Liên quan đến kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng cho rằng việc chuyển trả số tiền 37,275 tỷ đồng của ông Trịnh Lương Trân và bà Hồ Thị Diễm Phương cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là có dấu hiệu của tội phạm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao Thanh tra TP Đà Nẵng lập thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng theo quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng theo quy định, việc này đang thu hút quan tâm của dư luận.
VietTimes đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng về những nội dung liên quan.
Chỉ là "thuật ngữ kỹ thuật"!
- Ông có thể nói rõ hơn về kết luận "có dấu hiệu tội phạm" và việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Thanh tra TP lập, chuyển hồ sơ vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng" đối với hành vi của ông Trân và bà Phương? Dấu hiệu tội phạm ấy là dấu hiệu gì? Và dấu hiệu ấy đã phạm vào điều nào được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành mà Chủ tịch UBND TP phải đề nghị chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan CSĐT?
Trước khi trả lời cụ thể là quay lại câu chuyện ngày hôm qua là một số báo có ý kiến là ông Sơn (tức ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng - PV) phản bác lại ý kiến các báo vừa đăng. Tôi xin nói rõ là tôi không có ý định phản bác ai cả. Mà phải nói là tôi rất chú tâm, lắng nghe tất cả ý kiến nhiều chiều và cảm ơn các bạn đã có thông tin nhiều chiều.
Câu chuyện hôm qua trao đổi với báo chí có 2 vấn đề. Ý thứ nhất là các bài trả lời mà các báo đăng có cách tiếp cận không chính xác đối với nội dung kết luận thanh tra, nó dẫn đến các bình luận theo hướng khác mà không theo hướng của kết luận của Thanh tra. Tức anh đang bình luận về nội dung kết luận Thanh tra nhưng anh lại phân tích nó theo một hướng khác. Và điều đó không nằm trong nội dung của kết luận của Thanh tra đó.
Nhưng tôi vẫn tôn trọng ý kiến của các luật sư, hay của một vị nào đó bình luận vấn đề này và không có ý kiến. Bởi vì ở góc nhìn của họ vì sẽ có những cách đánh giá vấn đề khác nhau và tôi đang cố tâm theo dõi để nhận định tình hình cho chính xác hơn.
Tuy nhiên có một việc làm tôi cảm thấy băn khoăn, khi cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng chưa có ý kiến gì hết thì mình lại kết luận là "hình sự hóa quan hệ dân sự", rồi là gì gì đó thì đó là điều không nên. Bởi vì cơ quan chức năng chưa có ý kiến gì cả.
Cái thứ hai là chúng ta phải hình dung chiều dài của sự kiện và bản chất của cơ quan Thanh tra chỉ dừng lại ở hoạt động hành chính. Vì vậy nên mọi người đừng hiểu rằng kết luận nào đó của Thanh tra rằng là nó có dấu hiệu tội phạm thì đó là tội phạm là không phải!
Cái việc đưa ra quyết định rằng là kết luận của Thanh tra có đúng như thế hay không thì nó lại là trình tự thủ tục khác thuộc chức năng nhiệm vụ của một cơ quan khác. Mình nói chung là của cơ quan tư pháp chứ không phải của Thanh tra. Và như vậy, trách nhiệm xem xét kết luận của Thanh tra nó có dấu hiệu tội phạm thì điều đó không có nghĩa rằng là hành vi đó là có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan tố tụng phải thông qua một trình tự tố tụng chặt chẽ theo quy định của pháp luật thì mới đưa ra đánh giá rằng tài liệu của cơ quan Thanh tra chuyển cho mình là có dấu hiệu tội phạm.
Khi đó, cơ quan này mới đưa ra kết luận rằng với những hồ sơ, tài liệu này có đủ điều kiện để khởi tố vụ án hay không. Và rõ ràng là từ kết luận Thanh tra cho đến khi mà cơ quan điều tra và Viện KSND quyết định là có khởi tố hay không phải trải qua quá trình thủ tục rất dài, tối thiểu 2 tháng. Và như vậy, chúng ta đưa ra một kết luận rằng "cơ quan TP Đà Nẵng, hay Thanh tra TP Đà Nẵng đang hình sự hóa câu chuyện của bệnh viện ung thư" thì tôi cho rằng quá vội vã. Bởi có thể Thanh tra ra kết luận như vậy, nhưng qua bên kia, người ta thẩm tra, điều tra là những tài liệu này, những dấu hiệu này chưa đủ cơ sở để kết luận rằng đó là đủ dấu hiệu phạm tội, chưa đủ cơ sở để đưa đến 1 trong 2 ứng xử là có khởi tố vụ án hay không, khởi tố bị can hay không. Hoặc là sẽ ra quyết định đình chỉ khởi tố vụ án. Vì khi đó sự việc sẽ quay lại là một vụ việc hành chính.
- Như ông trao đổi thì có phải chăng nội dung "có dấu hiệu tội phạm" và "lập, chuyển hồ sơ vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng" được ghi trong kết luận Thanh tra chỉ là cách nói, câu chữ, còn việc phạm tội, hay phạm pháp phải do cơ quan cảnh sát điều tra kết luận?
Đúng rồi! Cụm từ "có dấu hiệu tội phạm", nếu anh lật Luật ra thì nó xuất hiện ở nhiều Luật khác nhau. Ở đây về mặt pháp lý, cụm từ "có dấu hiệu tội phạm" chỉ là một thuật ngữ mang tính kỹ thuật, chỉ là câu chữ. Còn Hiến pháp vẫn quy định cơ quan duy nhất ở Việt Nam có thể tuyên bố ai đó phạm tội và phạm vào tội gì chỉ có tòa án. Còn tất cả các kết luận có dấu hiệu phạm tội, nghi ngờ tội phạm,...đó chỉ là thuật ngữ mang tính kỹ thuật. Và nó có một giai đoạn tiền tố tụng nó bắt đầu từ khi tôi phát hiện có dấu hiệu cho đến khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố là rất dài và tối thiểu là 2 tháng. Và tất cả hoạt động đó diễn ra dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát.
- Vậy nội dung ông trả lời báo chí thực ra là một vấn đề vẫn chưa được làm rõ! Nếu như ông nói "có dấu hiệu tội phạm" chỉ là một cụm thuật ngữ cho thấy có dấu hiệu cần có sự can thiệp của cơ quan CSĐT, thì nó khác xa với khẳng định của Thanh tra trong bản kết luận là "có dấu hiệu tội phạm", khiến cho Chủ tịch UBND TP phải đề nghị, yêu cầu Thanh tra chuyển hồ sơ vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan công an. Có phải vậy không ạ ?
Câu chuyện kết luận này. Kết luận thanh tra này không phải là kết luận của Thanh tra TP mà kết luận của Đoàn thanh tra của UBND TP Đà Nẵng. Cho nên UBND TP xét thấy kết quả thanh tra của đoàn thanh tra có dấu hiệu nên chỉ đạo theo quy định của luật phải chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Và đây là cụm từ kỹ thuật mà từ hồi tôi đi học 30 năm nay vẫn còn bàn cãi với nhau là thay cụm từ đó cho nhẹ nhàng hơn thì cho đến nay vẫn chưa nghĩ ra được.
Nói tóm lại, Thanh tra kết luận xong rồi nhưng đó là việc của một cơ quan hành chính, còn xem xét việc đó thế nào thì thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp. Và chỉ có cơ quan tư pháp mới có đủ thẩm quyền được pháp luật giao cho làm việc đó. Thanh tra thì không thể kết luận rằng anh phạm tội hay chưa, anh phạm tội gì. Và ví dụ khi qua bên cơ quan tư pháp, họ kiểm tra, thẩm tra và họ kết luận chưa đảm bảo các yếu tố cấu thành tội phạm ví dụ như vậy. Hoặc họ kết luận chứng cứ không đầy đủ, không có cơ sở, chưa chính xác thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án và kèm theo kiến nghị gửi lại cơ quan hành chính xử lý vụ việc này.
Thanh tra chưa kết luận ông Trân sai cái gì, phạm cái gì!
- Nhưng cái câu kết luận "có dấu hiệu tội phạm" và "lập, chuyển hồ sơ vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng" đối với hành vi của ông Trân và bà Phương nó sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, danh dự của một con người chứ, thưa ông?
Tôi sẽ nói cho rõ vấn đề này. Thứ nhất về nội hàm của kết luận là có dấu hiệu tội phạm, tức là người ta nghi ngờ một việc gì đó, và có một số tài liệu có biểu hiện cho chúng tôi nghi ngờ rằng là hành vi này đã có dấu hiệu phạm tội. Và trong trường hợp đó, thì Luật quy định phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra.
Và như vậy, đến ngang chỗ đó, chỗ có dấu hiệu đó thì dừng lại, vì cơ quan Thanh tra không được phép kết luận gì cả và chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra với chức năng quyền hạn của họ, để họ thực hiện theo đúng chức năng, trình tự thủ tục mới của họ. Và họ đưa ra kết luận trước khi đưa ra một ứng xử. Tôi phải xác định chính xác hồ sơ tài liệu của Thanh tra chuyển qua có đủ yếu tố phạm tội hay không. Và lúc đó mới ra quyết định.
Quay lại câu chuyện cái kết luận của Thanh tra như vậy, nhưng câu chuyện có thể nói Thanh tra chưa kết luận ông Trân sai cái gì, phạm cái gì cả. Bởi vì cái đó chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền. Bây giờ cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định là những hồ sơ, tài liệu, căn cứ đó có đủ điều kiện khởi tố hay chưa? Và nếu khởi tố thì các tài liệu này thể hiện là anh phạm vào tội nào của Bộ Luật Hình sự thì tôi mới khởi tố chứ. Tự nhiên khởi tố sao được! Và câu chuyện nó nằm ở đó!
Đối với ý kiến của công luận, kể cả của anh luật sư gì đó khi bày tỏ quan điểm là Đà Nẵng đang hình sự hóa thì tôi nghĩ có ai làm gì đâu mà hình sự hóa! Chưa ai làm gì cả, chưa ai làm gì hết!.
- Theo quy định tại Pháp lệnh Thanh tra thì Thanh tra Đà Nẵng chỉ được phép thanh tra đối với doanh nghiệp do UBND TP Đà Nẵng thành lập hay thuộc sở hữu của UBND TP Đà Nẵng. Ở đây doanh nghiệp Bệnh viện ung thư không do UBND TP Đà Nẵng thành lập, thế mà theo kết luận thanh tra vừa qua thì Thanh tra TP Đà Nẵng vẫn và đã tiến hành thanh tra doanh nghiệp này, rồi đưa ra kết luận là "có dấu hiệu tội phạm", như vậy liệu có phù hợp và đảm bảo tính pháp lý không? Công văn do Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Đức Cam ký đóng dấu đã thể hiện rõ?.
Việc công văn kết luận thanh tra của đoàn thanh tra với nội dung như trên với ký tên, đóng dấu của Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Đức Cam còn cái đó thiếu một văn bản ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao cho Thanh tra TP lập các thủ tục và thông tin thông báo.
Việc thanh tra là của UBND TP với Đoàn thanh tra UBND TP do anh Nguyễn Đức Cam, Phó Chánh Thanh tra làm trưởng đoàn. Và UBND TP giao cho Thanh tra TP thực hiện thủ tục thanh tra và công khai, chuyển hồ sơ.
Việc thanh tra đối với bệnh viện Ung thư là của Đoàn thanh tra UBND TP Đà Nẵng. Còn Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ là thực hiện các thủ tục thanh tra và công khai, chuyển hồ sơ khi có dấu hiệu.
Có 2 thực thể, người ký quyết định thanh tra và đoàn thanh tra. Người ký quyết định thanh tra là UBND TP và người thực hiện nhiệm vụ thanh tra là Thanh tra TP Đà Nẵng.
Nếu để ý thì chính văn bản kết luận này cũng có vấn đề vì người ký quyết định này phải là UBND TP chứ không phải Thanh tra TP. Không phải là tôi hay là anh Cam. Còn trong trường hợp này, anh Cam, Phó Chánh Thanh tra TP chỉ là trưởng đoàn, người được giao cho giám sát sự việc thanh tra.
Riêng đối với nghiệp vụ Thanh tra, Đoàn Thanh tra do UBND TP Đà Nẵng thành lập và thành phần không chỉ là thanh tra. Cái quyền thanh tra đối với các đơn vị thuộc UBND TP ở đây là thuộc về chức năng quản lý nhà nước. Thuộc địa bàn quản lý của UBND TP Đà Nẵng thì UBND TP Đà Nẵng có quyền kiểm tra và có thể Thanh tra được UBND TP giao có nội dung, nội hàm cụ thể.
- Như kết luận thanh tra cho thấy, việc chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT chủ yếu dựa trên việc ông Trân chuyển trả tiền tài trợ. Thời điểm lúc đó khá nhạy cảm vì UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định sáp nhập, chấm dứt hoạt động của Bệnh viện Ung thư cũng như đã ghi rõ thời gian hiệu lực của quyết định, nhưng khi ấy ông Trân vẫn đang còn quyền điều hành Bệnh viện và đã ra quyết định chuyển trả tiền trong khoảng hời gian còn quyền này. Vậy ông Trân đã sai gì khi chuyển trả tiền cho ngân hàng?
Cái quyền của ông Trân tôi không phủ nhận và tôi không cãi. Nhưng cái quyền này đặt dưới sự điều hành của Hội đồng thành viên của Bệnh viện. Và anh cũng là một thành viên Hội đồng thành viên, nhưng khi cuộc họp Hội đồng thành viên thống nhất yêu cầu giữ nguyên trạng, nhưng ông vẫn làm như vậy.
- Xin cảm ơn ông!
(Còn tiếp)