Nền tảng về chữ ký số hết sức quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử
Chiều 31/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng ban Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã chủ trì phiên họp toàn thể năm 2017 của Ban điều hành. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, năm 2017 hoạt động của Ban điều hành đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị. Thực tiễn hoạt động thời gian vừa qua là sự gắn kết giữa 4 cơ quan đóng vai trò quan trọng trong triển khai ứng dụng CNTT gồm Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ.
Theo Thứ trưởng, nhờ có sự gắn kết này mà một loạt văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách hết sức quan trọng nhưng cũng khó khăn đã được triển khai như: các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, chữ ký số hay vấn đề về gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính hướng tới một cửa liên thông… Có thể nói là năm 2017 là năm đột phá, quyết liệt trong vấn đề này. Với tinh thần đó, hy vọng thời gian tới, công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ được nâng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cụ thể là trong việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
“Thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT như Cục Tin học hóa, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ - Văn phòng Chính phủ để chúng ta triển khai tốt chủ trương này. Tôi cho rằng Ban Cơ yếu Chính phủ cũng nên tham gia vào, phối hợp chặt chẽ để làm thế nào chúng ta đưa ra được Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông”, Thứ trưởng yêu cầu.
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu về sự cần thiết ban hành các quy định, chính sách về liên quan đến Open Data, nhấn mạnh đây là vấn đề rất mới nhưng hết sức quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế số, trong triển khai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng yêu cầu Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu này.
Về các nội dung liên quan đến ATTT, Thứ trưởng nhận định, thời gian vừa qua Cục ATTT và VNCERT đã rất gắn kết trong triển khai công tác đảm bảo ATTT gắn chặt với ứng dụng CNTT. Thứ trưởng mong rằng các nội dung đã được Cục ATTT và VNCERT hướng dẫn sẽ là sở cứ để các bộ, ngành, địa phương đảm bảo tốt công tác ATTT trong thời gian tới.
Với việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26, theo Thứ trưởng đã tổ chức họp Ban soạn thảo nhiều lần và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là giữa Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ.
“Rất hy vọng Nghị định mới về chữ ký số được ban hành sẽ đáp ứng được một số tình hình mới. Nghị định 26 đã tồn tại 10 năm, rất nhiều bất cập. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ứng dụng CNTT phải đảm bảo an toàn. Nền tảng về chữ ký số hết sức quan trọng khi xây dựng Chính phủ điện tử. Nội dung này không những đòi hỏi về hạ tầng kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả về con người, văn bản quy phạm pháp luật”, Thứ trưởng nói.
Trong báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT cho biết, về tiến độ, Bộ TT&TT đã hoàn thành các thủ tục xây dựng Nghị định theo quy định và Bộ Tư pháp đang hoàn thiện văn bản thẩm định dự thảo Nghị định này theo ý kiến Hội đồng thẩm định họp ngày 25/10 vừa qua.
“Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia sẽ hoàn thiện hồ sơ Nghị định để trình Chính phủ”, ông Trung cho biết.
Được xây dựng nhằm khắc phục những quy định hạn chế, bất cập, không còn phù hợp tình hình thực tế của Nghị định 26, dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 26 gồm 9 chương với 84 Điều.
Dự thảo Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động kinh tế - xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử. (ICT News 1/11/2017)
Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về "Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội"
Ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách công, gia tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân; xây dựng mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, mô hình phối hợp liên ngành trong truyền thông chính sách hay mô hình nâng cao năng lực của công chúng... - Đó là một vài giải pháp đáng chú ý được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội", tổ chức ngày 1-11, tại Hà Nội. Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch truyền thông chính sách, đánh giá chính sách, thăm dò dư luận xã hội... gắn với các lĩnh vực cụ thể như y tế, năng lượng hạt nhân, làm rõ hơn lý luận về truyền thông, truyền thông chính sách và vai trò của truyền thông trong quy trình chính sách. Các ý kiến tham luận đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách trong việc xây dựng đồng thuận xã hội, góp phần triển khai thành công chính sách trong thực tiễn. Hội thảo cũng làm rõ các thách thức và yêu cầu đối với truyền thông chính sách trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông xã hội. Nhiều giải pháp đã được nêu ra, bao gồm ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách công, gia tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, mô hình phối hợp liên ngành trong truyền thông chính sách hay mô hình nâng cao năng lực của công chúng... Việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng các mô hình này trong thực tiễn rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và thúc đẩy Chính phủ kiến tạo. (Hà Nội mới Online 1/11/2017)
Ứng dụng CNTT tại Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả
Đây là đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra cải cách hành chính năm 2017, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính - ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo đó, các hoạt động ứng dụng CNTT được Bộ Công Thương triển khai ở nhiều nội dung, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, tiêu biểu như: Ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành, xử lý, trao đổi văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chuyên môn; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2016. Hoàn thành nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp chứng nhận và dán nhãn năng lượng cho doanh nghiệp và đang triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT, triển khai công tơ điện thông minh trong đo đếm điện năng theo kế hoạch, lộ trình được giao tại Nghị quyết 30a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Bộ cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 6 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên triển khai theo Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2016 của Chính phủ. Bộ đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tập trung tại một địa chỉ duy nhất. Người sử dụng chỉ cần một tài khoản duy nhất để sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Đây là một trong các kết quả đột phá về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, giúp cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp thuận tiện, giảm hồ sơ, giấy tờ.
100% các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã ứng dụng Hệ thống xử lý văn bản điện tử trong quản lý, xử lý văn bản đi/đến. Việc trao đổi, luân chuyển văn bản giữa các đơn vị được thực hiện trên Hệ thống; lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo, xử lý văn bản trực tiếp trên Hệ thống; Hệ thống đã thực hiện kết nối, trao đổi văn bản với Hệ thống quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ...
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương như chậm ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các đơn vị, cá nhân còn hạn chế; triển khai các CSDL còn rời rạc, phân tán, thiếu sự kết nối, chia sẻ; hạ tầng kỹ thuật CNTT, phần mềm hệ thống chưa kịp thời đầu tư, nâng cấp; các Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ hoạt động trên nền tảng công nghệ củ, chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn thông tin.
Để tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm ưu tiên xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; sớm triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ của Bộ (LGSP) để thực hiện kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, CSDL trong Bộ, cũng như với các hệ thống thông tin, CSDL quy mô quốc gia; tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao phục vụ người dân và doanh nghiệp;... (Công Thương 1/11/2017)
Từ năm 2021 có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo với Quốc hội tại Báo cáo số 810/BC-BGDĐT. Bộ trưởng cho biết, sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết sẽ “rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội”.
Vẫn theo Báo cáo nêu trên, năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng; đặc biệt là sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi nhằm tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của thí sinh. Đây là quy định rất nhân văn, được thí sinh, phụ huynh đồng tình cao.
Tổng số nguyện vọng đăng ký là rất lớn, tuy nhiên với phương thức, quy trình xét tuyển và lọc ảo tối ưu cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của CNTT và mạng máy tính, sau khi kết thúc quy trình lọc ảo, mỗi thí sinh được trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký.
Quá trình tuyển sinh cũng đã đảm bảo quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…). Thông tin tuyển sinh của các trường được công khai minh bạch và đầy đủ trong đề án tuyển sinh.
Nhờ áp dụng CNTT trong tất cả các khâu của quy trình xét tuyển, đặc biệt là lần đầu tiên, công nghệ lọc ảo được áp dụng trong công tác tuyển sinh, ngay trong đợt 1 đã có tới 170 trường xét trúng tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt trúng tuyển 70% trở lên so với chỉ tiêu thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Con số này cao hơn nhiều so với các năm trước, từ đó giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.
Ngoài ra, việc hai nhóm xét tuyển chung (56 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam), trong đó có hầu hết các trường lớn tham gia, phối hợp trong sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh đã phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng; đảm bảo tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên. (SGGP Online 1/11/2017)
Sẽ cấp thẻ điện tử để quản lý người chơi casino
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 102/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2017.
Thông tư nêu rõ, doanh nghiệp kinh doanh casino được phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ theo quy định trong thời hạn tối thiểu là 5 năm kể từ ngày cho phép người Việt Nam vào chơi casino.
Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm thu và hạch toán riêng khoản thu từ tiền vé tham gia chơi. Thông tư này cũng quy định, doanh nghiệp kinh doanh casino phải mở sổ theo dõi hoặc cấp thẻ điện tử để kiểm soát tất cả các đối tượng được ra, vào Điểm kinh doanh casino theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 03/2017/NĐ-CP.
Sổ theo dõi được lập theo hình thức ghi sổ hoặc thông tin điện tử. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện kiểm soát bằng việc cấp thẻ điện tử thì đảm bảo phải có báo cáo tổng hợp về kiểm soát đối tượng ra, vào tương tự như sổ theo dõi.
Sổ theo dõi, thông tin điện tử phải được lưu trữ trong thời hạn tối thiểu 2 năm để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Riêng đối với các doanh nghiệp được phép thí điểm cho người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino theo quy định tại Nghị định số 3/2017 thì sổ theo dõi đối với người Việt Nam vào chơi tại điểm kinh doanh casino phải được lưu trữ trong thời hạn tối thiểu 5 năm để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá việc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino. (Kinh tế & Đô thị 1/11/2017)
An ninh mạng, An ninh khách hàng và cách mạng công nghiệp tác động mạnh đến thanh toán quốc tế
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tại Hội nghị thường niên các thành viên SWIFT Việt Nam do NHNN phối hợp với Ủy ban SWIFT Việt Nam (VIETSWIFT) tổ chức vào ngày 1/11/2017 tại Hà Nội, nhằm thực hiện nhiệm vụ hàng năm và triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động của VIETSWIFT.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Vân Anh khẳng định, Hội nghị thường niên là nơi các thành viên VIETSWIFT trao đổi về hoạt động thanh toán quốc tế trong năm qua, những vướng mắc phát sinh, hay những công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Vân Anh cho hay, trong thời gian qua, vấn đề về an ninh mạng cũng như an ninh khách hàng cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ… đã ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán quốc tế. Vì vậy, Hội nghị thường niên lần này sẽ có những báo cáo, tổng kết toàn bộ hoạt động của VIETSWIFT trong thời gian qua, đưa ra khuyến cáo đối với các thành viên trong nước, điểm lại những hoạt động của đoàn VIETSWIFT trong khuôn khổ của Hội nghị SIBOS diễn ra tại Toronto, Canada vừa qua.
"Hội nghị thường niên của VIETSWIFT lần này sẽ cung cấp cho các thành viên những thông tin và khuyến cáo quan trọng để triển khai nhiệm vụ trong tương lai", ông Nguyễn Vân Anh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Lê Nam, Phó Giám đốc Sở Giao dịch NHNN đã trình bày bản báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của VIETSWIFT trong năm qua. Hiện VIETSWIFT có 86 thành viên, trong đó 13 thành viên là cổ đông, 44 thành viên phụ và 29 thành viên không là cổ đông.
Đến hết tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 54/230 nước về lưu lượng sử dụng SWIFT, mức tăng trưởng: 14,3% chiều gửi điện và 10,9% chiều nhận điện. Tổng lưu lượng điện cả gửi đi và nhận về: 9 triệu điện, trong đó chủ yếu là thanh toán (77%), tiếp đó là Ngoại hối, thanh toán chứng khoán và thương mại.
Ông Nam cho biết, tháng 10/2017 vừa qua, đại diện VIETSWIFT đã tham dự Hội thảo SIBOS 2017 - Hội thảo quốc tế về ngân hàng tài chính do Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) tổ chức tại Toronto, Canada. SIBOS là hội thảo thường niên dành cho các tổ chức tài chính hàng đầu cùng chia sẻ, trao đổi về những thay đổi trong ngành. Hội nghị năm 2017 với chủ đề “Xây dựng tương lai”, trong đó có các xu hướng công nghệ mới – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể là trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy tự học, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây... tác động làm thay đổi trực tiếp đến tổ chức hoạt động kinh doanh và phương thức cung cấp dịch vụ của thanh toán toàn cầu (TCTC).
Tại hội nghị, các lãnh đạo, chuyên gia tài chính thảo luận chủ đề mới “Future of Money”, xác định kho dữ liệu của TCTC là “Mỏ dầu” trong kỷ nguyên số trong tương lai. Đặc biệt, tại SIBOS 2017 có chương trình an ninh khách hàng - Xây dựng quy trình triển khai, hướng dẫn đánh giá hoàn thành các yêu cầu trong CSP.
Chương trình an ninh khách hàng là một trong những nội dung quan trọng được ông Nguyễn Lê Nam đề cập tới. Ông Nam dẫn chứng sự cố tại Ngân hàng Trung ương Bangladesh bị hacker tấn công, cố gắng chuyển 951 triệu USD từ tài khoản của ngân hàng hày tại FED, 81 triệu đã bị chuyển tới các tài khoản tại Philippines, số còn lại đã được chặn lại.
Một cuộc tấn công sử dụng phần mềm tương tự vào hệ thống SWIFT đã nhắm vào mục tiêu là một ngân hàng Việt Nam. NHNN, VIETSWIFT và ngân hàng đó đã tích cực phối hợp, rà soát và triển khai các biện pháp an ninh bảo mật cho hệ thống SWIFT tại NHNN.
Sau đó, SWIFT chính thức phát hành bộ tài liệu CSP, yêu cầu các thành viên lập kế hoạch thực hiện CSP, cử cán bộ chuyên trách thực hiện, tham gia tập huấn, thực hiện tự đánh giá tuân thủ vào cuối 2017, tiếp cận các công cụ hỗ trợ của SWIFT để thực hiện tự đánh giá, lập kế hoạch sử dụng các thông tin về an ninh mạng của đối tác trong việc ra quyết định thiết lập quan hệ đại lý.
Trong thời gian tới, VIETSWIFT tiếp tục phối hợp Cục Công nghệ Thông tin thực hiện chương trình an ninh khách hàng, bổ sung và hoàn thiện quy trình tại Sở Giao dịch.
Ông Nam nêu khuyến nghị: Đối với chương trình An ninh khách hàng CSP, các ngân hàng cần thực hiện nghiêm túc công việc và tiến độ đã đề ra, đảm bảo hoàn thành báo cáo trên KYC-SA trước cuối năm 2017; Rà soát quy trình kiểm soát của ngân hàng trong các hoạt động thanh toán gửi tin điện cũng như thanh toán qua các kênh ebanking; thực hiện việc kiểm soát, tự bảo vệ mật khẩu truy cập hệ thống, bảo vệ hệ thống mạng; Kiểm tra, kiểm soát hạ tầng SWIFT, môi trường hoạt động theo các khuyến nghị của SWIFT…
Đối với các khách hàng sử dụng dịch vụ Service Bureaux của đối tác thứ ba, khách hàng cần phải có đánh giá và bảo đảm an toàn hệ thống của đối tác cung cấp dịch vụ. Ông Nam nhấn mạnh: Các ngân hàng cần có các biện pháp ứng phó với các vấn đề có thể xảy ra và báo cáo Ban lãnh đạo Ngân hàng biết, SWIFT sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan đến vấn đề bảo an trên toàn hệ thống trong thời gian tới; Thường xuyên rà soát RMA của đơn vị mình, loại bỏ các RMA không sử dụng nhằm hạn chế phát sinh các giao dịch thanh toán/chuyển tiền giả mạo.
“Chúng tôi đặc biệt nhắc nhở tất cả người sử dụng phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình, ngay lập tức thông báo cho SWIFT và Chủ tịch VIETSWIFT bất kỳ nghi ngờ gian lận sử dụng kết nối SWIFT của tổ chức mình hoặc liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của SWIFT”, ông Nguyễn Lê Nam nhấn mạnh, đồng thời nêu một số nhiệm vụ trọng tâm của VIETSWIFT trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, các đại diện của SWIFT quốc tế đã trình bày một số nội dung gồm cập nhật về một số sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu - GPI (Global Payments Innovation) update, cập nhật các vấn đề về tuân thủ và trí tuệ doanh nghiệp và hướng dẫn thực hiện chương trình An ninh khách hàng. (Thời báo Ngân hàng 1/11/2017)
Việt Nam - Hoa Kỳ: Trao đổi, chia sẻ thông tin về thanh toán điện tử
Mới đây, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã có buổi tiếp ông Karl Ehlers - Quyền Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc đã ghi nhận đóng góp của các tổ chức thẻ Hoa Kỳ trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua về việc cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam. Với tư cách là cơ quan quản lý, NHNN luôn sẵn lòng lắng nghe và ghi nhận ý kiến từ các công ty, nhà đầu tư để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động của các công ty này trên thị trường Việt Nam.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh và ông Karl Ehlers đã trao đổi toàn diện, sâu sắc các vấn đề liên quan về thanh toán điện tử nói chung và thanh toán thẻ nói riêng, định hướng tới mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng như các mục tiêu khác có liên quan như phòng chống rửa tiền, quản lý ngoại hối, an ninh tài chính…
Phó Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Viêt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016.
Phó Thống đốc hoan nghênh các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã có hợp tác, trao đổi trong thời gian vừa qua, mong muốn ông Karl Ehlers sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới và chúc ông Karl Ehlers đạt được kết quả tốt đẹp trong chuyến công tác tại Việt Nam. (Thời báo Ngân hàng 1/11/2017)
Đại biểu QH kiến nghị cho FPT thu học phí bằng bitcoin
Sáng 1-11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch thực hiện năm 2018. Tại phiên thảo luận, Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Bình Định) đã nêu ý kiến liên quan đến việc trường Đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo bitcoin và bị Ngân hàng nhà nước "tuýt còi".
Theo ĐB tỉnh Bình Định, bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Ông cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để xử lý và quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử.
"Tôi mong Chính phủ tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan"- ông Nhường kiến nghị.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án nói trên của Thủ tướng một cách tốt hơn.
Nói về tính pháp lý của đồng tiền kỹ thuật số bitcoin, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng Ngân hàng Nhà nước bảo lưu quan điểm bitcoin không phải là tiền tệ theo quy định của pháp luật và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm các tổ chức tín dụng sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số. (Người Lao Động Online 1/11/2017)
Ngành Hải quan đã sử dụng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu
Ngày 1/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm (tỉnh Hà Nam) phát biểu: Việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của hải quan tại các cảng chưa được thực hiện bằng máy móc, hoàn toàn kiểm tra thủ công.
Về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, liên quan đến vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì tỷ lệ các lô hàng thuộc diện phải kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan chỉ chiếm khoảng 5,08% tổng số tờ khai hải quan.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đầu tư hệ thống trang thiết bị kiểm tra, giám sát tại các cảng như: Máy soi container, máy soi kiện hàng, cân điện tử và trang bị các bộ công cụ kiểm tra hàng hóa cho công chức hải quan để thực hiện việc kiểm tra không chỉ bằng thủ công mà bằng các trang thiết bị.
“Ngoài ra đối với các mặt hàng không thể kiểm tra trực tiếp bởi công chức hải quan, hoặc trang thiết bị hiện có của chi cục hải quan không thể kiểm tra được thì cơ quan Hải quan thực hiện lấy mẫy và gửi đi các chi cục kiểm định thuộc Cục Kiểm định hải quan để thực hiện kiểm tra bằng các thiết bị. Như vậy không thể cho rằng việc kiểm tra hàng hóa của Hải quan tại cửa khẩu là hoàn toàn bằng thủ công được”-ông Tuấn cho biết. (Hải Quan 1/11/2017)
Đà Nẵng dừng triển khai ứng dụng ULA kết nối vận tải hành khách
Sáng 1-11, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng cho biết, sau khi làm việc với Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech (Đà Nẵng), Sở đã ban hành văn bản gửi công ty này về việc chưa triển khai ứng dụng ULA để kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và yêu cầu dừng triển khai thử nghiệm ứng dụng ULA.
Trước đó, ngày 14-10, Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech có trụ sở tại Đà Nẵng tổ chức lễ ra mắt ứng dụng ULA kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng khi chưa được Bộ GTVT cũng như UBND TP Đà Nẵng cho phép triển khai hoạt động thử nghiệm.
Đến ngày 24-10, Sở GTVT TP Đà Nẵng mới nhận được tờ trình của công ty đề nghị cho phép triển khai thử nghiệm ứng dụng ULA. Tuy nhiên, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng, ứng dụng ULA hiện nay không nằm trong danh sách các ứng dụng được phép triển khai thí điểm theo kế hoạch được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016.
Tiếp đó, ngày 25-10, tại buổi làm việc với Giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech, đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng đã yêu cầu công ty dừng triển khai ứng dụng ULA để kết nối hoạt động vận tải hành khách tại thành phố Đà Nẵng.
Văn bản về việc chưa cho phép triển khai ứng dụng ULA để kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng cũng được Sở GTVT TP Đà Nẵng gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, Bộ GTVT, Công an TP Đà Nẵng để báo cáo. (Nhân dân Điện tử 1/11/2017)
Nghệ An: Cô gái bán hàng trên Facebook cầu cứu cảnh sát
Ngày 1-11, chị Nguyễn Thị Hương (trú TP Vinh, Nghệ An) đã đến Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Nghệ An để "cầu cứu" việc chị bị một người sử dụng Facebook lừa mua hàng rồi sau đó dùng thủ đoạn để rút 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Bọn tội phạm đã đặt mua hàng qua Facebook để biết được số tài khoản, số điện thoại của chị Hương rồi thực hiện hành vi lừa đảo, rút tiền.
Qua các tin nhắn trong điện thoại của chị Hương, cảnh sát xác định nhóm tội phạm đã sử dụng dịch vụ Internet Banking để rút 100 triệu đồng từ tài khoản của chị Hương chuyển sang một tài khoản ngân hàng khác. Sau đó, tài khoản này tiếp tục chuyển số tiền trên sang hai tài khoản ngân hàng khác để rút tiền.
Rất may, PC45, Công an tỉnh Nghệ An đã kịp thời vào cuộc, có công văn đến ngân hàng đề nghị phong tỏa hai tài khoản trên, ngăn chặn tội phạm rút 100 triệu đồng của chị Hương. Đến thời điểm này, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC45, Công an tỉnh Nghệ An đã ghi nhận bốn trường hợp người bán hàng online bị các đối tượng lừa đảo.
Vụ việc đang được Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC45, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra.
PC45, Công an tỉnh Nghệ An cũng khuyến cáo người dân không nhập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mật khẩu và mã bảo mật OTP của dịch vụ Internet Banking vào bất kỳ trang web nào, cho bất kỳ ai ngoài trang của ngân hàng mà bản thân người dân đã đích thân đăng ký. (Pháp luật TPHCM Online 1/11/2017)
Phải cấm nhân viên cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ dịch thuật trực tuyến miễn phí
Báo cáo trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết một thực trạng rất nguy hiểm đang tồn tại nghiêm trọng là rất nhiều bí mật Nhà nước bị lọt, lộ bí mật trên mạng Internet. Thực trạng nguy hiểm này cần phải có giải pháp công nghệ để khắc phục càng sớm càng tốt.
Trong bối cảnh hiện nay, máy tính của các cơ quan Nhà nước đều được nối mạng và hacker đều có thể sử dụng kiến thức và công cụ của mình để thâm nhập và đánh cắp bí mật. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể phòng vệ được nếu các chủ sở hữu đầu tư hệ thống bảo mật thông tin một cách thỏa đáng. Song vẫn còn một nguyên nhân nữa dẫn đến vấn nạn lộ bí mật. Đó là việc sử dụng các hệ thống hỗ trợ dịch thuật trực tuyến như của Google để dịch các văn bản của Nhà nước.
Từ khi Google cho ra đời công cụ dịch thuật trực tuyến, người dùng hoàn toàn được sử dụng miễn phí. Chính vì lý do đó và với một số lượng đông đảo người sử dụng công cụ tra cứu của Google toàn cầu, cộng đồng người sử dụng về dịch thuật của Google cũng rất đông. Là một công cụ được xây dựng trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và càng có đông người sử dụng, công nghệ dịch thuật của Google liên tục được cập nhật và hoàn chỉnh nhờ chính cộng đồng người dùng. Đó cũng chính là lý do khiến đội ngũ công chức nhà nước không ít người đã ỷ lại vào công cụ này. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, nhất là lại được sử dụng miễn phí thì đương nhiên nguy cơ lộ bí mật nhà nước là rất cao khi các văn bản được dịch thuật bằng Google.
Nhiều năm qua, không ít cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ dịch thuật với những khoản đầu tư không hề ít tiền. Điển hình có thể nói đến phần mềm EV Trans của nhóm phần mềm Softech thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ), Vietgle của công ty Lạc Việt và Bocohan của công ty Viegrid. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Softech đã dừng phát triển công nghệ dịch thuật từ lâu và tập trung vào từ điển đa ngữ. Vietgle thì cũng không mấy phát triển và chỉ có Bocohan là còn trụ được trên thị trường với số lượng khách hàng cũng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đâu là nguyên nhân khiến các công cụ dịch thuật này chưa thực sự chiếm lĩnh được thị trường? Theo ông Lê Vũ Khánh – nguyên phiên dịch cao cấp của Văn phòng Chính phủ, vấn đề nằm ở chính sách chứ không phải là công nghệ.
Chính vì thế, Nhà nước cần sớm có chính sách cấm tuyệt đối việc sử dụng các công cụ dịch thuật miễn phí trên Internet để phục vụ nhu cầu của các cơ quan nhà nước mà trước hết là với các bộ, ban ngành, cơ quan nghiên cứu chiến lược. Có được chính sách này, bí mật nhà nước sẽ được an toàn hơn do không còn cảnh sử dụng Google để dịch thuật văn bản nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm sản phẩm hỗ trợ dịch thuật cũng thực sự có được thị trường cho mình và thu được tiền để tái đầu tư cho sản phẩm của mình ngày càng hoàn chỉnh hơn.