Theo bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/11 của TAND Phú Thọ, bị cáo Phan Sào Nam (cựu chủ tịch công ty VTC Online), Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc công ty Nam Việt, đang bỏ trốn), Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch công ty bình phong của công an - CNC) đã kết nối, hợp tác lập, vận hành tổ chức đánh bạc trực tuyến qua các cổng game bài: Rikvip/Tipclub, 23zdo, Zon/Pen...
27 tháng vận hành đường dây, 25 đại lý đã được thiết lập để phát triển ra 6.000 đại lý cấp hai, thu hút gần 43 triệu tài khoản người chơi ở khắp 24 tỉnh, thành phố. Tổng doanh thu gần 10.000 tỷ đồng.
Do bảo kê đường dây này, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù, cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10, 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh.Ảnh: Phạm Dự. |
Trong bản án tuyên ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ còn kiến nghị 12 vấn đề với các bộ ngành và cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Phú Thọ để tiếp tục xác minh ở giai đoạn hai.
HĐXX kiến nghị Bộ Công an có cơ chế tuyển chọn chặt chẽ các hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, Bộ Công an sắp xếp các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác, tránh trường hợp như bị cáo Hóa là Cục trưởng C50 nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin.
Thứ ba, cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ lời khai của Nam, Dương về việc đưa tiền, của cải cho các cán bộ của Tổng cục Cảnh sát, C50, PC50 Hà Nội; nếu có dấu hiệu phạm tội Nhận hối lộ cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, cơ quan điều tra xác minh trách nhiệm các ngân hàng, nhân viên ngân hàng liên quan việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn để các bị cáo lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc. Từ đó, nhà chức trách tìm ra kẽ hở để kiến nghị khắc phục, xử lý các cá nhân vi phạm.
Thứ năm, tòa kiến nghị tiếp tục điều tra trách nhiệm của các cá nhân, Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan liên quan có chức năng quản lý lĩnh vực viễn thông nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời; khi phát hiện không kiên quyết xử lý, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thứ sáu, cơ quan an ninh điều tra trong giai đoạn hai cần tiếp tục làm rõ tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa Công ty CNC (hưởng 80%) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (20%) theo bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh được ngày 10/10/2011.
Thứ bảy, cấp sơ thẩm kiến nghị tiếp tục điều tra hành vi nghi liên quan tội Rửa tiền của Dương và Nam tại các doanh nghiệp sau: Tập đoàn Đèo Cả, Khu Đông, Sài Gòn Alpha.
Thứ tám, làm rõ sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/ Tipclub tại Công ty Vietel CHT, VNPT; nếu có vi phạm đề nghị xử lý nghiêm minh.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.Ảnh: Giang Huy. |
Thứ chín, bản án nêu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông, các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông, nhất là thẻ cào này còn sử dụng cho các dịch vụ bên ngoài.
Thứ mười, cấp sơ thẩm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin truyền thông, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, tăng cường trách nhiệm quản lý với việc phát hành các loại thẻ có mệnh giá như thẻ game, thẻ đa năng đảm bảo phạm vi và mục đích sử dụng.
Mười một, tòa sơ thẩm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông, Công thương, Tài chính hoàn thiện quy định pháp luật vào việc phối hợp quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán. Trong đó, đề xuất quy định chặt chẽ với việc thanh toán gạch thẻ.
Cuối cùng, TAND tỉnh Phú Thọ kiến nghị Bộ Thông tin Truyền thông tăng cường quản lý việc cấp phép trò chơi điện tử đổi thưởng (G1), quảng cáo trên mạng viễn thông.
Vì sao nhà mạng thu lời nghìn tỷ chỉ bị thu hồi một phần?
Cũng theo bản án, theo Luật Viễn thông 2009, thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông chỉ được sử dụng trong những dịch vụ viễn thông. Nhưng trên thực tế, thẻ viễn thông còn là công cụ trao đổi trên thị trường hàng hóa bởi các quy định của pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Tòa cho rằng điều này dẫn đến chính những doanh nghiệp phát hành cũng không thể kiểm soát được thẻ dùng vào mục đích gì. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp viễn thông không phải chịu trách nhiệm gì với thẻ do mình phát hành.
Trong vụ án, các bị cáo sử dụng thẻ viễn thông làm phương tiện thanh toán, trao đổi trong việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trái phép bằng game bài Rikvip/TipClub. Tổng số tiền các công ty viễn thông đã thu là hơn 1.200 tỷ đồng.
Dù các nhà mạng trên không biết nên ký kết với nhóm của Dương, Nam, nhưng khoản thu từ kinh doanh các thẻ viễn thông này là nguồn thu lợi không có căn cứ pháp luật. Do đó, tòa kiến nghị cần thu hồi để sung vào ngân sách nhà nước nhưng có xem xét những khoản thuế, khoản khấu trừ đã nộp ngân sách, chiết khấu chi phí bán hàng và các chi phí khác hợp lý.
Cụ thể, Viettel thu lời hơn 900 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí nói trên, cơ quan điều tra kiến nghị thu hồi hơn 270 tỷ đồng. Chấp nhận căn cứ pháp lý của VKS, đề nghị của nhà mạng, tòa ra phán quyết thu hồi của doanh nghiệp này hơn 90 tỷ đồng và phải nộp ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Với Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (Vinaphone), tổng số tiền hưởng lợi hơn 147 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, cơ quan điều tra đề xuất thu 67 tỷ đồng. Song bản án tuyên Vinaphone chỉ phải nộp lại 13 tỷ đồng. MobiFone hưởng lợi hơn 170 tỷ đồng, phải nộp theo đề xuất của cơ quan điều tra là 38 tỷ đồng, còn bản án tuyên là 15 tỷ đồng.
12 người bỏ trốn, bị bệnh sẽ tiếp tục bị xử lý
Theo các cơ quan tố tụng, 12 bị can vận hành đường dây đánh bạc hoặc là mắt xích trung gian giúp vận hành tổ chức tội phạm gồm: Hoàng Thành Trung, Hoàng Ngọc Tú, Tạ Quang Khoa, Trần Quang Hạnh, Phạm Tiến Cương, Nguyễn Huy Bách, Nguyễn Duy Thịnh, Lê Văn Kiên, Phan Anh Tuấn, Hoàng Đại Dương, Nguyễn Trọng Thắng, Vũ Văn Minh. Tuy nhiên, khi hành vi phạm tội bị phát hiện, họ đã bỏ trốn.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và quyết định truy nã nhưng chưa bắt được nên phải tạm đình chỉ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Riêng bị can Bùi Ngọc Hoàn mắc bệnh hiểm nghèo nên được tạm đình chỉ điều tra, khi nào khỏi bệnh sẽ tiếp tục xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo VnExpress
Link gốc: https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/12-kien-nghi-cua-hoi-dong-xet-xu-sau-vu-an-phan-van-vinh-3847629.html