, “hàng cấm” và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.

Bộ Công an cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vận chuyển trái phép ma tuý, hàng hoá bị nghiêm cấm, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức vận chuyển ma tuý trái phép qua biên giới.

Việc vận chuyển hàng hoá qua biên giới, cầm hộ hàng hoá tại sân bay đang được quan tâm đặc biệt trong những ngày gần đây do có vụ việc 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Như VietTimes đã đưa tin, ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không trong vụ việc ; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý”.

Theo tóm tắt vụ việc của Bộ Công an, vào lúc 8h45 ngày 16/3/2023, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg, gồm: 4 vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thuỷ và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Sau đó, phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 4 vali, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng. Tiến hành kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57g ma túy các loại Ketamine và MDMA.

Ngày 17/3/2023, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuyển giao hồ sơ và vật chứng của vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3/2023, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định: Khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 1 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý; do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Trong ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không nêu trên.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý” để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.

Giao nhận chất ma túy, tiền chất trái quy định bị xử lý thế nào?

Theo khoản 4 Điều 5 Luật Phòng chống ma tuý năm 2021, việc giao nhận chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; vận chuyển qua biên giới… có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp vận chuyển nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 5kg trở lên; vận chuyển heroin, cocain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy).

Ngoài ra, cũng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc vận chuyển hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật, tuỳ mức độ, giá trị hàng hoá có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.