Nhắc đến con gà, chúng ta có thể nghĩ đến một loài vật được thuần chủng từ rất lâu, luôn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, từ xa xưa, con gà đã trở thành một biểu tượng văn hóa có ý nghĩa quan trọng.
Từ “Gallus” theo chữ Latinh vừa có ý nghĩa là “Gà trống” vừa là “người Gaulois” (người Gô – loa). Vào thời trung đại Pháp, gà trống Gallic được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng tôn giáo, tượng trưng cho niềm tin và hạnh phúc. Trong thời kỳ Phục hưng, với cái mào đỏ rực rỡ cùng chiếc đuôi dài, cong vút màu xanh đen, vẻ đẹp oai vệ của gà trống đã trở thành biểu tượng cho người Pháp.
Vào thời kỳ Cách mạng Pháp, Gà trống lại mang ý nghĩa biểu trưng cho căn tính quốc gia. Luôn hiện diện rộng rãi, nhưng loài vật này chưa từng được công nhận là biểu tượng quốc gia một cách chính thức.
Dù vậy, trong tâm thức người Pháp, hình ảnh gà trống vẫn luôn có một vị trí đặc biệt. Hình ảnh gà trống vẫn vẹn nguyên trên cánh cổng sắt của điện Elysées, trong bảo tàng Lourve hay điện Versailles.
Gà trống cũng là biểu tượng phổ biến của mặt trời với tiếng gáy báo hiệu mặt trời mọc. Vì vậy, ở Ấn Độ, gà trống là hiện thân của năng lượng mặt trời, là vật hiệu của thần Skanda (thần chiến tranh). Cũng bởi tiếng gáy mà ý nghĩa của gà trống được nhà tiên tri Mohammad nâng lên tầm vũ trụ.
Ngài cho rằng “Trong những vật Thượng đế tạo ra, có mỗi gà trống là mào ở dưới Ngai Chúa, mông đạp đất hạ giới, cánh vỗ trong không trung. Khi hai phần ba đêm đã qua và chỉ còn lại một phần ba, nó vỗ cánh rồi nói:
Hãy ngợi ca vị chúa tể vô vàn thánh thiện, xứng đáng được ca tụng và được tôn thờ mà không có gì có thể đứng bên cạnh Ngài. Khi ấy, tất cả chim muông vỗ cánh và tất cả các gà trống hát ca” (Trích “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”).
Ở xứ sở kim chi, người ta tin rằng gà trống hiểu rõ về thời gian và là biểu tượng của sự bắt đầu một niềm hy vọng mới hay điềm báo một điều tốt lành. Khi con gà cất tiếng gáy, mọi điều xấu xa, đen đủi đều tan biến. Gà trống là họa tiết quen thuộc trên mái nhà của các cung điện cổ xưa.
Trong lễ cưới ở Hàn Quốc, không thể thiếu một đôi gà được bọc bằng vải xanh và vải đỏ đặt ở bàn cưới. Hôn nhân cũng là một chặng đường mới của mỗi một người. Bởi vậy, gà trống với tiếng gáy vang xa báo hiệu một ngày mới, một khởi đầu mới tốt đẹp. Con gà mái hiền lành với niềm tin rằng gia đình sẽ đông con nhiều cháu.
Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một xã hội nông nghiệp truyền thống. Gia đình mong rằng cô dâu mới sẽ có thể sinh nở thuận lợi, xây dựng một cuộc sống gia đình bền vững, hạnh phúc.
Cũng như văn hóa của các nước phương Đông, Nhật Bản cũng rất coi trọng con gà. Đối với người Nhật, con gà trống là một loài vật linh thiêng. Người ta cho rằng tiếng gáy của gà trống khiến cho nữ thần Mặt Trời Amaterasu phải bước ra khỏi nơi ẩn náu, tỏa ánh sáng ấm áp muôn nơi. Do đó, du khách khi tới thăm đền thờ Shinto sẽ thấy những con gà rất đẹp, đi lại tự do trong khuôn viên. Khả năng chiến đấu của gà trống cũng là một biểu tượng cho sự dũng cảm trong khi đó việc báo hiệu bình minh lại biểu hiện sự đáng tin cậy.
Chính vì thế, Nhật Bản còn có riêng một lễ hội Gà trống với tên gọi “Tori no Ichi”, thường diễn ra vào tháng 11. Vào thời kỳ Edo, lễ hội mang ý nghĩa cầu bình an, thịnh vượng, sung túc. Thế nhưng, trước đó, người Nhật Bản đã cúng gà vào dịp này với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã giúp cho mùa màng bội thu.
Ở Việt Nam, con gà không chỉ là một vật nuôi mà nó còn bước vào đời sống văn hóa, nghệ thuật với tất cả vẻ đẹp cao quý. Những bức tranh làng Hồ nổi tiếng không thể thiếu hình ảnh gà trống tượng trưng cho những điều tốt đẹp (đại cát). Trong lối nói dân dã hằng ngày, hình tượng con gà cũng liên tục xuất hiện. Hình ảnh những người đàn ông góa vợ chăm sóc con được ví với “gà trống nuôi con”. Những thiếu nữ Việt xưa vấn khăn cũng thả buông ít “tóc đuôi gà”. Bước vào thế giới văn chương, con gà trống vẫn hiện lên thật đẹp qua những vần thơ của Huy Cận:
“Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi!
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi…”.
Nguồn: VOV