Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 9/7 nói rằng luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp dụng với Hong Kong cấu thành "sự thay đổi cơ bản liên quan tới hiệp ước dẫn độ của chúng tôi với Hong Kong", và Australia "đã chính thức thông báo với Hong Kong, tham vấn với chính quyền Trung Quốc" về quyết định này.
Trong phản ứng gần như tức thì, Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Australia, coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
"Họ đã can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của Trugn Quốc. Trung Quốc sẽ không chấp nhận điều này, và thể hiện sự lên án mạnh mẽ. Trung Quốc có quyền được hành động, và Australia sẽ mang gánh vác mọi hậu quả vì điều đó" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh.
Trước đó, một phát ngôn viên tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra đã đưa ra một tuyên bố nói rằng việc Australia "can thiệp vào vấn đề của Hong Kong và vấn đề nội bộ của Trung Quốc...sẽ chả đạt được điều gì ngoài tự đặt một hòn đá tảng lên chính chân của họ".
Quyết định của Australia ngừng hiệp ước dẫn độ tiếp nối động thái tương tự mà Canada đưa ra hồi tuần trước.
Trong khi đó, ngày 9/7, New Zealand nói rằng họ cũng đang xem xét lại mối quan hệ với Hong Kong, trong đó có cả vấn đề dẫn độ, kiểm soát xuất khẩu các loại hàng hóa chiến lược và khuyến cáo du lịch.
"Quyết định thông qua luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đối với Hong Kong về cơ bản đã làm thay đổi môi trường hội nhập quốc tế tại đó" - Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nói trong một tuyên bố.
Ngoài việc gia hạn thị thực thêm 5 năm - so với mức 2 năm trước đây - đối với sinh viên tốt nghiệp vào lao động Hong Kong có kỹ năng, Australia còn đưa ra nhiều hình thức khuyến khích để các doanh nghiệp Hong Kong chuyển địa điểm kinh doanh.
"Có rất nhiều nhân tài ở Hong Kong" - Quyền Bộ trưởng Nhập cư Alan Tudge nói - "Có nhiều doanh nghiệp lớn ở Hong Kong. Và Chúng tôi biết rằng có nhiều cá nhân giờ đang tìm kiếm một nơi mới để làm ăn, bởi họ muốn sống ở một quốc gia tự do hơn, ở một quốc gia dân chủ".
New Zealand cũng cho hay họ đang xem xét lại mối quan hệ với Hong Kong, trong đó có vấn đề dẫn độ (Ảnh: ODT)
|
Đây được xem là động thái đáng chú ý nhất liên quan tới vấn đề nhập cư mà Australia đưa ra, kể từ sau khi Thủ tướng Bob Hawke cho phép 42.000 sinh viên Trung Quốc ở lại Australia sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
"Sẽ có nhiều người dân Hong Kong đang tìm kiếm chuyển tới nơi khác, để bắt đầu một cuộc sống mới, và tìm kiếm cơ hội" - Thủ tướng Morrison nói trong cuộc họp báo tại Canberra - "Australia luôn là một quốc gia sẵn sàng chào đón những người như vậy từ khắp nơi trên thế giới".
Theo dữ liệu được ghi nhận vào năm 2016, có gần 87.000 người Hong Kong ở Australia. Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, tính đến năm 2018, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,8 tỷ đôla Australia (9,8 tỷ USD).
Quyết định mới của Australia được đưa ra chỉ vài phút sau khi Canberra cập nhật khuyến cáo du lịch của họ, trong đó cảnh báo 100.000 công dân Australia đang ở Hong Kong rằng họ "có thể chịu rủi ro bị bắt giữ" theo luật an ninh mới.
Trước đó, ngày 8/7, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng tải bài xã luận trong đó nói rằng "những hành động chính trị khiêu khích liên quan tới vấn đề Hong Kong" sẽ chỉ mang tới "viên thuốc đắng" cho nền kinh tế Australia.
Tháng trước, Trung Quốc cũng cảnh báo công dân của họ, đặc biệt là sinh viên, không nên đến Australia, chỉ ra "nhiều vụ việc mang tính phân biệt chủng tộc đối với người châu Á ở Australia", trong đó có nhiều người từng bị bắt nạt chỉ vì đeo khẩu trang, bị quấy rối ngay ở nơi công cộng hay trở thành nạn nhân của những lời lẽ phân biệt chủng tộc.
"Bộ Giáo dục nhắc nhở các sinh viên ở nước ngoài cân nhắc về những rủi ro, và trong thời điểm này cần thận trọng khi lựa chọn tới Australia hoặc trở lại Australia để học tập" - Bộ Giáo dục Trung Quốc nêu rõ.