Theo đó, 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được tham gia mua cổ phiếu APG gồm 9 thể nhân và 1 tổ chức (là Quỹ đầu tư FPT Capital).
Trong đó, nhà đầu tư Hoang D. Quan đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,02 vốn APG sau đợt chào bán. Trước đó, thị trường từng biết tới một cá nhân tên Hoang D. Quan, sinh năm 1969, là cựu CEO HDBank, từng làm Thành viên Hội đồng quản trị của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (Mã CK: TTB).
Bên cạnh đó, danh sách được APG công bố còn ghi nhận sự tham gia của nhiều nhà đầu tư quen mặt trong các đợt tăng vốn trước của công ty chứng khoán này.
Đơn cử như ông Nguyễn Hữu Phú. Sinh năm 1993, ông Phú từng đăng ký mua 5,8 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ của APG vào tháng 12/2021.
Tương tự, bà Chu Thị Quế Anh cũng từng đăng ký tham gia mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của APG. Sinh năm 1972, bà Quế Anh từng là Tổng giám đốc CTCP APG Eco. Pháp nhân này tiền thân là CTCP Nông lâm nghiệp Công nghệ cao Ngôi Sao, do ông Nguyễn Hồ Hưng – Chủ tịch HĐQT APG – sáng lập. Ông Hưng, nên biết, từng là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Capital.
Tuy vậy, tại ngày 31/8/2023, bà Chu Thị Quế Anh và ông Nguyễn Hữu Phú không sở hữu bất kỳ cổ phiếu APG nào.
Với mức giá chào bán 11.000 đồng/cp, APG dự kiến thu về tối đa 770 tỉ đồng từ đợt phát hành. Thương vụ này dự kiến được thực hiện trong quý 4/2023.
Với số tiền thu về, APG dự kiến dành 500 tỉ đồng cho nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, 170 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường, và 100 tỉ đồng cho các hoạt động đầu tư dài hạn khác.
Theo APG, nguồn vốn phân bổ vừa nêu có thể được điều chỉnh linh hoạt giữa các hoạt động kinh doanh của công ty theo tình hình thị trường và nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh thực tế.
APG được thành lập vào tháng 11/2007, tiền thân là CTCP Chứng khoán An Phát (APSI). Giữa năm 2019, doanh nghiệp này tiến hành đổi tên, rồi chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE.
Giai đoạn 2020 – 2022, quy mô vốn điều lệ của APG đã tăng gấp 4,3 lần, từ 340,2 tỉ đồng lên mức 1.462,9 tỉ đồng./.