Aspartame có gây hại cho con người? Những điều cần biết về các chất tạo ngọt phổ biến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – WHO mới đưa ra cảnh báo về aspartame. Vậy chất tạo ngọt này gây tác động ra sao đối với sức khỏe con người?

1200x800.jpg
WHO mới đây đưa ra cảnh báo về chất tạo ngọt aspartame (Ảnh: Bloomberg)

Niềm đam mê của con người với đồ ngọt có thể được coi là bẩm sinh và được cho là kết quả của quá trình tiến hóa, khi con người ưa thích hấp thụ các loại thực vật có năng lượng cao.

Nhưng đương nhiên, sự hấp thụ quá mức là không tốt, bởi vậy mà quá trình tìm kiếm những chất tạo ngọt năng lượng thấp đã diễn ra trong suốt hơn một thế kỷ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tính an toàn của các chất tạo ngọt này, bao gồm cả chất tạo ngọt nhân tạo không calo saccharin, được tổng hợp lần đầu vào năm 1879.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng aspartame, được sử dụng trong nhiều loại soda và thực phẩm ăn kiêng, “có thể gây ung thư”. Cùng thời điểm, một hội đồng chuyên gia trực thuộc WHO cho hay chất tạo ngọt này an toàn khi tiêu thụ với liều lượng hợp lý.

Aspartame có tác động thế nào đối với sức khỏe con người?

Được cho ra mắt như một sản phẩm thương mại vào năm 1981 và bán với cái tên thương hiệu là Equal, aspartame đã được theo dõi kỹ lưỡng như một chất có khả năng gây ung thư trong suốt hơn một thập kỷ.

Thế nhưng đến nay, cộng đồng khoa học vẫn chưa có kết luận cụ thể: Một số nghiên cứu chỉ ra liên hệ của chất này với ung thư, một số khác lại không. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PLOS Medicine năm 2022 đã theo dõi khẩu phần của hơn 100.000 người lớn ở Pháp trong giai đoạn 8 năm. Đối với nhóm người tiêu thụ aspartame với liều lượng dưới 1 lon soda ăn kiêng mỗi ngày, nghiên cứu nhận thấy có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 15% so với nhóm người không sử dụng.

Theo đánh giá mới, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO phân loại aspartame là “có thể gây ung thư cho con người”, đây là mức rủi ro ung thư thấp thứ hai trong số 4 hạng mục của họ. Để so sánh, IARC cũng xếp thịt đỏ vào nhóm "có khả năng gây ung thư". Quyết định này được dựa trên 3 nghiên cứu liên kết việc tiêu thụ đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo với nguy cơ ung thư gan hoặc tử vong do ung thư gan, cùng với bằng chứng “hạn chế” cho thấy aspartame có thể gây ung thư cho động vật trong phòng thí nghiệm.

aspartame-possible-cacinogen-063023-tout-2e6e044a45524004a81b9ee064ee3131.jpg
Aspartame có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống phổ biến (Ảnh: People)

Tại sao không có bằng chứng rõ ràng hơn?

Giống như hầu hết những nghiên cứu về con người trong khoa học dinh dưỡng, gần như tất cả những nghiên cứu về tác dụng của aspartame đều không phải những cuộc thí nghiệm được kiểm soát mà là các nghiên cứu quan sát, trong đó các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về một nhóm người và cố gắng liên kết nó với một kết quả nhất định.

Do có quá nhiều nhân tố có thể tác động tới kết quả, nên những nghiên cứu này không đủ khả năng để khẳng định về nguyên nhân. Kết quả thường không thể được tổng quát hóa. Hơn nữa, các nghiên cứu về dinh dưỡng thường dựa trên báo cáo cá nhân của các tình nguyện viên về những thứ mà họ tiêu thụ, do đó, đôi khi dẫn đến dữ liệu không đáng tin cậy.

Trong nghiên cứu mà IARC dựa vào để đưa ra kết luận về aspartame, “không loại trừ khả năng ngẫu nhiên, sai lệch hoặc gây nhiễu”, các thành viên của nhóm làm việc IARC viết trong một bài báo đăng tải trên tạp chí Lancet Oncology. “Có một số dấu hiệu như vậy. Chúng tôi cần có thêm những nghiên cứu bổ sung”, Mathilde Touvier, chuyên gia dịch tễ học, là thành viên của nhóm làm việc IARC, cho hay.

Hội đồng chuyên gia nói gì?

Ủy ban hỗn hợp các Chuyên gia về Phụ gia thực phẩm (JECFA) – thuộc WHO và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) – đã thực hiện một cuộc đánh giá độc lập về nguy cơ tiềm ẩn của aspartame.

Họ kết luận rằng bằng chứng aspartame gây ung thư ở người là không thuyết phục và cho rằng nên có thêm các cuộc nghiên cứu. Hiện tại, JECFA tiếp tục xác nhận hướng dẫn của họ, cho rằng việc hấp thụ aspartame ở mức 40 mg/ngày trên mỗi kg trọng lượng cơ thể là chấp nhận được.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu cũng đưa ra hướng dẫn tương tự. Trong khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra con số 50 mg aspartame/ngày, và thêm rằng họ không đồng ý với kết luận của IARC và phát hiện nhiều sai sót trong những nghiên cứu mà cơ quan này đưa ra.

Cụ thể về mức tiêu thụ aspartame mỗi ngày như thế nào?

Một lon soda ăn kiêng có chứa 200 – 300 mg aspartame. Vậy một người lớn có trọng lượng cơ thể 70 kg có thể tiêu thụ 9 – 14 lon mỗi ngày, theo giới hạn mà JECFA đặt ra. Tuy nhiên, có điều kiện là cá nhân đó không hấp thụ thêm aspartame từ các nguồn khác, bởi chất tạo ngọt này còn có trong hàng nghìn loại thực phẩm và đồ uống khác – như ngũ cốc ăn sáng, kẹo cao su và sữa chua, thậm chí trong một số loại dược phẩm.

Cảnh báo của WHO có ý nghĩa thế nào với người tiêu dùng?

Lời cảnh báo về ung thư mà WHO mới đưa ra không gây tác động trực tiếp tới sự sẵn có của aspartame. WHO không có quyền lực pháp lý để can thiệp. Quản lý aspartame và các chất tạo ngọt nhân tạo khác thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong từng quốc gia.

Tuy nhiên, cảnh báo này có thể gây sự nghi ngờ đối với người tiêu dùng về aspartame và các chất tạo ngọt khác.

Nhận thức về những sản phẩm này nằm ở mức thấp nhất trong số các chất tạo ngọt, trong đó 43% người lớn tham gia khảo sát dư luận cho biết rằng những thành phần này "không tốt cho sức khỏe", theo một khảo sát được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường Mintel vào năm 2022. Nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết các bậc phụ huynh có con dưới 18 tuổi có quan điểm tiêu cực về các chất tạo ngọt, trong đó 70% cho rằng chúng không tốt cho sức khỏe.

__opt__aboutcom__coeus__resources__content_migration__mnn__images__2013__12__MonkFruit-3d05462d9df748b6b4de257bde1cee12.jpg
Trích xuất từ quả la hán (monk fruit) có thể là sự thay thế cho aspartame (Ảnh: Treehugger)

Chất tạo ngọt nào có thể thay thế aspartame?

FDA đã phê chuẩn 5 chất tạo ngọt nhân tạo khác: acesulfame potassium, sucralose (tên trên thị trường là Splenda), neotame, advantame và saccharin.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc thăm dò, người tiêu dùng cho rằng họ thích các chất tạo ngọt calo thấp hơn các chất tạo ngọt có nguồn gốc thực vật, như stevia – được trích xuất từ lá của cây Stevia rebaudiana, hay từ quả la hán, thông tin từ Mintel và Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế. Theo một nghiên cứu năm 2020, stevia ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thực phẩm và đồ uống của các hộ gia đình Mỹ.

Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế này cũng có nhược điểm riêng. Trung tâm Khoa học và Lợi ích Công cộng đã đánh giá stevia là "an toàn", nhưng lại có dư vị khó chịu. Tổ chức này nói rằng quả la hán cũng chưa được thử nghiệm kỹ lưỡng để xem nó có an toàn hay không.

Vậy saccharin thì sao?

Trong khoảng những năm 1970, saccharin được phát hiện là gây ung thư đối với chuột trong phòng thí nghiệm. FDA ban đầu đề xuất cấm chất này nhưng cuối cùng lại ra quy định rằng những loại thực phẩm có chứa nó phải được dán nhãn cảnh báo.

Kể từ đó, saccharin được đánh giá là an toàn. Nhưng rồi các hãng sản xuất soda ăn kiêng lại chuyển sang aspartame, chất được cho là tạo hương vị tốt hơn. Nhiều loại thực phẩm và dược phẩm được bán hiện nay vẫn chứa saccharin, nhưng nó đang bị áp đảo bởi các chất tạo ngọt khác.

Cảnh báo của WHO tác động thế nào tới các hãng đồ uống?

Aspartame được sử dụng trong 15% trong số 10 loại thức uống có ga hàng đầu ở Mỹ, theo Beverage Digest. Trong lúc khoa học ngày càng tiến bộ và khẩu vị của người tiêu dùng thay đổi, các hãng sản xuất đồ uống lớn đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra các chất tạo ngọt thay thế có nguồn gốc từ thực vật. Ví dụ, Coca Cola trong tháng 4 vừa qua đã thực hiện một chiến dịch tiếp thị giới hạn sản phẩm Diet Coke có sử dụng chất tạo ngọt lấy từ stevia và quả la hán thay vì aspartame./.

Theo Bloomberg