Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy dấu chân của Trung Quốc ở khu vực Trung Á đang tiếp tục gia tăng, với động lực là những quan ngại về an ninh và kinh tế của Bắc Kinh trong lúc họ đang muốn mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại sao Tajikistan đóng vai trò quan trọng với Trung Quốc?
Tajikistan hiện là quốc gia nghèo nhất khu vực Trung Á, chia sẻ đường biên giới chung dài 1.357 km với Afghanistan, cộng thêm đường biên giới chung 447 km với vùng Tân Cương của Trung Quốc, phần lớn trong số đó là địa hình đồi núi hiểm trở.
Đặc tính địa lý như vậy, cùng với một chính phủ bị chia rẽ bởi tư tưởng bè phái và nạn tham nhũng, tạo nên mối quan ngại về an ninh rõ ràng đối với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh lo ngại rằng các tổ chức cực đoan đang hoạt động ở Afghanistan và Syria – bao gồm cả các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ – có thể sử dụng Tajikistan và các nước Trung Á khác như một tuyến đường để tuồn vào Trung Quốc.
Sau màn rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ ở Afghanistan, hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan đã tháo chạy sang Tajikistan.
“Đối với Trung Quốc, an ninh ở khu vực biên giới là vấn đề cực kỳ quan trọng và là một trong những lợi ích cốt lõi của họ ở Trung Á. Bởi vậy, việc mở rộng sự hiện diện chính là công cụ hữu hiệu nhất mà họ sở hữu trong trường hợp này” – Temur Umarov, chuyên gia phân tích đến từ Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định – “Tajikistan là đất nước duy nhất nằm sát Afghanistan mà Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực này.”
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất cho nước láng giềng Tajikistan, đóng góp tới 37% tổng lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cho quốc gia này trong năm 2018. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của họ, khi mà Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1,1 tỉ USD trong tổng số khoản nợ 3,2 tỉ USD của Tajikistan trong năm 2020; theo dữ liệu của Bộ Tài chính Tajikistan.
Mỹ có thể thua Trung Quốc trong một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan?
Biện pháp an ninh và chống chủ nghĩa cực đoan của hai nước là gì?
Cả hai nước đều đưa ra hướng tiếp cận cứng rắn trong việc chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trung Quốc đã thực hiện nhiều chiến dịch chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương trong suốt hơn một thập kỷ, sau hàng loạt vụ tấn công mà Bắc Kinh cho là do những kẻ ly khai người Duy Ngô Nhĩ gây ra.
Điều này khiến nhiều tổ chức nhân quyền ở phương Tây đưa ra nhiều cáo buộc nhằm vào Trung Quốc, liên quan tới cách hành xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Hồi giáo thiểu số trong khu vực.
Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon là một người Hồi giáo, nhưng chính quyền của ông lại cấm đoán việc công khai thể hiện tín ngưỡng Hồi giáo – trong đó bao gồm việc cấm để râu, cấm mặc hijab (khăn trùm đầu của phụ nữ) và cấm học hành trong các ngôi trường đạo Hồi ở nước ngoài.
Năm 2016, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan đã đưa ra một cơ chế chống khủng bố chung để chia sẻ thông tin và thực hiện các khóa huấn luyện chung giữa các lực lượng vũ trang của họ - nhưng tương lai của cơ chế này giờ trở nên bất định sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Shih Chien-yu, chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, nói rằng sau năm 2016, nhiều báo cáo bắt đầu xuất hiện trong đó chỉ rõ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Tajikistan, với một căn cứ ở miền Đông nước này, ở vị trí gần biên giới với cả Trung Quốc và Afghanistan.
Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không có tham vọng bá quyền, nhưng ông Shih cho rằng: “Cộng đồng quốc tế lại không nghĩ như thế, quân đội Trung Quốc đã mở rộng tầm với của họ ra bên ngoài”, ám chỉ sự hiện diện của cảnh sát và quân đội Trung Quốc ở nước ngoài, đáng chú ý nhất là ở Djibouti, nơi mà Trung Quốc có căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Ông Umarov cho hay, căn cứ này sẽ được điều hành bởi lực lượng cảnh sát vũ trang, một nhánh bán quân sự của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, “chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng và chống chủ nghĩa khủng bố trong thời bình”.
Tại sao Nga, Trung Quốc điều tàu tuần tra "vòng quanh" Nhật Bản?
Quan hệ kinh tế giữa hai nước
Mặc dù an ninh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, nhưng Bắc Kinh và Dushanbe vẫn có lợi ích trong việc phát triển Tajikistan – một đất nước có địa hình núi non cùng cơ sở vật chất giao thông nghèo nàn khiến cho chi phí hoạt động thương mại tăng cao.
Tất cả các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Vành đai và Con đường ở Tajikistan đều nhằm cắt giảm chi phí thương mại khoảng 4,5 – 5,6% và giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuống khoảng 4 ngày; theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Một đoạn đường ống dẫn khí giữa Turkmenistan và Trung Quốc cũng đang được xây dựng ở Tajikistan, và Trung Quốc muốn xây dựng thêm tuyến đường băng qua Tajikistan tới Iran.
Trong khi đó, các công ty khai khoáng Trung Quốc cũng đã được chính phủ Tajikistan – quốc gia có nguồn tài nguyên bạc, chì, kẽm, uranium dồi dào – cấp phép hoạt động thăm dò và khai thác ở nước này.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc sẽ đối diện với nhiều rủi ro nếu như người dân địa phương cảm thấy rằng họ đang để mất của cải được sinh ra từ những dự án béo bở như vậy; theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Susan Thornton.
“Mặc dù các dự án và sự hiện diện của Trung Quốc nhằm mục đích tạo sự yên bình ở biên giới của họ, nhưng chúng cũng có thể gây ra sự phẫn nộ. Nhiều hành động ngoại giao cứng rắn và hoạt động liên quan tới nhân quyền của họ có thể vấp phải phản ứng của cộng đồng người địa phương, những người vốn rất nhạy cảm với chủ nghĩa thực dân” – bà Thornton viết trong một bài bình luận cho Viện Brookings.