Trung Quốc nguy cơ mất mặt vì ôm mộng bá quyền

VietTimes -- Mục đích của Trung Quốc nhằm trở thành bá chủ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Mỹ có một danh sách dài những chính sách để ngăn chặn hành động vũ trang và cũng có thể buộc chính quyền Trung Quốc hứng chịu nỗi đau đớn và quan trọng nhất là khiến Trung Quốc mất mặt với người dân trong nước, Washington FreeBeacon phân tích.
Quân đội Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản thường xuyên tập trận
Quân đội Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản thường xuyên tập trận

Bất kỳ ai chú ý đến Đông Á đều biết rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chuyển sang hướng tiêu cực trong những năm gần đây và đó là lí do mà các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực bị đe dọa bởi chính sách ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ nước Mỹ nhận thức được tình hình này nghiêm trọng đến mức nào. Đây là lúc để Mỹ chú tâm đến khu vực nhiều hơn vì Trung Quốc đang tìm cách chiếm các nguồn tài nguyên và lãnh thổ một cách vô luật lệ không giống ai, gần như đế chế Nhật Bản trước Thế chiến II - một sự so sánh khập khiễng mà các nhà phân tích và các quan chức chính phủ của các nước trong khu vực vẫn hay đề cập.

Theo FreeBeacon, tầm nhìn chiến lược của ông Tập Cận Bình bao trọn gần như toàn bộ phía Tây Thái Bình Dương, khu vực được gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” trải dài từ phía nam quần đảo Nhật Bản xuyên qua Philippines và Malaysia, bao gồm cả Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Tập muốn biến khu vực này thành cái hồ của Trung Quốc.

Các quốc gia cũng có chủ quyền ở khu vực này nằm trong khu vực ảnh hưởng gần biên giới của Trung Quốc (giống như Nga với các nước Cộng hòa trước đây thuộc khối Xô Viết cũ). Theo quan điểm của Bắc Kinh, các nước này cần phải được dạy cách chấp nhận quyền bá chủ của Trung Quốc và những nước thích chen ngang vào chuyện của người khác như Mỹ buộc phải rút lui khỏi “chuỗi đảo thứ hai”, trải dài từ phía nam Nhật Bản xuống quần đảo Mariana, bao gồm cả Guam.

Tầm nhìn táo tợn trên không chỉ là lời nói. Trung Quốc đang thực hiện những động thái hết sức hung hăng để biến điều này thành một sự thật hiển nhiên. Ở Biển Hoa Đông, năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Chính phủ Mỹ không ủng hộ bên nào thực thi chủ quyền ở đây nhưng đã tuyên bố rõ ràng rằng vì quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản nên Mỹ có nghĩa vụ tham gia bảo vệ quần đảo cùng đồng minh (theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật).

Chiến hạm hải quân Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận
Chiến hạm hải quân Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các nhà chứa máy bay tại quần đảo Trường Sa
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các nhà chứa máy bay tại quần đảo Trường Sa

FreeBaecon ghi nhận, kể từ khi vùng nhận diện phòng không được tuyên bố, những cuộc xâm nhập do các hạm đội tàu đánh cá Trung Quốc, một số được điều khiển bởi lực lượng dân quân biển, được sự hộ tống của các tàu vũ trang của lực lượng hải cảnh sát Trung Quốc đã tăng vọt về số lượng. Chỉ trong tuần đầu tháng 8/2016, đã có tới 18 vụ xâm nhập vào lãnh hải quanh quần đảo Senkaku do tàu hải cảnh sát Trung Quốc thực hiện, theo số liệu chính phủ Nhật Bản công bố.

Ở Biển Đông, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, chiếm các đảo và đá đang tranh chấp, mở rộng địa bàn bằng những dự án cải tạo đảo phi pháp và xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên các thực thể nhân tạo. Rút bài học từ vụ tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông trước khi đủ sức thực thi nó, Trung Quốc đã trì hoãn việc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.

Tuy nhiên theo FreeBaecon, điều này sẽ không kéo dài lâu nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đảo và xây dựng căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough (thực thể địa lý không người sinh sống Bắc Kinh chiếm từ tay Philippines năm 2012) . Một khi xây dựng xong, Trung Quốc sẽ hình thành tam giác căn cứ chiến lược trong khu vực. Sau đó, nước này hoàn toàn đủ khả năng tuyên bố và thực thi ADIZ trên Biển Đông. Các phương tiện của quân đội Mỹ vận hành trong khu vực đứng trước mức độ rủi ro ngày càng cao, và các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ sẽ không còn chịu sự giám sát chặt chẽ của Mỹ như trước.

FreeBaecon đánh giá, ở khắp những nơi Trung Quốc hoạt động, đang diễn ra xu thế đi sai hướng trong việc thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Mục đích của Trung Quốc nhằm trở thành bá chủ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Một khi Mỹ bị ép buộc rời khu vực và các nước láng giềng của Trung Quốc buộc phải theo quỹ đạo Bắc Kinh, không khó để hình dung khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm Đài Loan.

Tuy những điều này vẫn còn ở thì tương lai, nhưng năm tới đây sẽ cực kỳ nguy hiểm. Cho dù quân đội Trung Quốc không thể đánh bại Mỹ trong cuộc xung đột, bộ chính trị Trung Quốc sắp có một cuộc cải tổ. Sự không ổn định sẽ thúc đẩy các lãnh đạo Trung Quốc khiêu khích hơn, sách động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và ngăn chặn các mối đe dọa trong nước với chế độ. Hơn nữa Trung Quốc cũng nhận thức được rằng chính quyền Obama không muốn đối đầu và một tân tổng thống nếu quá hung hăng ngay sau khi nhậm chức sẽ dễ rơi vào thất bại.

Chiến đấu cơ xuất kích làm nhiệm vụ từ tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ xuất kích làm nhiệm vụ từ tàu sân bay Mỹ

FreeBeacon cho rằng tin tốt là vẫn chưa quá muộn cho Trung Quốc dừng lại trước khi một cuộc chiến bùng nổ. Tin xấu là kết quả này sẽ đòi hỏi quyết tâm và sự lãnh đạo không mệt mỏi của Mỹ. Cho dù những nước bạn bè của Mỹ trong khu vực hài lòng với chiến lược “tái cân bằng” của quân đội Mỹ nhằm củng cố các căn cứ tại châu Á- Thái Bình Dương, các nước này lo ngại về việc chừng nào chính quyền ông Obama thực sự nghiêm túc giải quyết các thách thức từ phía Trung Quốc và họ cũng lo lắng rằng Nhà Trắng có thể vẫn có thể không đủ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để vượt qua. Tổng thống Obama vẫn đang xem xét về việc tuyên bố chính sách “Không sử dụng trước” đối với vũ khí hạt nhân và điều này khiến các nhà lãnh đạo của Nhật Bản bất an. Nhật Bản là đất nước có truyền thống chống vũ khí hạt nhân ăn sâu vào trong tiềm thức, song cũng là quốc gia phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ để tồn tại.

Theo FreeBeacon, Trung Quốc có thói quen thử thách các Tổng thống Mỹ ngay khi nhậm chức. Tổng thống George W.Bush từng đối mặt với vấn đề máy bay trinh sát Mỹ bị buộc  phải hạ cánh trên Đảo Hải Nam năm 2001, còn ông Obama đã phải đối phó với việc tàu thuyền Trung Quốc cố bao vây tàu Mỹ di chuyển trong vùng biển quốc tế năm 2009. Vị tổng thống tiếp theo chắc chắn sẽ phải đối mặt với một động thái khiêu khích khác vào năm 2017 và một danh sách những phản ứng cứng rắn phải được lên kế hoạch từ bây giờ, trước khi khủng hoảng xảy ra.

Mỹ có một danh sách dài những chính sách để ngăn chặn hành động vũ trang và cũng có thể buộc chính quyền Trung Quốc hứng chịu nỗi đau đớn và quan trọng nhất là khiến Trung Quốc mất mặt với người dân trong nước, một vấn đề rất lớn đối với lãnh đạo nước này. Điều này có thể bao gồm việc Mỹ công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và cho phép các sĩ quan Mỹ đến Đài Loan, vùng lãnh thổ hiện bị cấm để tránh làm mất lòng Trung Quốc.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân
Tàu ngầm tấn công hạt nhân "Sói biển" của Mỹ luôn lảng vảng gần bờ biển Trung Quốc
Hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên biển
Hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên biển
Vũ khí tấn công siêu thanh của Mỹ
Vũ khí tấn công siêu thanh của Mỹ

FreeBeacon nêu rõ, quan trọng hơn cả là tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải chuẩn bị vạch ranh giới đối với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, không cho chúng mở rộng. Một bước đi táo bạo cần được cân nhắc là thông báo cho Trung Quốc rằng bất kỳ hành động bồi lấp, cải tạo phi pháp nào trên bãi cạn Scarborough sẽ thúc đẩy Mỹ phong tỏa bãi cạn này.

Nếu chính quyền mới của Mỹ vượt qua được phép thử này và ngăn chặn được chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong ngắn hạn, chiến dịch lâu dài nên tập trung vào củng cố hệ thống đồng minh của Mỹ trong khu vực, xây dựng quân đội và khuyến khích các nước hợp tác với các nước khác – một nhiệm vụ phức tạp trong bối cảnh các tranh chấp lịch sử khó khăn giữa các nước. Tất cả điều này sẽ khó khăn và thậm chí nguy hiểm nhưng cái giá của việc không hành động sẽ là dỡ bỏ hoàn toàn trật tự tự do quốc tế và nó sẽ bị thay thế bằng một thời đại đế chế mới. Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải quyết định tương lai sẽ ra sao, FreeBeacon kết luận.