Theo đó, tính đến chiều 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ vĩ Bắc; 123,9 độ kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippines) khoảng 280 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16-17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km. Đến 13h ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ Bắc; 118,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 150N và phía Đông kinh tuyến 1160E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong vòng 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ Bắc; 113,6 độ kinh Đông, trên vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15-16.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật tin tức về hướng đi của bão, đồng thời chủ động đối với lũ lụt đang xảy ra tiền các tỉnh miền Trung.
Cùng ngày, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ từ 12/10 đến hết ngày 14/10 diễn ra trên địa bàn các tỉnh bắc miền trung đã gây mưa to đến rất to trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 300-400mm.
Đặc biệt một số nơi tại Quảng Bình có tổng lượng mưa 3 ngày vượt 700mm; lũ thượng lưu một số sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đạt đỉnh (xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2010 tại Hà Tĩnh và năm 2007 tại Quảng Bình), lũ hạ nguồn tiếp tục lên, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi. Mưa lũ đã gây sạt lở, ngập sau tại nhiều tuyến đường, đường sắt Bắc Nam gây ách tắc giao thông, một số khu dân cư bị chia cắt, gây thiệt hại về người tại các tỉnh. Cụ thể như sau:
Về người: 5 người chết (Quảng Bình 3, Thừa Thiên Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7).
Về nhà: bị sập 7 nhà, hư hại 764 nhà, bị ngập 27.184 nhà (trong đó Quảng Bình 26.920 nhà, Thừa Thiên Huế 186 nhà, Quảng Trị 78 nhà); Về nông nghiệp: hầu hết tại các tỉnh đã thu hoạch lúa; 202 ha hoa màu, 42 ha cây lâu năm, 470 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy; Về công trình: 200m kênh mương, 200m bờ sông, 205m đường giao thông bị sạt lở.
Tình hình ngập lụt: Tại Hà Tĩnh đã có 9 xã tại huyện Hương khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên bị ngập lụt; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập gây cản trở giao thông;
Tại Quảng Bình: phải di dời 78 hộ (Quảng Trạch), 1.500 hộ (Bố Trạch) và 278 hộ (huyện Tuyên Hóa) đến nơi an toàn. Ngập lụt tại: Đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Băc Nam qua xã Văn Hóa (huyệnTuyên Hóa); các tuyến đường quốc lộ: 9b, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5-0,8m gây ách tắc giao thông, các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1m-2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn;
Tại Quảng Trị: ngập lụt một số tuyến giao thông nông thôn gây chia cắt nhiều vùng trũng thấp của huyện Hải Lăng. Đến 20h ngày 14 mưa đã giảm, nước rút;
Tại Thừa Thiên Huế: mưa lớn từ đêm 13 đến sáng 14/10 đã gây ngập lụt một số tuyến đường tại thành phố Huế và huyện Phong Điền từ 0,2-0,3m; đến tối 14/10 nước đã rút, giao thông trở lại bình thường.