Hiện tại, Việt Nam đang “mở toang” các thị trường bằng việc ký kết các FTA - đặc biệt là tham gia TPP, một hiệp định được coi là “siêu FTA” -thì sóng gió thực sự lớn đến đâu, khi những nhà vườn hiền hoà của vùng đất “trời phú” đang mất dần màu mỡ, và vẫn tiếp tục “tự bơi”bằng những chiếc ghe, xuồng nhỏ…?
Kiệt quệ vườn đặc sản
Năm nay, “Ngày hội Trái ngon-an toàn” của tỉnh Bến Tre đã không được tổ chức, lý do vì... không có trái ngon để triển lãm.
Tình trang hạn, mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn 10.000 ha cây ăn trái và cây giống của Bến Tre. Trong đó, riêng vùng bưởi da xanh đặc sản bị thiệt hại 6.000 ha, mức thiệt hại được đánh giá ở mức 70%.
Cây trơ cành, rụng lá rồi chết, số cây sống sót thì "đứng hình" sống dở chết dở. Nhà vườn mất trắng thu nhập. Nhớ lại năm ngoái, bưởi da xanh giá 50.000đ/kg, năm nay giá gấp đôi, nhưng nhà vườn không có bưởi để bán…
Bến Tre còn là "thủ phủ" cây giống và hoa kiểng ĐBSCL - huyện Chợ Lách. Nhưng hạn và mặn đã gây thiệt hại 2.000 ha cây ăn trái và 350.000 cây giống các loại. Vùng chuyên canh sầu riêng của Tiền Giang ở 2 cù lao Ngũ Hiệp và Tam Bình với diện tích hơn 3.000 ha. Xâm mặn bủa vây, hàng ngàn ha sầu riêng héo úa rồi chết, số còn lại cũng "đứng hình".
Tỉnh này còn có đặc sản vú sữa lò rèn nổi tiếng trồng tập trung ở các xã thuộc huyện Châu Thành. Giá trị kinh tế của vú sữa lò rèn rất cao, trung bình cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, diện tích loại cây này tăng rất nhanh, tính đến 2013 đã lên trên 3.000 ha.
Nhưng cũng từ thời điểm đó, những vườn vú sữa cứ cằn cỗi, khô héo dần và chết lần mòn. Nhà vườn tìm mọi cách cứu chữa cho vú sữa nhưng không được phải đốn bỏ trồng cây khác. Ngoài ra, trên 1.000 ha vú sữa đã chết, số còn lại cũng chỉ chờ ngày… đốn làm củi.
TS. Trung Lập, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, nguyên nhân là do giá trị cao, nhà vườn ép cây cho trái chính vụ rồi nghịch vụ. Sau nhiều năm khiến cây kiệt sức. Trong khi đó, đất trồng cây lâu năm không được cải tạo, cạn dinh dưỡng, mầm bệnh lưu tồn…
Nguồn cây giống là chiết cành nên cây yếu và mau già lại nhiễm bệnh không thể cứu chữa. Những năm gần, đây năng suất, chất lượng vú sữa năm sau luôn thấp hơn năm trước, mùa vụ cũng muộn hơn. Muốn khôi phục phải cải tạo đất, tìm nguồn giống mới rất tốn thời gian, kinh phí.
Tương tự, thành phố Cần Thơ có vùng đặc sản cam mật ổ huyện Phong Điền, với diện tích gần 4.000 ha, nhưng hiện cũng te tua do nhiễm bệnh vàng lá gân xanh. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị, đã có trên 1.000 ha cam bị chết, số còn lại cũng ngày càng nhiễm bệnh do lây lan.
10 năm qua, các nhà khoa học đã cố công khôi phục những vườn cam bệnh nhưng không ngăn chặn được dịch bệnh. Nhà vườn phải đốn bỏ trồng cây khác, chủ yếu là dâu hạ châu với giá bán chỉ 15.000đ/kg, bằng nửa giá cam.
Ở Vĩnh Long có "vương quốc" sầu riêng ở vùng cù lao An Bình, Quới Thiện với giống sầu riêng hạt lép nổi tiếng, tổng diện tích gần 1.000 ha. Hạn, mặn đã gây thiệt hại 70% diện tích sầu riêng, nhà vườn trắng tay. Các hộ cho biết, với các loại cây trái khác, việc trồng lại 3 - 4 năm cho thu hoạch, còn sầu riêng phải mất cả chục năm.
Trà Vinh có vùng đặc sản chôm chôm ở cù lao Tân Qui, huyện Cầu Kè với diện tích gần 300 ha, chiếm tới 90% diện tích chôm chôm của toàn tỉnh. Nhiều vườn chôm chôm tại đây có tuổi đời ngót nửa thế kỷ, cho năng suất 30-40 tấn/vụ, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hạn mặn đã gây thiệt hại gần 90% diện tích chôm chôm, với mức độ thiệt hại trên 70%, khiến cho 519 hộ điêu đứng phải đốn bỏ chôm chôm bán... củi và trồng cây khác. Về cơ bản, chôm chôm - loại trái cây đặc sản của Trà Vinh đã bị xóa sổ.
Kiệt quệ vườn trái cây đặc sản ĐBSCL vì thiên tai dịch bệnh là “đồng cảnh” của vườn bưởi da xanh gần 5.000 ha của Hậu Giang; hàng ngàn ha măng cụt của Tiền Giang, Bến Tre; vùng trồng nhãn, quít hồng của Đồng Tháp và nhiều loại trái cây ở các tỉnh khác.
Xuất khẩu…rộng đường
TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Viêṭ Nam hiện có 40 loại trái cây xuất khẩu qua 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc hội nhập nhanh chóng của Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Nhiều thị trường mới được mở, trong đó có những thị trường "đỏng đảnh" nhất thế giới như Nhật, Mỹ, EU, Úc. Tiêu chuẩn Việt Nam cũng đã thoả mãn được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nên tiếp cận được hầu hết các thị trường.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, dự kiến cả năm là 2 tỷ USD, vượt con số 1,8 tỷ USD của năm 2015. Trong đó, những thị trường "thắt ngặt" như Mỹ đã cho phép mở cửa cho 4 loại trái cây Việt Nam là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải. Sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 2.000 tấn trái cây vào Mỹ, gấp đôi so cùng kỳ 2015. Việt Nam đang đàm phán đưa tiếp xoài, vú sữa vào thị trường này.
Các thị trường khác như: Úc đã cho phép nhập khẩu xoài, vải của Việt Nam, cuối năm nay thủ tục cho thanh long vào Úc cũng sẽ được hoàn tất. Nhật Bản cũng đã nhập khẩu xoài, thanh long của Việt Nam, đang đàm phán để nhập chôm chôm, vải. Đài Loan từ 2 năm trước đã nhập khẩu thanh long Viêt Nam với sản lượng bình quân 14.000-16.000 tấn/năm. Nhưng sau đó, Đài Loan phát hiện những lô hàng thanh long bị nhiễm ruồi đục trái nên cấm nhập.
Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã phải làm việc với cơ quan Kiểm dịch thực vật Đài Loan để trái thanh long "tái hoà nhập" từ 1-6-2016. Hàn Quốc đã nhập của Việt Nam thanh long, xoài, đang làm thủ tục cho vải, vú sữa vào. Ngoài ra, trái cây Việt Nam cũng đã thâm nhập vào những thi trường mới, lạ như Peru, Chile, Thái Lan, Malaysia, Argentina...
Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại, nhiều dòng thuế suất sẽ hạ bằng 0%. Chính phủ Việt Nam cũng đang thay đổi cách tiếp cận. Nếu như trước đây doanh nghiệp phải tìm đến nhà nước để “năn nỉ”, thì nay nhà nước phải tìm đến doanh nghiệp để "phục vụ" !
Mặc dù vậy, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn thiếu vắng, chỉ chiếm 1% trên tổng số doanh nghiệp, lại rất yếu. Trong đó, doanh nghiệp chế biến trái cây để xuất khẩu lại càng thiếu và yếu kém hơn, đăc biệt là doanh nghiệp đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chiếu xạ và xử lý nước nóng trái cây…
Nguyên nhân, để đầu tư một cơ sở xử lý trái cây hơi nước nóng hay chiếu xạ phải bỏ ra 10 triêu USD, trong khi trái cây thu hoạch theo mùa, ngoài thời gian đó cơ sở "đắp chiếu" nằm chờ. Bộ NN-PTNT đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhưng đến nay những cơ sở này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Trên "mặt trận" tiêu thụ trái cây, thị trường mở ra nhưng vắng bóng doanh nghiệp "đại gia". Hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng nghị định mới, theo hướng có nhiều ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư.
Đầu ra trái cây đã được quan tâm, nỗ lực mở rộng thị trường, ưu tiên chính sách đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đầu vào sản xuất trái cây thì phó mặc cho nông dân tự "bơi". Nhìn lại danh mục xuất khẩu trái cây VN, nhất là loại trái xuất vào thị trường khó tính, ngoại trừ vải, còn lại là đặc sản ĐBSCL.
Toàn vùng có 280.000 ha cây ăn trái, chiếm hơn 50% diện tích và sản lượng cũng như chủng loại trái cây xuất khẩu. Thế nhưng những vườn cây trái xuất khẩu của ĐBSCL đã và đang tiếp tục thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh; trong khi nhà vườn thì kiệt quệ cả tiền của, sức lực và không còn khả năng đầu tư tái sinh, tái lập vườn cây trái.
Nếu không được Nhà nước quan tâm đầu tư vực dậy, thì với tình hình biến đổi khí hậu khó lường hiện nay, chỉ cần vài năm nữa những vườn cây trái còn lại cũng… teo tóp dần.