Giao dịch tại quầy
Trao đổi với VietTimes, một nhân sự có 15 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, các khách hàng VIP thường “lười” đến quầy giao dịch tại ngân hàng, họ thường nhờ nhân viên quen biết mở tài khoản mà không đến NH làm các thủ tục này. Hoặc trường hợp khi đã trở thành khách VIP của NH, KH thường không giao dịch ở quầy mà ngồi phòng VIP hoặc vào phòng lãnh đạo để ký các giấy tờ để không mất thời gian chờ đợi.
Điều này có thể thuận tiện hơn cho KH, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi nhân viên NH có thể không nộp tiền vào TK khách hàng, hoặc làm các thủ tục để tráo đổi hồ sơ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, KH nên giao dịch tại quầy. Tại đây, NH sẽ có các camera ghi lại hình và đây sẽ là bằng chứng tốt nhất để kiểm tra lại nếu phát sinh các sự cố sau này.
Tuyệt đối không ký khống vào giấy tờ
Trong một số trường hợp, nhân viên NH thường yêu cầu KH ký khống vào một số giấy thể thuận tiện cho KH khi đáp ứng các yêu cầu từ phía Ngân hàng. Tuy nhiên, đây lại là kẽ hở khiến KH có thể đối mặt với việc tiền của mình tự nhiên được người khác rút “hộ”.
Vì vậy, khách ngày nên yêu cầu nhân viên Ngân hàng in tất cả các chứng từ giao dịch về gửi hay rút tiền, trong đó phải có nội dung rõ ràng, đọc kỹ và kiểm tra xem có sai sót hay không. Điều này rất quan trọng, bởi sai sót, sự cố có thể xảy ra, KH không nên chủ quan và tin tưởng hoàn toàn nhân viên ngân hàng.
Kiểm tra số dư thường xuyên
Hiện tại, gần như ở tất cả các ngân hàng đều có cung cấp dịch vụ thông báo số dư qua SĐT (mobile banking). KH không nên tiết kiệm mà nên đăng ký dịch vụ này. Khi có biến động về số dư trong tài khoản, NH lập tức sẽ thông báo qua SĐT cho KH được biết.
Nếu bị mất tiền, KH có thể báo ngay cho ngân hàng, cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết tức thời để đảm bảo an toàn số tiền của mình trong TK. Nếu không chú ý việc này, nếu không KH sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thu hồi số tiền của mình.
Bởi khi sự cố xảy ra, ngân hàng sẽ tốn khá nhiều thời gian chờ đợi việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhiều trường hợp xảy ra cho thấy, sau khi có phán quyết của tòa, người lấy cắp tiền đã không còn khả năng thanh toán để trả lại tiền cho khách hàng.
Duy trì chữ ký ổn định
KH nên nhớ, khi giao dịch với ngân hàng, chữ ký của KH sẽ được NH lưu lại và nhập vào hệ thống. Khi thay đổi chữ ký sẽ liên quan đến các thủ tục rườm rà khác. Vì vậy, khi giao dịch, KH nên duy trì một chữ ký cố định, vừa an toàn, vừa phòng ngừa được các rủi ro, rắc rối, lại thuận tiện, nhanh chóng hơn khi giao dịch với ngân hàng.
Cẩn trọng khi giao dịch online
Thời gian qua, nhiều KH đã gặp sự cố và mất tiền khi giao dịch thanh toán trực tuyến. Đây có thể coi là nguyên nhân nhiều nhất khiến tiền trong tài khoản của KH tự dưng “bốc hơi”.
Trao đổi với VietTimes, nhiều KH cho biết họ rất hay nhận được các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ ngân hàng hay cán bộ điều tra. Sau đó, những người này yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân về tài khoản để “phụ vục công tác điều tra, hay bảo mật từ phía ngân hàng”. KH nên cẩn trọng trong những trường hợp này, bởi đây là những dấu hiệu ban đầu của sự lừa đảo.
Trước tình huống như vậy, KH cần bình tĩnh, lưu ý không cung cấp bất cứ thông tin gì. Sau đó, KH cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để kiểm tra và xác nhận sự việc.
Ngoài ra, KH không nên đăng nhập trên các trình duyệt lạ, không lưu lại mật khẩu, tên đăng nhập trên trình duyệt, trên các thiết bị sử dụng chung, trên máy tính công cộng. Không cài đặt các phần mềm không đáng tin cậy. Xóa các tiện ích khả nghi trên các trình duyệt. Không sử dụng điện thoại bị mở khóa để tải các ứng dụng của ngân hàng. Không chia sẻ về mật khẩu, OTP và không chia sẻ các thiết bị lưu trữ thông tin.
Lưu ý, KH nên định kỳ thay đổi mật khẩu (thường là 3 tháng/lần), khi không có nhu cầu sử dụng nên thoát khỏi ứng dụng trên điện thoại. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì, KH nên liên hệ trực tiếp với NH để được hỗ trợ.