Bác sĩ tâm lý nói gì về bạo lực tinh thần khiến trẻ tự tử?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ths.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Đại học Y dược TP.HCM - khẳng định bạo lực tinh thần để lại hậu quả nặng nề cho trẻ.

Nữ sinh tên N.T.N.Y., lớp 10, Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) sau vụ uống thuốc tự tử, để lại thư tuyệt mệnh cho rằng bị thầy cô đối xử chưa đúng ở trường (Ảnh: PL)
Nữ sinh tên N.T.N.Y., lớp 10, Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) sau vụ uống thuốc tự tử, để lại thư tuyệt mệnh cho rằng bị thầy cô đối xử chưa đúng ở trường (Ảnh: PL)

Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp bạo hành trong gia đình và học đường mà mới đây là sự việc đau lòng ở An Giang, thầy cô có những lời nói, hành vi gây ức chế cho học sinh khiến trẻ phải tự tử để “giải oan”. Nhằm tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên VietTimes đã phỏng vấn Ths.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Đại học Y dược TP.HCM.

Bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng

* Thưa bác sĩ, gần đây, các trường hợp bạo hành diễn ra nhiều, không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn xảy ra ở chốn học đường. Bác sĩ nghĩ gì về vấn đề này?

BS Nguyễn Minh Mẫn: Hồi chuông báo động về nạn bạo hành học đường đã gióng lên khẩn thiết suốt bao năm qua. Bạo hành diễn ra giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên với học sinh, tuy nhiên, nó vẫn cứ tiếp diễn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng với người trong cuộc.

Bạo hành học đường được phân chia theo nhiều kiểu bạo hành và đối tượng bạo hành. Có một số giáo viên vẫn quan niệm khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quỳ, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, hạ nhục học sinh, làm cho xấu hổ...) hiện được nhiều giáo viên (kể cả phụ huynh) áp dụng, coi như một phương pháp để giáo dục khi học sinh mắc lỗi gây tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân.

Với trường hợp đòn roi, ngoài nỗi đau thể xác còn có thể dẫn đến trẻ bị ức chế, tổn thương, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực, tự tử. “Đòn roi tiềm ẩn khá nhiều tác động nguy hiểm đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Đó không chỉ đơn thuần là những dấu lằn, vết thâm trên cơ thể, mà còn để lại những dư chấn tâm lý nặng nề mãi về sau.

Nỗi sợ hãi, ám ảnh không hề nhỏ đã hiện hữu trong tâm hồn những đứa trẻ thường xuyên bị ăn đòn từ tấm bé. Hễ phạm lỗi là ăn roi. Chính nó đã tạo hình ảnh những đứa con với khuôn mặt tái mét, lời nói ấp úng mỗi khi đứng trước bố mẹ. Nó tạo ra những thế hệ học sinh nơm nớp lo sợ mỗi khi đến lớp và hình ảnh người thầy không ngọt ngào như câu hát “lúc đến trường cô giáo như mẹ hiền”.

* Bên cạnh đòn roi, việc bạo hành tinh thần sẽ gây những tổn thương, rối loạn gì về tâm lý gì ở trẻ, thưa bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Đại học Y dược TP.HCM (Ảnh: Hải Linh)

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Đại học Y dược TP.HCM (Ảnh: Hải Linh)

BS Nguyễn Minh Mẫn: Trong các kiểu bạo hành thì bạo hành tinh thần để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Loại bạo hành này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy khó nhận diện hơn so với bạo hành thể chất nhưng hậu quả, di chứng của bạo hành tinh thần lại có thể kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Hơn thế nữa, bạo hành tinh thần ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ở cả những người có địa vị, học vấn cao.

Trẻ em bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài sẽ bị sang chấn tâm lý. Trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt, co rúm, ngại giao tiếp, mất tự tin, rơi vào tình trạng rối loạn giao tiếp với bạn bè, gia đình và xã hội. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, sự sáng tạo của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ còn biếng ăn, không chịu đi học, nói dối bị bệnh để khỏi đi học,. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các bé thường không dám nói ra những vấn đề của mình, sợ bị bố mẹ, thầy cô la mắng, đánh đập dẫn đến bị trầm cảm, buồn rầu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, thậm chí dẫn đến tự làm hại bản thân, tự tử.

Hiện ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại chua có nghiên cứu, thống kê chính xác nào về vấn đề này, các số liệu cũng chỉ từ các đơn vị, ban ngành báo cáo lên. Tuy nhiên, thực tế sẽ nhiều hơn so với con số báo cáo vì đa phần các cháu sẽ không nói ra.

Dấu hiệu phát hiện trẻ trầm cảm

* Làm sao để người xung quanh phát hiện ra trẻ bị trầm cảm do bạo hành thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Minh Mẫn: Với những lứa tuổi mầm non, tiểu học rất khó nhận biết, thường thì từ độ tuổi 15 trở lên mới có thể nhận biết rõ. Trầm cảm có thể gặp ở mọi độ tuổi, nữ nhiều hơn nam gấp 2 lần. Bệnh gây tổn hại nghiêm trọng cho gia đình và xã hội vì đem đến nỗi đau khổ, phá hoại cuộc sống bình thường và nếu không điều trị thì có nguy cơ trầm cảm dẫn đến tự sát.

Các triệu chứng của người bệnh thường có những biểu hiện như: Biểu lộ tâm trạng thay đổi thất thường, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, nói về ý định muốn chết hoặc muốn tự sát, nói về việc bản thân trở thành gánh nặng cho người khác, có biểu hiện lo lắng thái quá hoặc kích động, cư xử liều lĩnh, tự tách biệt khỏi cộng đồng hoặc tự cô lập, thể hiện cơn thịnh nộ hoặc nói về việc tìm cách trả thù cho điều gì đó, nói về cảm giác vô vọng hoặc không còn lý do gì để tiếp tục sống, nói về hoàn cảnh bế tắc hoặc đau đớn không thể chịu đựng được. Nạn nhân cũng bắt đầu tìm cách tự sát, chẳng hạn như tìm kiếm những từ khóa liên quan đến tự sát hoặc chuẩn bị vũ khí, phương tiện để thực hiện hành vi này.

* Làm sao để nạn nhân bị bạo hành, trầm cảm tránh được những hậu quả đáng tiếc?

BS Nguyễn Minh Mẫn: Những bệnh nhân bị trầm cảm nặng thường rất khó để nhận ra mình đang cần được giúp đỡ hay điều trị về tâm lý. Càng tự cô lập bản thân, triệu chứng bệnh càng kéo dài, trầm cảm càng nặng dẫn đến khả năng tự sát càng cao. Vì vậy, nên nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm, nhất là khi có những biểu hiện, suy nghĩ tiêu cực để có thể tránh hậu quả đáng tiếc.

Nếu là người thân của trẻ trầm cảm, cần thu xếp nhiều thời gian để ở bên cạnh lắng nghe, chia sẻ nỗi đau tâm lý. Lúc này cháu đang phải đối mặt với ý nghĩ muốn tự tử nên tâm trạng sẽ luôn u ám, muốn tách biệt và tìm cách thu người lại.

Hãy thử gợi ý cho trẻ cùng làm những điều chúng thích, những điều tích cực như học cách viết nhật ký, nói về những điều tốt đẹp khi đến trường, có bạn tốt, giáo viên tốt.. Đặc biệt, gia đình nên quan sát, để ý xem cháu có cất giấu các dụng cụ gây sát thương trong phòng riêng hay không. Nếu thấy trên cơ thể bệnh nhân (tay, chân, ngực...) có vết trầy xước hoặc bị tổn thương thì nên theo dõi liên tục, không được để trẻ rời khỏi tầm mắt.

Bệnh nhân trầm cảm nên tiến hành điều trị từ sớm với chuyên gia tâm lý để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Với những đối tượng có dấu hiệu trầm cảm khi điều trị một bệnh lý nào đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì các thuốc sử dụng có thể gây cản trở quá trình điều trị.

Thực tế thì những trường hợp trẻ bị bạo hành tinh thần sẽ không dám nói, chỉ khi chuyển nặng sang giai đoạn trầm cảm, sang chấn tâm lý người nhà mới đưa đi khám, do vậy, sẽ khó khăn cho việc điều trị.

* Bác sĩ có thể chia sẻ việc điều trị cho những bệnh nhân bị bạo hành tinh thần diễn ra như thế nào?

BS Nguyễn Minh Mẫn: - Để điều trị cho bệnh nhân, chuyên gia sẽ áp dụng các phương pháp trị liệu nhận thức hành vi biện chứng và điều chỉnh cảm xúc.

Phương pháp trị liệu nhận thức hành vi biện chứng liên quan đến điều trị cá nhân và nhóm trong một năm. Phương pháp này tập trung vào việc xác định và cố gắng thay đổi các mẫu suy nghĩ tiêu cực và thúc đẩy những thay đổi tích cực. Nó nhằm mục đích giúp bệnh nhân tìm ra những phương pháp phù hợp hơn để ứng phó với stress (ví dụ như chống lại sự thôi thúc thực hiện hành vi tự hủy hoại).

Phương pháp trị liệu điều chỉnh cảm xúc được thực hiện theo nhóm trong vòng 14 tuần. Liệu pháp này liên quan đến việc giảng dạy bệnh nhân làm thế nào để nâng cao nhận thức về cảm xúc và cung cấp cho họ những kỹ năng để đối phó với cảm xúc của họ. Phương pháp này cũng giúp bệnh nhân chấp nhận những cảm xúc tiêu cực như là một phần của cuộc sống và do đó không phản ứng lại những cảm xúc đó một cách mạnh mẽ và bốc đồng.

Nữ sinh Y. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)

Nữ sinh Y. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)

Thiếu bộ phận tham vấn tâm lý học đường

* Bác sĩ có những chia sẻ gì thêm với gia đình và nhà trường ngoài những vấn đề chuyên môn?

BS Nguyễn Minh Mẫn: Tôi luôn mong rằng thầy cô có thể thông cảm phần nào với sự tinh nghịch, lí lắc của các con. Và khi những vi phạm mang tính hệ thống, lặp lại thì có rất nhiều cách để người thầy có thể uốn nắn, rèn giũa trò trong khuôn khổ cho phép. Bên cạnh đó là sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh trong việc nhắc nhở, giáo dục trẻ. Tất cả đều hướng đến những giải pháp nhân văn “dạy” và “dỗ” trẻ nên người.

Học sinh ở tuổi vị thành niên bị tác động bởi nhiều yếu tố dễ dẫn đến hành vi lệch lạc. Cá tính mỗi em cũng khác nhau nên cùng một câu nói, biện pháp kỷ luật, với học sinh này là bình thường, nhưng với học sinh khác lại khiến các em không thể chấp nhận, giống như đánh đổ cả cuộc đời của em.

* Để hạn chế, giải quyết vấn đề bạo lực học đường thì theo bác sĩ, cả học sinh, gia đình, nhà trường cần phải làm gì?

BS Nguyễn Minh Mẫn: - Tôi cho rằng, hiện trong các trường phổ thông hiện nay đang có một mảng trống rất lớn: thiếu vắng bộ phận tham vấn tâm lý học đường một cách độc lập, chuyên nghiệp.

Trong trường hợp có sự khác biệt về suy nghĩ, xung đột giữa học sinh và giáo viên, học sinh và nhà trường, thì rất cần một kênh trung gian thứ ba đứng ra tư vấn. Hiện không nhiều trường có bộ phận này, hoặc nếu có thì giao cho một giáo viên trong trường kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không không khách quan, học sinh vẫn ngại bộc lộ quan điểm, giãi bày những tâm tư của mình khi gặp các vấn đề khúc mắc trong trường học.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải quan tâm, tạo điều kiện hình thành cho trẻ kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Trẻ sẽ biết phân định đâu là đúng – sai, tốt – xấu.

Nhờ đó trẻ biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận. Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ lĩnh, gấu nhí, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.

Bên cạnh đó, khi học sinh nhận ra mình có khả năng bị bắt nạt bởi một học sinh khác, nên chia sẻ với thầy cô, cha mẹ hoặc bạn bè. Họ sẽ giúp giải tỏa vấn đề hay nhìn nhận sự việc ở một khía cạnh khác, từ đó sẽ giúp trẻ có những điều chỉnh hành vi phù hợp. Bên cạnh đó, hãy luôn là chính mình vì đôi khi, cách thể hiện hay thu hút sự chú ý của bản thân cũng là nguyên nhân khiến bản thân khó hòa nhập. Đồng thời, trẻ cũng cần rèn luyện, trau dồi bản thân để cho mình trở nên “mạnh” hơn, cả về thể chất, tinh thần lẫn năng lực, điều đó sẽ giúp trẻ tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.

*Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian chia sẻ!

Trước đó, vào ngày 30/11, cô Huỳnh Thị Thu Huệ là giáo chủ nhiệm của nữ học sinh N.T.N.Y., lớp 10, Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang), đến lớp dạy nhưng không thấy nữ sinh Y. tại lớp mà chỉ thấy cặp sách của nữ sinh này, nên đã gọi điện báo cho phụ huynh. Sau đó, cô Huệ đi tìm Y. và phát hiện Y bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh của trường nên gọi bộ phận y tế trường tiến hành sơ cứu.

Phụ huynh em Y. đã có mặt và đưa em đến Bệnh viện đa khoa Nhật Tân (TP Châu Đốc, An Giang) cấp cứu. Bệnh viện chẩn đoán Y. tự đầu độc bằng Salbutamol (thuốc điều trị hen phế quản do Y. bị bệnh hen phế quản nên hằng ngày phải uống thuốc này). Ngày 3/12, gia đình đã chuyển Y. lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) điều trị.

Phụ huynh của em Y. cho rằng, em Y. tự tử do bức xúc vì bị nhà trường, cô chủ nhiệm bạo hành tinh thần nên gây ức chế. Gia đình khi chuẩn bị đưa Y. đi cấp cứu, đã tìm thấy hai bức thư tuyệt mệnh do Y. viết tay, nói lại sự việc bị nêu tên dưới cờ ở trường.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, đã cử đoàn kiểm tra lên làm việc với Trường THPT Vĩnh Xương, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu để làm rõ thông tin phụ huynh học sinh phản ánh do bức xúc nên con em họ uống thuốc tự tử.