Vây Ấn Độ, Trung Quốc mưu lập căn cứ hải quân ở Pakistan?

VietTimes -- Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Jiwani sẽ kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng của biển Ả Rập, đồng thời cung cấp một mắt xích trong chuỗi căn cứ quân sự tiềm tàng của Trung Quốc từ Biển Đông đến châu Phi.
Trung Quốc muốn xây dựng căn cứ hải quân ở bán đảo Jiwani, Pakistan. Ảnh: Sina.
Trung Quốc muốn xây dựng căn cứ hải quân ở bán đảo Jiwani, Pakistan. Ảnh: Sina.

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 4/1 cho hay cùng với việc Mỹ và Pakistan xuất hiện mâu thuẫn lớn do vấn đề chống khủng bố, quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan hầu như đang được tăng cường mạnh mẽ.

Theo dư luận Mỹ, Trung Quốc không chỉ lên tiếng về mặt ngoại giao để khẳng định những đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố của Pakistan, ủng hộ "người anh em sắt đá" này, mà còn đang ra sức ủng hộ bằng các hành động thực tế.

Thượng tá nghỉ hưu Lawrence Sering thuộc lực lượng dự bị lục quân Mỹ ngày 1/1 có bài viết trên tờ The Daily Caller, cho rằng Trung Quốc có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực biên giới Pakistan và Iran, đó là xây dựng căn cứ hải quân ở một cảng biển của Pakistan.

Thông tin của Lawrence Sering hoàn toàn không được chính quyền Pakistan xác nhận, vì vậy độ tin cậy của thông tin này còn bị nghi ngờ. Theo tiết lộ của Lawrence Sering, ông biết được tin này qua đưa tin của một đài truyền hình tiếng Urdu của Pakistan.

Quan chức Trung Quốc và Pakistan gần đây nhiều lần tổ chức hội nghị, bàn bạc vấn đề Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở bán đảo Jiwani.

Bán đảo Jiwani nằm ở khu vự cảng Gwadar, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Trong khi đó, cảng Gwadar là một bộ phận quan trọng trong các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Trung Quốc và Pakistan tiến hành diễn tập chống khủng bố liên hợp. Ảnh: Sina.
Trung Quốc và Pakistan tiến hành diễn tập chống khủng bố liên hợp. Ảnh: Sina.

Lawrence Sering viết: "Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Jiwani sẽ kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng của biển Ả Rập tại vịnh Péc-xích, đồng thời cung cấp một mắt xích trong chuỗi căn cứ quân sự tiềm tàng của Trung Quốc từ Biển Đông đến châu Phi. Căn cứ này sẽ vượt qua các căn cứ hải quân của Ấn Độ và Mỹ ở đảo Diego Garcia.

Lawrence Sering là một chuyên gia về chỉ huy và kiểm soát khoa học công nghệ, thông thạo tiếng Ả rập và tiếng Kurd, từng chiến đấu ở Afghanistan và Iraq.

Ngoài ra, theo hãng tin NBC Mỹ tháng 6/2017, một quan chức ngoại giao Pakistan cho biết ngay từ năm 2011 Pakistan đã mời Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở khu vực duyên hải phía nam nước này.

Ngoài ra, báo Mỹ cho hay Trung Quốc và Pakistan đã cân nhắc mở rộng phạm vi hợp tác đầu tư Trung Quốc - Pakistan sang Afghanistan. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ trích Pakistan cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử khủng bố, đã ảnh hưởng đến các nỗ lực tấn công chủ nghĩa khủng bố của Mỹ ở Afghanistan.

Báo cáo vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho rằng hành động này của Trung Quốc và Pakistan đơn thuần là xuất phát từ sự cân nhắc an ninh lãnh thổ, sẽ không gây ảnh hưởng bất lợi cho Mỹ.

Trong khi đó Lawrence Sering cho rằng kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân ở bán đảo Jiwani của Trung Quốc làm cho Bộ Quốc phòng Mỹ ý thức được sự việc không đơn giản như dự đoán trước đó.

Thực ra, các tài liệu cho thấy, quân đội Mỹ đã sớm xây dựng trung tâm tình báo ở Jiwani với danh nghĩa hành động chống khủng bố.

Cảng Jiwani của Pakistan. Ảnh: Sina.
Cảng Jiwani của Pakistan. Ảnh: Sina.

Trong khi đó, nhiều năm qua báo chí Ấn Độ và Mỹ đều khẳng định Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự ở cảng Gwadar, Pakistan. Họ cho rằng Trung Quốc xây dựng cảng biển ở duyên hải Nam Á thực ra là để chuẩn bị cho xây dựng căn cứ vĩnh viễn.

Các cảng biển do Trung Quốc xây dựng ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar về bề ngoài là sử dụng cho thương mại, nhưng cuối cùng sẽ bị xây dựng thành căn cứ hải quân thực sự.

Sở hữu các căn cứ này sẽ làm cho Bắc Kinh có thể điều động binh lực đến toàn bộ Ấn Độ Dương, tiến tới thách thức vị thế bá chủ trên biển của Mỹ, bao vây Ấn Độ và đe dọa tuyến đường dầu mỏ trên biển.

Nhưng sina cho rằng tình hình thực tế hiện nay chứng minh hoàn toàn không phải như vậy. Bản thân những cảng biển này là cảng dân dụng, hơn nữa cải tạo thành quân dụng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.