13 lĩnh vực nước Mỹ đang phải “hít khói” các nước khác

VietTimes -- Các chính trị gia Mỹ thường xuyên khoe rằng đất nước cờ hoa là đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới. Nhưng sự thực có phải nước Mỹ cái gì cũng nhất?
Nước Mỹ không phải cái gì cũng nhất (Ảnh Getty Images)
Nước Mỹ không phải cái gì cũng nhất (Ảnh Getty Images)

Trong rất nhiều lĩnh vực, Mỹ đang bị tụt lại trên bảng xếp hạng thế giới. Từ học phí người Mỹ phải trả cho đến quyền lực hộ chiếu của nước này, có rất nhiều lĩnh vực mà người dân các nước khác đang được hưởng tốt hơn nhiều so với người Mỹ.

1. Chăm sóc y tế

Ảnh Getty Images

Tuy mỗi quốc gia đều có hệ thống chăm sóc y tế ít nhiều khác nhau, nhưng thực tế rằng Mỹ là quốc gia giàu có duy nhất trên thế giới không có độ bao phủ y tế toàn dân.

Tính trên đầu người, nước Mỹ chi cho các chi phí y tế hơn cao gấp ba lần so với các nước khác có thu nhập tương đương, nhưng người Mỹ lại có tuổi thọ thấp hơn so với người dân nhiều nước khác, theo tờ The Los Angeles Times.

Trong số các quốc gia giàu có thì Mỹ cũng là quốc gia đứng đầu về các ca tử vong có thể ngăn chặn được – năm 2013, cứ 100.000 dân thì có 112 người Mỹ chết ở độ tuổi dưới 75 do các biến chứng hay các căn bệnh hoàn toàn có thể tránh được nếu có chế độ chăm sóc y tế tốt hơn, tờ Times cho biết.

2. Tiến bộ xã hội

Ảnh Reuters

Năm 2017, tổ chức phi lợi nhuận Social Progress Imperative đã đánh giá về chỉ số tiến bộ xã hội của 128 quốc gia dựa trên ba tiêu chí: nhu cầu cơ bản của con người như là thức ăn, nước uống, và chỗ ở; các cơ sở của sự thịnh vượng như là quyền tiếp cận thông tin và chất lượng môi trường; và cơ hội, bao gồm cả quyền cá nhân, quyền tự do và quyền tiếp cận với giáo dục.

Mỹ đứng thứ 18 trong danh sách này, trong khi các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Aixlen, và Thụy Sĩ chiếm 5 vị trí đầu tiên.

3. Chi phí giáo dục đại học

Ảnh Getty Images

Người Mỹ đang ngày càng trở nên khó khăn trong việc chi trả các chi phí học đại học. Tổng cộng, người Mỹ hiện nay đang phải vay nợ học đại học đến 1,3 nghìn tỷ USD.

Viễn cảnh khả năng không thể chi trả nổi cho việc học đại học ở Mỹ đang buộc một số sinh viên Mỹ phải đi học ở các quốc gia có chi phí đại học thấp hoặc miễn phí.

Nhiều nước như Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển và Slovenia đều có hệ thống giáo dục đại học miễn phí hoặc chi phí tượng trưng.

4. Giao thông cao tốc

Ảnh Shutterstock

Đường sắt cao tốc là cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển nền kinh tế của một quốc gia, tăng năng suất sản xuất và việc đi lại của người dân.

Tuy các kế hoạch phát triển giao thông cao tốc đã được triển khai ở Mỹ nhiều thập kỷ, nhưng hệ thống giao thông này vẫn còn phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành.

Tàu lửa nhanh nhất ở Mỹ, Amtrak’s Acela Express, có thể chạy với tốc độ 180 dặm/giờ, nhưng tốc độ trung bình của nó chỉ đạt 68 dặm/giờ.

Trong khi đó, các nước Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ và Italia đều có tàu chạy với tốc độ trung bình là 150 dặm/giờ.

5. Tốc độ Internet

Ảnh Reuters

Mỹ có thể là quốc gia đã phát minh ra Internet từ lâu, nhưng họ lại đang bị tụt hậu so với nhiều nước khi nói đến tốc độ internet hiện nay.

Theo Akamai, một hệ thống truyền nội dung Mỹ, thì năm 2017, Mỹ có tốc độ internet trung bình chỉ đứng thứ 10 thế giới.

Các quốc gia có tốc độ internet nhanh nhất là ở Tây Âu và châu Á - Thái Bình Dương: Hàn Quốc đứng đầu, tiếp đến là Na Uy, Thụy Điển, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản và Đan Mạch.

6. Lương tối thiểu

Ảnh Getty Images

Mặc dù một số bang đặt ra các chuẩn cao hơn so với luật liên bang yêu cầu, nhưng lương tối thiểu ở Mỹ vẫn chỉ có 7,25 USD/giờ. Con số thực tế người dân có thể đưa về sau thuế là hơn 6 USD.

Có 6 quốc gia mà người lao động có thể bỏ túi được hơn 8 USD/giờ (sau khi nộp thuế), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Australia đứng đầu với 9,54 USD/giờ, tiếp đó là Lu-xem-bua, Bỉ, Ai-len, Pháp và Hà Lan.

7. Thời gian nghỉ lễ

Ảnh Shutterstock

Nước Mỹ không có tiêu chuẩn liên bang cho các ngày nghỉ lễ được trả lương, thay vào đó họ cho phép những ông chủ được tự quyết định điều này.

Hầu hết các công ty Mỹ chỉ cho phép nhân viên nghỉ 10 ngày trong năm được trả lương, mặc dù nhiều công nhân cảm thấy áp lực công việc bắt buộc không thể nghỉ hết 10 ngày.

Cô-oét là quốc gia đứng đầu tiến giới về số ngày nghỉ trong năm được trả lương với 30 ngày, tiếp đến là vương quốc Anh với 28 ngày, Áo, Comoros, Đan Mạch, Djibouti, Phần Lan, Pháp, Lu-xem-bua, Na Uy, Sao Tome và Principe, và Thụy Điển có 25 ngày.

Mỹ là một trong 6 quốc gia duy nhất trên thế giới không có một tiêu chuẩn như vậy.

8. Thời gian nghỉ việc cho bố chăm sóc con mới sinh

Ảnh Shutterstock

Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới, và là quốc gia phát triển duy nhất, không có chế độ nghỉ cho những ông bố có con mới sinh, theo tổ chức nghiên cứu Pew Research.

Trong số các quốc gia phát triển, Estonia là quốc gia đứng đầu về thời gian nghỉ được trả lương cho những ông bố có con mới sinh với 87 tuần – tương đương với hơn một năm rưỡi. Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu  như Bun-ga-ri, Hungary, Nhật Bản, Lithuania, Áo, cộng hòa Séc, Latvia, Na Uy và Slovakia – mỗi nước có chế độ nghỉ hơn 1 năm cho những ông bố có con mới sinh.

9. Biến đổi khí hậu

Ảnh Reuters

Khi Syria tham gia vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris vào tháng 11 năm ngoái, thì Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia vào thỏa thuận này.

Việc thiếu Mỹ trong thỏa thuận này đã buộc nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Theresa May, thể hiện rằng Mỹ đang đe dọa từ bỏ vai trò lãnh đạo của họ trên cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

10. Quyền tự do báo chí

Ảnh Getty

Hàng năm, tổ chức Nhà báo Không Biên giới đều đưa ra báo cáo xếp hạng quyền tự do báo chí trên toàn thế giới. Mỹ đang đứng thứ 43 trong danh sách 180 quốc gia được xếp hạng.

Theo tổ chức này, có nhiều lý do dẫn đến vị trí của Mỹ thấp như vậy, trong đó có nguyên nhân Mỹ đang thiếu một “bộ luật liên bang cho phép nhà báo không tiết lộ nguồn tin” nhằm đảm bảo quyền cho các nhà báo được bảo vệ nguồn tin, các vụ bắt giữ nhà báo đưa tin về các vụ phản đối trên nước Mỹ, và các vụ tấn công vào truyền thông và báo chí mà một phần là do tổng thống Donald Trump không quan tâm.

Na Uy được xếp thứ nhất về quyền tự do báo chí, tiếp theo là Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Costa Rica, Thụy Sỹ, Jamaica, Bỉ, và Aixlen.

11. Sức mạnh hộ chiếu

Ảnh AP

Người dân Mỹ khi cầm hộ chiếu Mỹ có thể đi đến 158 quốc gia mà không cần xin thị thực – đây là một điểm tốt, nhưng đây chưa phải là cuốn hộ chiếc mạng nhất trên thế giới, theo đánh giá hàng năm của trang Passport Index.

Đức là quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, hộ chiếu Đức cho phép người dân đi 161 quốc gia mà không cần thị thực. Nhiều quốc gia khác có hộ chiếu quyền lực hơn của Mỹ, trong đó có Singapo, vương quốc Anh, Đan Mạch, Pháp, Hàn Quốc và 12 nước khác.

12. Pháp trị

Ảnh Shutterstock

Tổ chức The World Justice Project xếp Mỹ đứng thứ 18 trên thế giới trong đánh giá pháp trị gần đây nhất của họ, dựa trên các các tiêu chí như trách nhiệm giải trình, không có tham nhũng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và quyền công bằng.

10 quốc gia đứng đầu là Đan Mạch, Na uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Áo, Niu Di lân, Singapo, và vương quốc Anh.

13. Bạo lực súng đạn

Ảnh Reuters

Khi nói đến bạo lực súng đạn, thì Mỹ có lẽ giống với các quốc gia ở Mỹ Latin và vùng Caribe hơn là các quốc gia giàu có ở châu Âu và châu Á.

Mỹ đứng thứ 31 trên thế giới trong số những quốc gia có tỷ lệ người chết do súng đạn với tỷ lệ 3,85/100.000 người. Singapo và Nhật Bản là hai quốc gia có tỷ lệ này thấp nhất, tiếp ngay sau đó là vương quốc Anh, Đan Mạch, và Đức.