“Bảo hiểm Tiền gửi không chi trả được nếu cho ngân hàng nhỏ phá sản”

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết quy mô tổng tài sản của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tính đến cuối năm 2014 là 21.062 tỷ đồng, quỹ nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm là 15.331 tỷ đồng thì không thể đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi của ngân hàng có quy mô nhỏ bị phá sản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội theo nội dung của cơ quan này yêu cầu. Trong đó, báo cáo có giải trình lý do tại sao NHNN lại quyết định mua 0 đồng 3 ngân hàng GPBank, VNCB và OceanBank.

Mua 0 đồng với mục tiêu ổn định, không vì lợi nhuận

Trong năm 2015, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã mua bắt buộc 0 đồng đối với cổ phần của 3 NHTM cổ phần. "Đây là biện pháp hợp lý nhất trong thời điểm vừa qua để xử lý, cơ cấu lại một cách triệt để, toàn diện. Bởi cả 3 ngân hàng này đều đã lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm nên giải pháp tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện không khả thi", Thống đốc giải trình.

Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện về mặt quản trị, điều hành, hoạt động kinh doanh theo chiến lược mới phù hợp hơn, lành mạnh hoá tài chính, đặc biệt là xử lý nợ xấu và tài sản không sinh lời để thu hồi vốn cho ngân hàng.        

Theo đó, NHNN đã chỉ định Vietcombank quản trị, điều hành VNCB và Vietinbank quản trị, điều hành OceanBank, GPBank.

"Sau khi những khó khăn, yếu kém được khắc phục một bước quan trọng, hoạt động của ngân hàng được NHNN mua lại về cơ bản ổn định và giá trị ngân hàng đó gia tăng, NHNN sẽ tiến hành thoái vốn thông qua sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác", Thống đốc cho biết.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết sẽ ưu tiên sáp nhập vào NHTM nhà nước để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của NHTM nhà nước, sau đó mới đến cổ phần hóa hoặc bán cho nhà đầu tư tiềm năng…

"Việc mua cổ phần bắt buộc ngân hàng yếu kém nhằm xử lý ngân hàng yếu kém theo đề án cơ cấu lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD", Thống đốc giải trình.

Đã cho TCTD phi ngân hàng phá sản

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, các đại biểu rất quan tâm đến nguồn lực mà nhà nước phải bỏ ra trong việc mua lại các ngân hàng 0 đồng. Liệu rằng có làm ngân sách thêm một gánh nặng khi tình hình nợ công đang tăng cao như hiện nay?

Thống đốc Bình đã cho biết, mua lại 0 đồng có nghĩa là NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng. "Theo quy định của pháp luật, NHNN chỉ hỗ trợ vốn cho các NHTM, kể cả ngân hàng yếu kém dưới hình thức cấp tín dụng: tái cấp vốn và cho vay đặc biệt được bảo đảm bằng tài sản và được ưu tiên hoàn trả so với các khoản nợ khác tại ngân hàng. Do đó, thiệt hại kinh tế đối với NHNN hầu như không có", Thống đốc giải trình.

Cùng với đó, NHNN chỉ hỗ trợ vốn cho các NHTM, kể cả ngân hàng yếu kém dưới hình thức cấp tín dụng là tái cấp vốn và cho vay đặc biệt được bảo đảm bằng tài sản. NHNN sẽ sử dụng 3 nguồn vốn chủ yếu để tái cơ cấu và mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng yếu kém sau khi được NHNN mua lại.

"Một là nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, dân cư và xử lý nợ xấu, tài sản không sinh lời. Hai là nguồn tiền gửi, tiền vay từ các tổ chức khác. Và cuối cùng, các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC lấy trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn tại NHNN để bổ sung nguồn vốn kinh doanh", Thống đốc Bình cho biết.

Theo Thống đốc Bình, các ngân hàng được mua lại có nhiều khó khăn, yếu kém, để khôi phục ngân hàng này cần phải có nguồn vốn huy động mới từ các nguồn khác nhau như huy động tiền gửi từ doanh nghiệp, dân cư và TCTD khác để mở rộng hoạt động kinh doanh mới, tạo lợi nhuận khắc phục những tổn thất tài chính và số lỗ trước đây.

"Hơn nữa, việc NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém trong thời gian qua là có cơ sở pháp lý vững chắc. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chặt chẽ, hiệu quả Luật các tổ chức tín dụng, các quyết định 48, 254, 255 của Thủ tướng Chính phủ", Thống đốc Bình khẳng định.

Tuy nhiên, Thống đốc Bình cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế nên về lâu dài, khi đã hội tụ đủ điều kiện, giải pháp phá sản sẽ được áp dụng đối với một số trường hợp TCTD yếu kém có ảnh hưởng không lớn đến người gửi tiền và an toàn hệ thống.

“Vừa qua, NHNN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp phá sản trong từng trường hợp TCTD phi ngân hàng cụ thể", Thống đốc Bình cho biết.

Hiện nay, NHNN đang phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp phá sản thí điểm đối với 1 công ty cho thuê tài chính là các tổ chức không nhận tiền gửi của dân cư”, Thống đốc Bình cho biết.

Theo Bizlive