ASEAN bước vào thời đại kinh tế kỹ thuật số với bản sắc riêng

VietTimes -- "Có thể nói,  ASEAN đang đi đầu thế giới về tiến hành thí điểm nhiều thử nghiệm trong lĩnh vực này, chủ yếu bởi sự đa dạng về văn hóa và trình độ phát triển không đồng đều giữa các thành viên, tạo ra một nguồn gen cạnh tranh tự nhiên cho sự đổi mới". 
Jakarta, Indonesia: Một lái xe ôm Uber đang kiểm tra smartphone của mình, trong khi lái xe Go-Jek thì chở khách, phía bên phải là một xe ôm Grab. Ảnh: Straitstimes.com
Jakarta, Indonesia: Một lái xe ôm Uber đang kiểm tra smartphone của mình, trong khi lái xe Go-Jek thì chở khách, phía bên phải là một xe ôm Grab. Ảnh: Straitstimes.com

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, VietTimes xin giới thiệu bài xã luận của tác giả Andrew Sheng - Thời báo Straits Times về những thành tựu và thách thức của khối trong thời đại kinh tế kỹ thuật số.

Những người trong số chúng ta từng chứng kiến sự ra đời của ASEAN vào tháng 8 năm 1967 không thể tưởng tượng được nó sẽ thay đổi nhiều như thế nào trong 50 năm qua.

 ASEAN đã được sinh ra từ đống tro tàn, với đúng nghĩa đen của nó, của chủ nghĩa thực dân và Chiến tranh Việt Nam. Khởi đầu như là một hiệp định an ninh, nhưng dần dần ASEAN đã phát triển thành một cộng đồng kinh tế và tài chính, tuy chưa phải là cộng đồng văn hóa thông thường, chủ yếu là bởi vì sự đa dạng đặc thù của nó.

Ngày nay, ASEAN bao gồm 10 quốc gia, với diện tích 4,4 triệu km2, chiếm 3% tổng diện tích toàn cầu, với dân số trên 625 triệu người, gần bằng  9% dân số thế giới.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của ASEAN đạt trên 2,8 nghìn tỷ USD, và nếu tính gộp như là một đơn vị, thì đứng thứ 6 trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức.

Khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với khả năng tiếp cận biển tự nhiên tới Ấn Độ (có mức tăng GDP hơn 7%), Trung Quốc (6,5%) và các thị trường toàn cầu khác với tư cách là một trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong ASEAN, các thành viên mới hơn (Campuchia, Myanmar và Lào) đang đạt mức tăng trưởng trên 7% mỗi năm, trong khi các nước thành viên có dân số trên 100 triệu người (Indonesia, Philippines và Việt Nam) đều tăng từ 5-6% .

Nhóm ASEAN + 3 (Trung Quốc - bao gồm Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc) dự kiến sẽ có mức tăng khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2018, và là tăng do tiêu dùng nội khối, mặc dù có một số trở ngại về bảo hộ. Mức này cao gần gấp đôi so với các nước phát triển và các thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông.

Mặc dù vẫn còn căng thẳng và cạnh tranh khu vực, ASEAN vẫn là trụ cột để duy trì sự cân bằng, sự tỉnh táo và một khu vực hòa bình, ổn định.

Ngày nay, thị phần thương mại toàn cầu của ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, do  ngày càng có nhiều thành viên của ASEAN tăng cường mối quan hệ thương mại của mình.

Tỷ lệ tham gia của ASEAN + 3 trong chuỗi cung ứng toàn cầu chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu, cao hơn của Hoa Kỳ (40%) và khu vực đồng euro (hơn 50%).

Vùng này là ngôi nhà của một số tài nguyên đa dạng sinh học cổ nhất, phong phú nhất  trên thế giới, bao gồm các khu rừng nhiệt đới, các rạn san hô biển và vùng biển có diện tích gần 13 triệu km2.

Nguyên nhân kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực là thiếu cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính, từ nay đến 2020, các quốc gia ASEAN cần khoản đầu tư hơn 60 tỷ USD mỗi năm cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng, tuy vậy, phần chi cho cơ sở hạ tầng hiện tại chỉ ở mức khoảng 3-4% GDP, so với mức mong muốn là từ 5 - 8 % GDP.

Cơ sở hạ tầng là cần thiết không chỉ để cải thiện khả năng kết nối trong nước và khu vực, mà còn để giải quyết các nhu cầu cơ bản như nước, điện, y tế và đầu tư ứng phó biến đổi  khí hậu.

Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy, hiện không thiếu các khoản tiết kiệm dài hạn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn những khoảng cách và rào cản nghiêm trọng để kết nối giữa cung và cầu về quỹ đầu tư.

Yếu tố thay đổi cuộc chơi có thể đến từ lĩnh vực công nghệ và đổi mới. Một nghiên cứu của Temasek và Google năm ngoái cho thấy, chỉ tính riêng sáu nền kinh tế ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cũng sẽ trở thành khu vực phát triển Internet nhanh nhất trên thế giới, với hơn 480 triệu người dùng vào năm 2020.

Nền kinh tế Internet của nhóm này (chủ yếu là thương mại điện tử) sẽ tăng khoảng 14% mỗi năm và tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên 200 tỷ USD vào năm 2025.

Lý do dẫn đến mức tăng trưởng nhanh như vậy là vì khu vực này có cơ cấu dân số trẻ đang bùng nổ với 70% số người ở độ tuổi dưới 40, có sức mua tăng lên nhanh chóng.

Việc chấp nhận thương mại điện tử ở ASEAN cũng diễn ra nhanh hơn bởi vì khu vực này thiếu các hệ thống phân phối bán lẻ như ở các nước tiên tiến và về công nghệ đã đạt tới độ chín muồi.

Tôi có cảm giác thật lòng là quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN sẽ diễn ra nhanh hơn việc thông qua thương mại điện tử.

Lý do là chuyển đổi kỹ thuật số sẽ không chỉ thay đổi mô hình tiêu dùng của chúng ta, mà còn thay đổi quá trình sản xuất của chúng ta thông qua Internet vạn vật (IoT) và thậm chí là thay đổi các mô hình quản trị.

Một bản Báo cáo của Frost and Sullivan năm 2015 làm cho Sàn giao dich Chứng khoán Singapore ước tính rằng đến năm 2020, thị trường IoT (các thiết bị kết nối) sẽ có quy mô là 79,3 tỷ USD vào năm 2020, với mức tăng trưởng 26,8% của CAGR.

ASEAN có vị trí thuận lợi để thúc đẩy IoT, bởi những khách hàng thu nhập trung bình của  thị trường trong khối  có cả kỹ năng về CNTT do nền giáo dục cơ bản tốt và khả năng thích ứng bẩm sinh với công nghệ mới.

Trong số 20 quốc gia trên thế giới tiếp cận Internet cao nhất, có 11 nước ở Châu Á, trong đó có 4 nước ASEAN (Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan).

Ngoài các nước Mỹ, Ấn Độ, Facebook có cơ sở người dùng cực lớn ở Đông Nam Á với 126 triệu tại Indonesia. Người dân Malaysia có khả năng tiếp cận với Facebook để kinh doanh cao hơn 50% so với mức trung bình của thế giới.

Ví dụ, người dân Philippines năm ngoái đã thu được 25 tỷ USD từ kinh doanh các công việc gia công (BPO), làm cho hơn 1,3 triệu người có công ăn việc làm.  

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng doanh thu từ BPO có thể đạt trên 50 tỷ đô la Mỹ và tạo thêm 1,3 triệu việc làm vào năm 2020. Thái Lan, một nhà sản xuất linh kiện ô tô lớn và là nhà sản xuất thực phẩm chế biến đang đặt mục tiêu cho Chương trình Thái Lan 4.0,  nâng cấp năng lực kỹ thuật số trong sản xuất và dịch vụ, tương thích với chiến lược Internet + của Trung Quốc và Made In China 2025 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Châu Âu.

Một doanh nghiệp Malaysia có tên là Grab đã thành công khi thách thức Uber tại khu vực ASEAN về phát triển các nền tảng dịch vụ phương tiện đi lại.

Ngoài thương mại điện tử và IoT, làn sóng năng suất tiếp theo sẽ đến từ những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ xã hội. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính rằng những cải thiện về công nghệ xã hội kỹ thuật số có thể làm tăng năng suất lao động từ 20 đến 25% (McKinsey 2012).

Những người trẻ ở Asean đang khám phá ra rằng công nghệ truyền thông xã hội có thể giúp huy động các hành động xã hội một cách nhanh chóng và câu chuyện điều phối các dự án quy mô lớn và phức tạp thông qua việc sử dụng công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

Do đó, các nước ASSEAN có thể sử dụng công nghệ số hóa và công nghệ Internet để cải thiện việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, giảm ô nhiễm và tăng năng suất tổng thể của mình.

Không ở đâu mà việc nâng cấp chất lượng sản xuất nông nghiệp và thực phẩm cũng như tăng năng suất của các thành phố bị tắc nghẽn của chúng ta lại quan trọng hơn điều đó. Ví dụ: Go-Jek, một ứng dụng điện thoại di động, với hơn 250.000 lái xe ở Indonesia, đã giúp giảm thời gian ùn tắc giao thông, đem lại sự tiện lợi cho cư dân ở các thành phố có mật độ giao thông khủng như Jakarta.

Khả năng của các phương tiện truyền thông xã hội để cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính, cũng như tạo điều kiện ứng dụng phân tích số liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong việc đưa ra các quyết định thông minh hơn, mới chỉ ở bước khởi đầu. Có thể nói,  ASEAN đang đi đầu thế giới về tiến hành thí điểm nhiều thử nghiệm trong lĩnh vực này, chủ yếu bởi sự đa dạng về văn hóa và trình độ phát triển không đồng đều giữa các thành viên, tạo ra một nguồn gen cạnh tranh tự nhiên cho sự đổi mới.

Những người chỉ trích ASEAN dè bỉu rằng, thành công của khối chỉ là vượt qua sự lộn xộn. Lộn xộn không phải là định hướng lộn xộn. Đó là một phương thức thực tế, có thể vẫn còn nhiều ngổn ngang, để tiến lên phía trước, là phương thức coi trọng thực tiễn hơn là  sự sang trọng về lý thuyết.

Điều này rất đúng, vì ASEAN phát triển thông qua sự đồng thuận và sự pha trộn văn hoá, có thể chậm, nhưng là phương chắc chắn để tạo ra mô hình thích nghi riêng để sống còn với sự sức bật của mình.

ASEAN, hãy tiếp tục tiến bước trong 50 năm tới!

Theo Straits Times (Singapore)