Bí thư Thăng: TP.HCM còn nhiều dư địa phát triển không?

"TP.HCM còn nhiều dư địa phát triển không? Chúng ta luôn nói TP.HCM phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Vậy làm gì, cơ chế, chính sách nào phát huy tiềm năng TP.HCM?".
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm

Ngày 2.7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày TP.Sài Gòn - Gia Định vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt vấn đề: “TP.HCM còn nhiều dư địa phát triển không? Chúng ta luôn nói TP.HCM phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Vậy làm gì, cơ chế, chính sách nào phát huy tiềm năng TP.HCM?”.


Bí thư Thăng: TP.HCM còn nhiều dư địa phát triển không? ảnh 1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi lễ-Ảnh: Hoàng Vương

Trả lời cho câu hỏi này, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: “Không có câu trả lời nào thuyết phục hơn là phải tháo gỡ ngay những bất cập, khó khăn từ cơ chế, những khuyết điểm và hạn chế chủ quan”.

Bí thư Đinh La Thăng cho biết sau 40 năm vinh dự, chính thức mang tên Bác, TP.HCM từ một TP với quy mô kinh tế ước hơn 2,5 tỉ đồng, nay đạt hơn 957.000 tỉ đồng; từ một TP còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, nay đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân, tạo lại màu xanh trên các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé... Thu nhập bình quân đầu người của người dân TP đến hết năm 2015 đạt 5.538 USD/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010.

Bí thư Đinh La Thăng thẳng thắn nhìn nhận công tác quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh, bảo vệ môi trường; các lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đều chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; một số vấn đề bức xúc trong xã hội chậm được khắc phục; tình hình an ninh, trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, vẫn chưa thật sự tạo tâm lý an tâm cho mỗi người dân TP.

Nêu ra mục tiêu trước mắt phấn đấu đến năm 2020, TP.HCM phải trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định Đảng bộ, chính quyền TP nhận diện sâu sắc với tinh thần tự phê bình rất cao những hạn chế, khuyết điểm thậm chí trở thành “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển; chủ động khắc phục những yếu kém chủ quan do yếu tố con người trong bộ máy hành chính; tiếp tục tinh thần “đi trước và về đích trước”, chủ động bứt phá, luôn quán triệt quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội; luôn hết lòng, hết sức phục vụ người dân.

Ông Đinh La Thăng khẳng định thêm: “TP.HCM tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu cao nhất: TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình của mỗi người dân, do mỗi người dân, vì mỗi người dân và cho tất cả những ai dù một lần đến và đi từ TP này”.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, TP.HCM đặt ra mục tiêu và xây dựng TP văn minh trong từng con đường góc phố, từng cơ quan, công sở đến nhà máy, lớp học, chợ; là văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, là tôn trọng pháp quyền, là cư xử văn hóa, là nếp sống thị dân…

TP.HCM hiện đại không chỉ bằng cơ sở hạ tầng, bằng mỗi dịch vụ công mà phải bằng quản trị hiện đại, công nghệ hiện đại, tư duy hiện đại để tiếp thu và vận dụng cái mới trong quản lý, điều hành, trong sản xuất - kinh doanh, trong từng hoạt động của mọi lĩnh vực cuộc sống.

TP.HCM nghĩa tình là ở đó, mọi người đều được tôn trọng, chăm sóc, thương yêu; đều được tạo cho những cơ hội học tập, làm việc, cống hiến, sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của cộng đồng; ở đó con người luôn có trước có sau, trân trọng biết ơn tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, tự trọng tự tin, biết nhường cơm xẻ áo, trọng nghĩa trọng tình, ăn quả nhớ kẻ trồng cây…”.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, đó là những khát vọng chính đáng và vô cùng to lớn nhưng không là viển vông. Mọi khó khăn sẽ được giải quyết, mọi thử thách đều có thể vượt qua khi ta nhận thức sâu sắc và quyết tâm hành động từ những vấn đề mang tính quyết định: tổ chức, bộ máy, con người.

“Lãnh đạo tiên phong đổi mới, bám sát thực tiễn; chính quyền kiến tạo, liêm chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đảng viên gương mẫu, đi đầu; cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, ông nhấn mạnh.

Kỳ họp Quốc hội khóa VI (từ ngày 24.6 - 3.7.1976) đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có việc đổi tên TP.Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM.

Đây là một quyết định không chỉ có ý nghĩa tôn vinh, ghi nhớ công lao của Bác Hồ mà còn đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào miền Nam nói chung, nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng. Đồng thời, đánh đấu một cột mốc quan trong trong quá trình phát triển của TP.HCM gắn liền với tên Bác.

Theo Thanh Niên