Những nhà nghiên cứu về Triều Tiên và quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ đều cho rằng, thỏa thuận lần 2 giữa hai nước sẽ có một kết quả thực chất [sẽ ký kết được một hiệp nghị trong đó: Triều Tiên sẽ có lộ trình phi hạt nhân hóa, còn Hoa Kỳ sẽ gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt, đưa ra được tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên]. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp Hà Nội, 2 phía đã hủy bỏ buổi ăn trưa sự vụ và cũng không thể ký kết một hiệp nghị song phương.
Vậy, lý do cho vấn đề này là gì?
Tháng 8.2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe dọa đáp trả Triều Tiên bằng "bão lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến". Khi đó, tình báo Hoa Kỳ cho rằng Bình Nhưỡng đã thành công trong việc làm nhỏ đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Sau 2 vụ thử tên lửa ICBM của Triều Tiên vào tháng 7 trước đó, các chuyên gia vũ khí cũng tin rằng đất nước này đã thành công trong việc sản xuất phương tiện phóng trở lại trái đất, mang đầu đạn hạt nhân qua bầu khí quyển rồi quay trở lại tấn công mục tiêu trên trái đất.
Đến tháng 11.2017, Triều Tiên chính thức thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 có thể phóng tới mọi mục tiêu trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lúc đó đã nhận định tên lửa này “đã đi thực sự cao hơn bất kỳ tên lửa nào trước đây của Triều Tiên. Về cơ bản, đó là nỗ lực thử nghiệm và phát triển để tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo có thể đe dọa bất cứ nơi đâu trên thế giới” - Khiến cho hạt nhân của Triều Tiên trở thành một mối đe dọa hiện hữu với Hoa Kỳ.
Chính mối đe dọa này đã tạo nên lý do cho 2 nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên tuyên bố sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 nước. Cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 6.2018 tại Singapore. Nhưng các chuyên gia đã đánh giá kết quả của cuộc họp này là thất bại. Lý do của họ là những điều khoản trong tuyên bố chung của 2 nước rất mơ hồ: "Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp tương xứng nếu Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa".
Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng cuộc họp lần 1 là thành công, ít nhất là với phía Triều Tiên. Các học giả phương Tây thì cho rằng Triều Tiên chính là cơ hội để ông Trump có thể núp bóng một mối đe dọa về an ninh. Thực tế, theo chuyên gia đàm phán Nguyễn Đình Lương, Triều Tiên đã thành công trong việc đốt lên đám cháy hạt nhân - Còn ông Donald Trump thì cũng thắng khi khoanh vùng đám cháy hạt nhân đó bằng cách quyết định gặp mặt trực tiếp ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lương thì Hoa Kỳ vẫn có thói quen "ngồi cùng chiếu, nhưng lúc nào cũng nghĩ rằng mình ngồi chiếu trên". Điều đó có lẽ đã khiến cho cuộc họp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore có một kết quả mơ hồ. Còn cuộc họp lần 2 tại Hà Nội cũng không hình thành một kết quả thực chất. Theo nhiều chuyên gia phương Tây, các đời tổng thống trước của Hoa Kỳ khi đàm phán với Triều Tiên đều muốn "Triều Tiên giải giáp vũ khí trước, sau đó Hoa Kỳ mới đàm phán".
Có lẽ kết quả tại Hà Nội lần này cũng phản ánh những nhận định trên, chi tiết của cuộc đàm phán không được đề cập, nhưng có thể hình dung, Hoa Kỳ vẫn sẽ đòi hỏi Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn rồi mới có những biện pháp đáp ứng một cách tương xứng (giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế, đưa ra một tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên...). Kết cục này đã được mơ hồ hình dung ra trong cuộc họp báo kín tại Nhà Trắng vào ngày 21.2 tuần trước. Các quan chức cấp cao trong chính quyền đã có ý nói rằng vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn là vấn đề chính trên bàn đàm phán.
76 chuyên gia được phỏng vấn trên National Interest đều đưa ra suy nghĩ có lẽ cuộc họp lần 2 giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội sẽ có một kết quả thực chất hơn lần 1 tại Singapore và tổng thống Donald Trump sẽ nhượng bộ Triều Tiên nhiều hơn. Nhưng, tất cả đều đã sai! Hoa Kỳ vẫn muốn ngồi chiếu trên trong đàm phán!