Bí ẩn phía sau các túi hạt giống lạ được gửi từ Trung Quốc tới Mỹ, Canada và Nhật

VietTimes – Giữa lúc quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng, lại xuất hiện mâu thuẫn mới và lần này là về những túi hạt giống. Ít nhất 27 tiểu bang ở Mỹ báo cáo bất ngờ nhận được các túi hạt giống không xác định được gửi từ Trung Quốc, dấy lên những nghi ngờ về một âm mưu phá hoại...
Ít nhất 27 bang ở Mỹ nhận được các túi hạt giống lạ gửi từ Trung Quốc; chính quyền khuyến cáo người dân không được tự ý gieo trồng (Ảnh: Hket).
Ít nhất 27 bang ở Mỹ nhận được các túi hạt giống lạ gửi từ Trung Quốc; chính quyền khuyến cáo người dân không được tự ý gieo trồng (Ảnh: Hket).

Theo trang tin Hket.com (Nhật báo Kinh tế Hồng Kông), Chính phủ Mỹ đã cảnh báo những người nhận được hạt giống không được gieo và đang sắp xếp để kiểm tra xem những hạt giống này có hại hay không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố rằng nhãn "Bưu điện Trung Quốc" trên các bưu kiện hạt giống này bị giả mạo. Washington rất lo lắng về những hạt giống bí ẩn này vì chúng có thể thuộc về các loài xâm lấn, nếu xử lý không phù hợp có thể dẫn đến thảm họa sinh thái.

“Bom” hạt giống đến từ Trung Quốc

Từ cuối tháng 7, người dân ở nhiều bang tại Mỹ đột nhiên nhận được các gói bưu phẩm gửi tới địa chỉ của mình. Sau khi mở ra, họ thấy có một hoặc nhiều gói hạt giống ở trong, nhưng không có hướng dẫn nào được đính kèm. Bên ngoài các bưu kiện này đều có dòng chữ “Bưu chính Trung Quốc" (China Post).

Trang tin trực tuyến Hoa Kỳ Business Insider đưa tin rằng các bưu kiện hạt giống bí ẩn này đã xuất hiện tại ít nhất 27 tiểu bang. Tính đến ngày 1/8, cơ quan trồng trọt Mỹ mới xác định được hạt giống của 14 loài thực vật trong số hàng trăm loại hạt giống lạ mà dân chúng Mỹ nhận được. Ngoài ra, người dân ở Canada cũng nhận được những bưu kiện hạt giống tương tự.

Trong số hàng trăm loại hạt,mới xác định được hạt của 14 loại cây (Ảnh: Creaders).
Trong số hàng trăm loại hạt,mới xác định được hạt của 14 loại cây (Ảnh: Creaders).

Phản ứng của Washington  

Ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ban hành một thông báo, yêu cầu những người nhận được hạt giống phải giữ nguyên túi hạt giống cùng bưu kiện và liên hệ với các cơ quan chính phủ có liên quan. Chính quyền cảnh báo không được  gieo trồng những hạt giống không rõ nguồn gốc này.

Chính phủ Canada cũng đã ban hành một văn bản tương tự, tuyên bố rằng các hạt giống này có thể là loài thực vật xâm lấn, có thể mang sâu bệnh, hoặc có hại cho môi trường Canada.

Giải thích của phía Trung Quốc

Ngày 28/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng cho biết Bưu chính Trung Quốc đã xác nhận rằng, các phiếu gửi trên các bưu kiện này đã bị làm giả, có nhiều lỗi trong cách bố trí và thông tin. Bưu chính Trung Quốc đã thảo luận với phía Mỹ, yêu cầu trả lại các bưu kiện để Trung Quốc tiến hành điều tra.

Ông Uông Văn Bân cũng nói hạt giống cây trồng bị cấm gửi qua bưu điện theo quy định của UPU. Bưu chính Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của UPU, không cho gửi các túi hạt giống tới Mỹ.

Phiếu gửi hàng đều ghi "Bưu chính Trung Quốc", nhưng phía Trung Quốc nói đây là nhãn giả (Ảnh Hket).
Phiếu gửi hàng đều ghi "Bưu chính Trung Quốc", nhưng phía Trung Quốc nói đây là nhãn giả (Ảnh Hket).

Rốt cục chuyện gì đang xảy ra?

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tuyên bố rằng vụ việc này có thể là một "brushing scam” (trò lừa đảo); hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ việc này có tính chất khác.

Cái gọi là “brushing scam” là một chiến thuật ồ ạt tạo ra các đánh giá sai về sản phẩm. Các thương nhân trực tuyến sẽ gửi sản phẩm theo ý muốn, tạo nên doanh số ảo và đăng các đánh giá giả dưới tên của người nhận để nâng cao danh tiếng của cửa hàng trên nền tảng bán hàng trực tuyến.

Đến lượt Nhật Bản bị “hạt giống Trung Quốc lạ” tấn công

 Theo trang Hket ngày 1/8, tiếp sau Mỹ và Canada, Nhật Bản cũng đã báo cáo một số người đã nhận được các gói hạt giống bị nghi ngờ gửi từ Trung Quốc. Ngày 31/7, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã kêu gọi công chúng không được gieo trồng hạt giống không rõ nguồn gốc.

Sau Mỹ và Canada, đến lượt các túi hạt giống lạ được gửi từ Trung Quốc tới Nhật (Ảnh: Hket).
Sau Mỹ và Canada, đến lượt các túi hạt giống lạ được gửi từ Trung Quốc tới Nhật (Ảnh: Hket).

Theo báo Asahi Shimbun, Trung tâm dịch vụ tư vấn tiêu dùng do nhóm bảo vệ người tiêu dùng "Trung tâm đời sống quốc dân" thiết lập ở nhiều nơi gần đây đã nhận được một số trường hợp tư vấn về việc "nhận được các gói bưu phẩm quốc tế có chứa sản phẩm dường như là hạt giống cây trồng” có vẻ được gửi từ Trung Quốc, nhưng không rõ mục đích việc gửi các gói như vậy là gì.

Trước việc này, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản tuyên bố một số bưu kiện có chứa hạt giống hành tây, nhưng "có thể chứa sâu bệnh" và kêu gọi dân chúng không trồng hạt giống không rõ nguồn gốc. Những người nhận được hạt giống đáng ngờ, cần liên hệ với các cơ quan liên quan để được tư vấn.

Các túi đựng hạt giống được gắn kín cẩn thận (Ảnh: Hket).
Các túi đựng hạt giống được gắn kín cẩn thận (Ảnh: Hket).

Tin của Ashahi Shimbun nói, một người đàn ông 68 tuổi sống ở thành phố Miura, tỉnh Kanagawa đã nhận được bưu phẩm quốc tế vào ngày 28/7, bên trong có một túi trong suốt chứa khoảng 100 hạt giống không xác định. Mặc dù nó được gửi kèm theo một thư giao hàng với "Bưu điện Trung Quốc", nhưng không ghi rõ tên người gửi, chỉ ghi "thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông" bằng tiếng Anh.

Trong cột mô tả nội dung, được ghi là "đồ trang sức" bằng tiếng Anh và ghi chính xác địa chỉ, tên và số điện thoại di động của người nhận vào cột người nhận.

Người đàn ông nhận được hàng nói, ông nghĩ rằng đó có thể là đặt hàng sai, nên ông đã mở ra. Ban đầu, ông định đem gieo trồng trong vườn, nhưng sau đó đã quyết định trình báo với chính quyền thành phố Miura.

Địa chỉ nơi gửi các túi hạt giống tới Nhật đều ghi rõ: thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Hket)
Địa chỉ nơi gửi các túi hạt giống tới Nhật đều ghi rõ: thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Hket)

Ngoài ra còn có một số hình ảnh những túi hạt giống đáng ngờ khác được cư dân mạng Nhật Bản đưa lên Twitter. Các túi hạt tương tự cũng đi kèm với một tờ giấy gửi hàng của China Post. Địa chỉ của người gửi cũng được viết bằng tiếng Anh. "Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông".