Theo WHO, khoảng 95% dân số trong các thành phố có hơn 100.000 dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình hiện đang sống trong môi trường có chất lượng không khí không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến các thành phố của các nước có thu nhập cao thì tỷ lệ này giảm xuống còn 56-59%.
Ô nhiễm không khí
|
Như vậy, chất lượng không khí ở các nước thu nhập cao tốt hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Vì thế, chất lượng không khí thấp là một vấn đề toàn cầu, chủ yếu ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo TS. Kidong Park, chất lượng không khí thấp do ô nhiễm không khí bên ngoài và không khí trong nhà chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như: giao thông, xe cộ sử dụng dầu die-zen hoặc xăng, các cơ sở công nghiệp, nhiên liệu dùng ở hộ gia đình và cho công nghiệp, thậm chí trong các hoạt động nông nghiệp, khí ni-tơ phát sinh chuyển hóa thành bụi mịn cũng gây ra ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra các bệnh nguy hiểm như: đột quỵ, bệnh tim mạch, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và tắc nghẽn phổi mãn tính.
"Ước tính có khoảng 29% ca tử vong do ung thư phổi liên quan tới ô nhiễm không khí; 24% ca tử vong đột quỵ là do ô nhiễm không khí gây ra; 25% ca tử vong do bệnh tim là do ô nhiễm không khí; khoảng 43% ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Vì thế, WHO gọi ô nhiễm không khí là kẻ giết người vô hình, thầm lặng.” - TS. Kidong Park nói.