Thủ tướng Australia Scott Morrison đã khẳng định sẽ không rút lại đạo luật nội dung mới yêu cầu các công ty như Facebook phải trả tiền cho hãng truyền thông, quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia trên thế giới.
Trước đó, Facebook đã chặn toàn bộ 13 triệu người dùng Australia xem hoặc chia sẻ tin tức trên dịch vụ của mình. Facebook cho biết, họ không có sự lựa chọn nào trước luật nội dung mới của Australia. Trên Facebook cá nhân, ông Scott Morrison nói rằng Facebook đã "huỷ kết bạn" với người Australia và ông đang nhận sự ủng hộ của lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh và Ấn Độ.
"Rất nhiều nước trên thế giới quan tâm đến những gì Australia đang làm", ông Scott Morrison chia sẻ. Theo người đứng đầu Australia, đây là lý do vì sao ông muốn mời Facebook thảo luận trên tinh thần xây dựng bởi "những gì Australia đang thực hiện có thể sẽ có nhiều quốc gia phương Tây làm theo".
Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ lên tiếng ủng hộ Australia trong cuộc chiến với Facebook |
Theo Luật của Australia, Facebook và Google phải đạt được các thỏa thuận thương mại với các nhà sản xuất nội dung Australia hoặc sẽ phải đối mặt với các án phạt. Luật này đã được Hạ viện liên bang thông qua và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong vòng vài tuần tới.
Phụ trách ngân khố Liên bang Australia ông Josh Frydenberg cho biết, đã thảo luận với Mark Zuckerberg, CEO Facebook, lần thứ 2 sau khi Facebook chặn tin tức của người dùng ở Australia. "Chúng tôi đã thảo luận về những vấn đề còn lại và đồng thuận rằng đội ngũ của chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề ngay lập tức. Chúng tôi sẽ thảo luận lại vào cuối tuần", ông Josh Frydenberg nói.
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault nói rằng quốc gia Bắc Mỹ sẽ học hỏi cách tiếp cận của Australia đồng thời soạn thảo các quy định riêng trong một vài tháng tới.
Năm ngoái, các tổ chức truyền thông Canada đã cảnh báo về khả năng thất thu trên thị trường đối với các hãng tin tức nếu chính phủ nước này không can thiệp. Họ cho biết cách thức của Australia sẽ giúp các nhà sản xuất nội dung thu được khoảng 487,7 triệu USD mỗi năm. Nếu Canada không có hành động, nước này sẽ mất ít nhất 700 trong tổng số 3100 việc làm còn lại của ngành báo in.
Ông Guilbeault cho biết Canada có thể noi gương Pháp, quốc gia yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn đàm phán với các nhà sản xuất nội dung tìm kiếm hỗ trợ cho việc sử sản xuất tin tức. “Chúng tôi đang làm việc để xem mô hình nào sẽ phù hợp nhất”, ông Guilbeault nói. Canada đã thảo luận với các đối tác Pháp, Australia, Đức và Phần Lan về việc cùng nhau hợp tác để đảm bảo bồi thường công bằng cho những nhà sản xuất nội dung.
Nếu Facebook vẫn giữ cách tiếp cận như vậy, tổ hợp công nghệ này sẽ trở nên “hoàn toàn không bền vững”.
Giáo sư Megan Boler của Đại học Toronto, chuyên về mạng xã hội, cho biết hành động của Facebook đã đánh dấu một bước ngoặt. Bà nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi có thể thấy một liên minh, một mặt trận thống nhất chống lại sự độc quyền này, nó có thể rất mạnh mẽ.
Theo Vietnamnet