Để chuẩn bị cho Đại hội thi đua Sư đoàn vào cuối năm 1975, tôi được Ban tuyên huấn sư đoàn phân công trở lại Sài Gòn in tập sách “Dũng sỹ đường 4” nói về những chiến công của Sư đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ cắt đứt đường 4, cô lập miền Tây, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tôi được Ban quản lý in ấn Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn và giới thiệu đến in sách tại nhà in “Khắc Hạnh” số 318 Đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Tại đây tôi được tiếp cận và làm việc nhiều với ông chủ trẻ Lê Hoàng. Khác với tất cả những gì tôi đã hình dung về một nhà tư sản qua sách báo và thông tin truyền miệng là bóc lột, quan cách, ăn chơi… Lê Hoàng trước mặt tôi là một con người hiểu biết, lịch lãm, nhân từ và phóng khoáng. Là một cán bộ Tuyên huấn tôi say sưa định hướng cho anh về CNXH và CNCS trong tương lai của Việt Nam. Anh nghe rất chăm chú, tiếp thu chứ không bình luận. Tôi cứ nghĩ là anh đã ngấm dần những nguyên lý cơ bản nhất của Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Sau hơn 2 tuần in sách, khi sắp chia tay để trở về đơn vị, anh mời tôi lên Lái Thiêu (Bình Dương – Thủ Dầu Một) xem một trang trại cây ăn quả khoảng 10 ha của anh. Tại đây có 7 công nhân vun trồng chăm sóc. Ngồi ở tầng 2, tòa nhà 3 tầng, nằm giữa một rừng cây ăn quả. Anh tâm sự với tôi nhiều điều thú vị, mà đã có lần tôi đem ra nói tại kỳ họp thứ 5 BCHTW Đảng khóa IX.
Lê Hoàng trầm tư nói: Bức tranh về CNXH và CNCS mà anh Hai (Lê Hoàng gọi tôi là anh Hai vì biết tôi là con đầu của gia đình) đã nói với tôi là một bức tranh rất đẹp, nhưng trở thành hiện thực thì không dễ, vì hơn nửa năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế Sài Gòn cứ sa sút mãi, chưa có điểm dừng. Đặc biệt những người giỏi, người giàu đang ngấm ngầm rủ nhau vượt biên. Một dân tộc mà người giàu không yên ổn làm ăn, tìm cách trốn chạy ra nước ngoài thì đất nước khó thịnh, dễ suy. Chế độ của anh Hai có thể trẻ em đỡ hư hơn, người già được quan tâm hơn, nhưng làm giàu trước mắt khó hơn. Vì thế nguồn lực để đóng góp cho Nhà nước và giúp người nghèo sẽ hạn hẹp hơn.
Nửa tháng làm việc và quen biết Lê Hoàng, tôi còn có thêm 3 dấu ấn khó quên:
Một hôm tôi đang ăn sáng với Lê Hoàng, thấy anh gọi một công nhân trong số hơn 70 công nhân trong nhà máy mà anh quản lý đến gặp và căn dặn: Hôm nay là ngày giỗ cụ thân sinh của chú, tôi cho chú nghỉ một ngày để lo hương khói cho cụ, tôi có chuẩn bị một ít trái cây và chai rượu, nhờ chú đặt lên bàn thờ kính viếng cụ. Người công nhân cảm động nhận quà và cúi gập người xuống cảm ơn cả anh và tôi. Tôi cảm động về hành vi quá đẹp của một ông chủ đối với người giúp việc.
Một kỷ niệm nữa là ngày 16/3/1976, tôi được về Bắc nghỉ phép sau gần 9 năm xa nhà. Chúng tôi chờ lịch bố trí xe ở trạm quân chính điều phối T67 (nay là nhà khách Quân khu 7). Chờ 2 ngày vẫn chưa có xe để đi, dù đã sắp xếp xong đội hình quân nhân cho từng xe một. Sang ngày thứ 3, tôi tranh thủ đến thăm Lê Hoàng, hai anh em trò chuyện rồi ăn trưa, gần 3 giờ chiều tôi mới trở về trạm, thì được tin anh em đã lên xe ra Bắc từ lúc 10 giờ. Đồ đạc của tôi anh em đã đưa hết lên xe, tôi chỉ kịp hỏi số xe, rồi vẫy xe Lam một mạch chạy đến trao đổi với Lê Hoàng. Thấy tôi lo lắng, Lê Hoàng cười vui và trấn an: Anh Hai yên tâm, chờ tôi xử lý mấy việc xong, tôi sẽ lấy xe nhà chở anh Hai đuổi kịp đoàn. Hai anh em chạy cả ngày lẫn đêm, mãi đến gần TP. Nha Trang mới gặp đoàn. Tôi lên xe của đơn vị, chia tay Lê Hoàng trong nỗi niềm đầy cảm mến.
Một dấu ấn nữa là khi tôi in xong sách trở về đơn vị, Lê Hoàng cho xe ô tô chở cả người và sách về tận Tây Ninh, có cả hoa quả, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá nói là quà Sài Gòn để anh Hai vui vẻ với đồng đội sau 15 ngày đi công tác xa, trở về đơn vị.
Đó là dấu ấn của một nhà tư sản dân tộc, có trí thức thời cuộc, luôn quan tâm đến người lao động, chu đáo với khách hàng và rất quý trọng Bộ đội cụ Hồ.
Về đất Bắc bề bộn bao việc sau giải ngũ, mãi đến đầu năm 1980, biết tôi thông thạo đất và người phương Nam, các đồng chí lãnh đạo Sở Xây Dựng Nghệ Tĩnh cử tôi đi mua gạo cải thiện đời sống cho cơ quan. Tôi mới có dịp tìm và ghé thăm Lê Hoàng, tôi đến đúng số nhà và ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ: “Hợp tác xã tiêu thụ Quận 3”.
Tôi e ngại không dám hỏi thăm gia đình Lê Hoàng qua những người bán hàng tại đó, tôi bước sang ngôi nhà đối diện bên kia đường, nơi trước đây là quán cafe mà tôi và Lê Hoàng thường hay ngồi với nhau vào đầu giờ mỗi buổi sáng. Tôi hỏi bà chủ về Lê Hoàng và nhà in “Khắc Hạnh” và được bà chủ cho biết: sau khi ông nội của Lê Hoàng qua đời, lo hương khói, lăng mộ cho ông xong, cả nhà Lê Hoàng đã vượt biên sang Tân Gia Ba (Singapore ngày nay) từ đầu năm 1979. Tôi lặng người đi vì hối tiếc, thế là tôi đã mất một người bạn tốt, thành phố mang tên Bác mất một doanh nhân trẻ yêu nghề và tâm huyết đối với đất nước Việt Nam, hơn 70 công nhân không có việc làm và mất đi một ông chủ đáng quý.
Hơn 40 năm rồi, dấu ấn về một nhà tư sản trẻ Sài Gòn ngày nào vẫn hiện hữu trong tôi. Qua VietTimes, tôi viết mấy dòng này và nuôi hy vọng một ngày nào đó tôi được gặp lại Lê Hoàng và những người thân của anh; Với tâm thế là Việt Kiều yêu nước trở về đầu tư xây dựng quê hương trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay.