Alibaba Cloud có kế hoạch tích hợp chatbot AI vào trợ lý kỹ thuật số cuộc họp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong cuộc chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo, Alibaba Cloud có kế hoạch tích hợp chatbot AI của công ty vào một ứng dụng mới, trợ lý kỹ thuật số cuộc họp để chuyển nội dung đàm thoại thành văn bản thời gian thực.

Alibaba Cloud tuyên bố tích hợp chatbotAI Tongyi Qianwen vào trợ lý kỹ thuật số cuộc họp Tingwu. Ảnh Tech Wire Asia
Alibaba Cloud tuyên bố tích hợp chatbotAI Tongyi Qianwen vào trợ lý kỹ thuật số cuộc họp Tingwu. Ảnh Tech Wire Asia

Trong khi ChatGPT của Open AI và Bard của Google thống trị tin tức về các chatbot AI tổng quát, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng dồn dập phát triển các phiên bản chatbotAI nội địa. Tháng 3/2023, Baidu, công cụ tìm kiếm khổng lồ của Trung Quốc ra mắt phiên bản chatbot AI Ernie Bot của hãng. Nhưng sự phấn khích của Ernie Bot chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do công nghệ này có nhiều hạn chế và không thể so sánh với ChatGPT hay Bard.

Tháng 4/2023, công ty Alibaba Cloud giới thiệu một phiên bản chatbotAI kiểu ChatGPT, được đặt tên là Tongyi Qianwen. Nếu so sánh với Ernie Bot, những chức năng của Tongyi Qianwen giống ChatGPT hơn. Ứng dụng nhanh chóng có được nhiều khen ngợi về khả năng của chatbot AI tiếng Trung trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngày 1/6, Alibaba Cloud thông báo, mô hình AI Tongyi Qianwen sẽ được tích hợp vào một trợ lý kỹ thuật số, có tên gọi là Tingwu. Tingwu là một trợ lý cuộc họp hỗ trợ AI, do Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ của Học viện DAMO thuộc Alibaba phát triển. Ứng dụng này cho phép chuyển đổi nội dung cuộc họp đàm thoại thành biên bản bằng văn bản thời gian thực.

Trong một thông báo chính thức, Alibaba Cloud tuyên bố, Tongyi Qianwen sẽ cho phép Tingwu hiểu và phân tích nội dung đa phương tiện với độ chính xác và hiệu quả cao, có khả năng tạo văn bản tóm tắt từ những tệp video và âm thanh, nắm bắt các điểm thảo luận chính đối với từng người phát biểu và tạo một dòng thời gian của những tập tin đa phương tiện với một bản tóm tắt của từng phần được thảo luận trong cuộc họp.

Theo thông báo của Alibaba Cloud, những tính năng AI bổ sung dự kiến ​​sẽ ra mắt vào cuối năm 2023. Những tính năng này bao gồm tự động soạn câu trả lời bằng văn bản, giải quyết các truy vấn của người dùng trên các tệp âm thanh hoặc video, tạo bản tóm tắt trên các trang chiếu PowerPoint, được trích xuất từ ​​​​video và cung cấp bản dịch thời gian thực giữa tiếng Anh và tiếng Trung cho nội dung đa phương tiện với Tingwu tương tự như phần mềm ứng dụng tích hợp (plugin) với Chrome.

Tingwu phiên bản beta công khai, có sẵn để thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên gọi là Tongyi Tingwu, được tích hợp vào DingTalk. DingTalk là nền tảng không gian làm việc cộng tác kỹ thuật số của Alibaba, hỗ trợ nhu cầu AI của người dùng trong công việc.

Công chúng có thể truy cập trực tuyến trợ lý hỗ trợ AI được nâng cấp tại trang (tingwu.aliyun.com) để trải nghiệm khả năng của mô hình LLM bằng tài khoản Alibaba Cloud của người dùng.

Jingren Zhou, giám đốc công nghệ (CTO) của Alibaba Cloud Intelligence phát biểu: “Chúng ta đang sống vào thời điểm mà số lượng nội dung video và âm thanh ngày càng tăng được khai thác, sử dụng hàng ngày với nhiều định dạng khác nhau. Để phù hợp với sự phát triển này, chatbot AI Tongyi Tingwu được phát triển nhằm mục tiêu sử dụng LLM để tạo điều kiện cho người dùng hiểu nhanh hơn, tốt hơn và chia sẻ nội dung đa phương tiện dễ dàng hơn”.

Các LLM là công nghệ cốt lõi của AI tổng quan. Những chatbot đàm thoại sử dụng LLM như Tingwu, ChatGPT và Bard có thể có được kết quả tốt hơn trên cơ sở nguồn thông tin được cung cấp cho các mô hình AI. Trước đây và hiện nay, có nhiều chỉ trích về một số kết quả do các chatbot này cung cấp không chính xác hoặc không phù hợp. Ngoài các nguyên nhân kỹ thuật, một lý do nữa là việc cung cấp thông tin lỗi thời cũng như tạo kết quả nằm ngoài lời nhắc.

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ về ưu thế công nghệ trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo. Những công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các dự án phát triển mô hình AI LLM, đặc biệt sau khi hiểu rõ được tiềm năng và những mối đe dọa từ các mô hình AI và khi chính phủ áp đặt các quy định và giới hạn chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo trong một số ngành dịch vụ xã hội.

Ngoài Alibaba và Baidu, tập đoàn Tencent cũng có kế hoạch phát triển các ứng dụng kiểu ChatGPT của doanh nghiệp. Nhưng công ty không vội phát triển công nghệ AI, có thể nhúng vào siêu ứng dụng WeChat. Huawei cũng đã đăng ký một số bằng sáng chế, liên quan đến dự án phát triển hệ thống hội thoại giữa người với AI.

Theo Techwire Asia