4 mức độ hội chẩn khác nhau của khám, chữa bệnh từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo PGS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – đến thời điểm hiện tại khám, chữa bệnh từ xa có 4 mức độ hội chẩn khác nhau phù hợp với người bệnh và từng trường hợp cụ thể trong thực tế.
PGS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
PGS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)

Trao đổi với PV VietTimes, PGS. Điển cho hay: Triển khai khám, chữa bệnh từ xa trong thời điểm này có rất nhiều hiệu quả và thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các bệnh viện đã và đang gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là đối với những bệnh viện tuyến trên chỉ trong một thời gian ngắn không thể tập hợp được hội đồng chuyên môn với hàng chục chuyên gia để tham gia tư vấn.

Không chỉ vậy, khi thực hiện khám, chữa bệnh từ xa phải có sự điều phối giữa các chuyên khoa để đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác, phù hợp với tình trạng của người bệnh bởi các chuyên gia không được khám bệnh trực tiếp với bệnh nhân. Vì thế, các chuyên gia phải thảo luận với các đồng nghiệp tuyến dưới để thảo luận về dấu hiệu bệnh, các triệu chứng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Từ chẩn đoán đó, các bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp với đồng nghiệp, đảm bảo tính an toàn trong công tác điều trị cho bệnh nhân.

Theo ông Điển, khó khăn lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của các bệnh viện tuyến trên chính là việc rà soát các quy trình kỹ thuật để đưa ra được khung giá phù hợp trong công tác khám, chữa bệnh từ xa cũng như kinh phí duy trì hoạt động.

Ngoài ra, vấn đề kết nối, đường truyền giữa các bệnh viện cũng gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến dưới. Hiện đã có 1.000 điểm cầu khác nhau ở các bệnh viện. Tuy nhiên, thực trạng công nghệ thông tin ở mỗi một điểm cầu là khác nhau nên cần có sự điều tra và thăm dò cụ thể để đưa ra được hình thức kết nối phù hợp.

Hiện, có 4 mức độ hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa khác nhau. Mức độ đầu tiên đó là videocall – các bác sĩ kết nối với nhau ở trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu. Việc này đang được các bác sĩ vận dụng ở Bệnh viện Nhi Trung ương đối với Khoa Cấp cứu tại tất cả các tuyến để các đơn vị có thể kết nối với nhau ngay trong đêm hoặc ngày nghỉ khi có ca bệnh khẩn cấp.

Một buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa ở Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Anh Lê)
Một buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa ở Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Anh Lê) 

Mức độ thứ 2 là kết nối cuộc họp giữa các bệnh viện khác nhau để đưa ra thông tin hội chẩn, chẩn đoán cho người bệnh. Tiếp đó ở mức độ thứ 3, các bệnh viện tuyến dưới phải được trang bị đầy đủ các phần mềm quản lý bệnh viện để truyền tải hình ảnh chụp chiếu của người bệnh. Hiện, một số bệnh viện đã đáp ứng được mức độ này, điển hình là Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ - cung cấp hình ảnh chụp chiếu của người bệnh.

Mức độ cuối cùng trong khám, chữa bệnh từ xa đó là việc truyền tải hình ảnh của tất cả các tuyến về tình trạng bệnh nhân để các bác sĩ ghi nhận, xem xét tính trạng người bênh.

Với 4 mức độ này, tùy theo tình hình sức khỏe và tìh trạng của người bệnh, các bệnh viện có thể kết nối với nhau trong mọi tình huống từ những ca bệnh phức tạp đến những trường hợp mắc bệnh nặng, việc điều trị gặp khó khăn.

Trong ngành Y, học lâm sàng là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Sau 6 năm học tập về ca bệnh lâm sàng tại các bệnh viện, sinh viên ngành y sẽ được thực hành trong thực tế.

Bệnh viện ở tuyến trung ương và địa phương phải phân loại được đâu là ca bệnh khẩn cấp, đâu là ca bệnh trì hoãn, có thể chuẩn bị. Nếu phân loại được điều này, các bệnh viện sẽ đưa ra được giải pháp phù hợp trong quá trình hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với những trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu thì Bệnh viện có số điện thoại của bác sĩ trực 24/24 kể cả ngày lễ để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.

Với những ca bệnh có thể trì hoãn, phòng công tác xã hội của Bệnh viện sẽ kết nối, mời các chuyên gia về lĩnh vực đó để hội chẩn, đưa ra hướng điều trị từ những dữ liệu của người bệnh.

 Lo ngại bảo mật thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa?

Thông tin về vấn đề bảo mật thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế - cho biết: Trong quyết định tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế đã quy  định rõ ràng về vấn đề này.

Để đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh, các biện pháp được Bộ Y tế đưa ra là không được chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như; họ tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định người bệnh bằng bất kể hình thức nào thông qua hình ảnh, ghi âm, văn bản,.... Trường hợp có buổi hội chẩn có bệnh nhân thì phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che hoặc làm mờ hình ảnh mặt nạn nhân. Đặc biệt, không thực hiện tường thuật trược tiếp, livestream các buổi hội chuẩn, tư vấn khấm chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc các hình thức khác có thể làm lộ thông tin của người bệnh" - ông Đình Anh nói.