Vẫn nhiệt huyết như ngày mới vào Đảng
Dường như cứ sau một sự kiện, nhất là những sự kiện hệ trọng như chỉnh đốn đảng hay xử lý một nhân vật nào đó liên quan tới tham nhũng thì giới truyền thông lại tìm tới ông. Bao giờ ông cũng phát biểu chính trực, nói thẳng vào vấn đề, không né tránh, không vòng vo, ngay cả những chuyện được coi là “nhạy cảm”. Cái vị thế 55 năm làm công tác tổ chức và bảo vệ chính trị nội bộ “không tì vết” của mình đủ để cho ông nói mà không phải “nhìn trước, ngó sau”. Giới báo chí quý ông là vì thế.
Tôi có may mắn là nhiều năm được quen biết ông, thi thoảng có chuyện gì đấy hệ trọng, thậm chí là cả những chuyện “không mấy hệ trọng”, ông thường gọi tôi đến nhà chia sẻ.
Hơn 20 năm quen biết ông, vẫn ngôi nhà trong khu tập thể cũ, trong một ngách hẹp của phố Đội Cấn (Hà Nội), vẫn cái phòng khách chừng 10m2, vẫn bộ bàn ghế tềnh toàng ấy. “Ấy vậy mà các đời Trưởng ban Tổ chức Trung ương, các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng… khi đến thăm tớ cũng đều ngồi ở chiếc ghế mà các cậu đang ngồi ấy thôi!”- ông chỉ vào chiếc ghế chúng tôi đang ngồi, cười đôn hậu.
Chúng tôi lại đến thăm ông trước ngày Hội nghị Trung ương 7, khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 7 đến 12/5/2018) diễn ra. Một hội nghị, mà theo ông, là hết sức quan trọng, bàn về công tác cán bộ. Ông đã trả lời phỏng vấn chúng tôi một bài dài về công cuộc chống tham nhũng và công tác cán bộ.
“Cụ Hồ đã nói rồi, muốn xây một cái nhà đẹp thì trước hết phải quét sạch rác rưởi- ông bảo, - Công tác cán bộ cũng vậy. Trước hết phải sạch và không dính líu đến “lợi ích nhóm”. Đó là hai tiêu chuẩn rất quan trọng của một cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, còn các tiêu chuẩn khác thì Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII từ tháng 6/1997 đã nói rất rõ rồi”.
Căn phòng khách nhỏ bé của ông như nóng dần lên bởi câu chuyện thời sự chống tham nhũng. Ông nói về những “thanh củi khô” đã vào “lò”như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, rồi Vũ “nhôm”, Út “trọc”… và cả những “thanh củi tươi” đang bị bén lửa.
“Nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng gọi điện cho tôi nói họ rất phấn khởi. Điều đó nghĩa là quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất hợp lòng dân. Đó không phải là một, hai vụ đơn lẻ mà là một chủ trương lớn, những hành động rất quyết đoán, ra đòn rất trúng. Lần này, mới thực sự thực hiện được điều mong mỏi của người dân là không có vùng cấm trong chống tham nhũng, không có chuyện chỉ “tắm từ vai trở xuống”. Và sẽ không còn có chuyện các “anh” nào đó dám ngông nghênh xưng xưng tuyên bố: “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.
Nhưng rồi giọng ông bổng chùng xuống: “Nói thế thôi, những vụ việc như Đinh La Thăng thực sự là điều đau lòng của Đảng, trong đó có những người làm công tác tổ chức như chúng tôi. Tại sao để cho cán bộ hư hỏng nhiều như thế. Những việc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao hư hỏng như vậy có phải bây giờ chúng ta mới biết đâu.
Ông đứng lên, đi lại phía giá sách và rút ra một chiếc phong bì đã ố vàng. Ông trở về ghế đi văng, mở phong bì và đưa cho tôi một tài liệu. Tôi cầm lên. Thì ra đó là bức tâm thư của cố vấn Phạm Văn Đồng gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An. Bức tâm thư góp ý chuẩn bị Hội nghị TƯ 6 (lần 2) Khóa VIII.
Bức thư có đoạn: “Điều chủ yếu phải nhấn mạnh theo tinh thần trên là nhiều người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, hư hỏng quá, thoái hóa, biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi. Chúng đang làm cho phần lớn nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường, là sự hội nhập của 4 nguy cơ, tác động lẫn nhau và phá ta: có cái rõ, có cái chưa rõ, có mặt nổi, có mặt chìm, có cái trước mắt, có cái lâu dài, tất cả có thể đưa đến sự suy vong của chế độ và sự nghiệp cách mạng của chúng ta”.
Chờ tôi đọc xong bức thư, ông Hương nói: Đấy, cậu thấy chưa, có phải đến bây giờ Đảng ta mới nhìn ra vấn đề này đâu.
Rồi ông bảo, trong cuộc chiến này, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt, lại có cách làm rất đúng, “chặt rễ” con trước, “tỉa cành” nhỏ trước, cứ thế dần dần “nhốt quyền lực” của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác. Cách làm đó đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng. Mặc dù thế, cuộc đấu tranh còn gay cấn lắm, các nhóm lợi ích không dễ gì từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình. Những Vũ “nhôm”, Út “trọc” phải có người chống lưng, phải tìm mọi cách để có người chống lưng. Mà ai mới có thể chống lưng chứ. Chính là những người có chức có quyền. Một bên có quyền, một bên có tiền, “liên minh ma quỷ” với nhau để có nhiều tiền hơn, từ đó đưa người vào nắm các vị trí cao hơn.
Cương trực và liêm chính
“Lý lịch” của ông Nguyễn Đình Hương khá giản đơn: ông là người xứ Nghệ, sinh năm 1930. Ông tham gia cách mạng bằng việc gia nhập ngành quân giới quân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948 ông trở thành đảng viên cộng sản. Năm 1952 ông được điều ra phục vụ ở Bến Bình Ca (Tuyên Quang) nổi tiếng. Năm 1956 ông được điều về Ban Tổ chức Trung ương và làm việc tại đây cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Ông Nguyễn Đình Hương là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII, Trưởng Ban bảo về chính trị nội bộ, Thường trực A47.
Có thể nói gần như cả cuộc đời ông gắn với công tác tổ chức, qua tới 9 đời Trưởng ban: Lê Văn Lương (1948- 1/1956), Lê Đức Thọ (10/1956- 1973), Lê Văn Lương (1973-1976), Lê Đức Thọ (1976- 1980), Nguyễn Đức Tâm (1980- 6/1991), Lê Phước Thọ (6/1991- 7/1996), Nguyễn Văn An (7/1996-7/2001), Trần Đình Hoan (7/2001- 4/2006) và Hồ Đức Việt (5/2006- 2/2011).
Khi hỏi ông, trong hơn 50 năm làm công tác tổ chức, có bao giờ ông bị nghi ngờ về vấn đề gì không. Ông bảo, năm 1980, ông được cử sang Liên Xô (cũ) công tác, về nước có người đồn “ông Hương đem vàng sang cho con gái đang học ở Baku”. “Ông Thọ (Lê Đức Thọ- NV) hỏi, tôi nói: “nếu tôi làm việc đó, anh hãy làm 3 việc. Một là, không giới thiệu tôi vào BCH TƯ khóa tới; hai là, khai trừ tôi ra khỏi Đảng; ba là, đuổi tôi ra khỏi Ban Tổ chức Trung ương”. Ông Thọ đã bí mật yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (cũ) lúc ấy là ông Nguyễn Hữu Mai cử người xuống tận thành phố Baku (Thủ đô của Azerbaijan) để xác minh. Một hôm ông Thọ gọi tôi lên, bảo: “Cho xác minh rồi, không có chuyện đó”. Thời ông Thọ là thế. Ông ấy yêu cầu rất cao về sự trong sạch, nhất là đối với cán bộ tổ chức.
Những người từng làm việc và quen biết ông Hương lâu năm đều có chung một nhận xét, ông là người lòng dạ ngay thẳng và “rất khó mua chuộc”. Có lần, trong lúc “trà dư tửu hậu” ông bảo, không phải ít lần có tổ chức, cả những cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TP. HCM, thậm chí cả Vũng Tàu, nhưng ông đều từ chối. “Mình sống đạm bạc quen rồi. Nhu cầu ăn ở cũng chỉ chừng này là đủ”- ông khoát tay chỉ căn nhà mình đang sống.
Ông bảo thế và tôi tin như thế. Bởi tôi biết, ở cương vị ông, nếu muốn có nhà lầu, tiền bạc, ông thừa sức. Có lần ông kể, ông được Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng bí thư Đỗ Mười giao cho đi xác minh vụ việc một Ủy viên Bộ Chính trị bị tố cáo trong thời gian bị địch bắt, ông này đã khai báo với địch làm nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù không dễ dàng gì. Kết quả là ông này bị khai trừ khỏi đảng, cách hết các chức vụ.
“Vụ việc này chỉ một mình tớ làm, một mình tớ biết, nếu tớ muốn “ăn” thì chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu viết tay là có xe hơi, nhà lầu ngay”- ông Hương kể.
Tôi hỏi ông, trong cuộc đời làm tổ chức của mình, có điều gì làm ông thất vọng nhất không, ông bảo: “một cậu từng là cấp phó của tôi, sau này làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ. Cậu ấy đến nhà tôi hứa: “Nếu em không làm đến nơi đến chốn vụ Vinashin thì em không xứng với ngày 27/7 (ý không xứng với các anh hùng, liệt sĩ- NĐH). Kết quả khi ra Hội nghị Trung ương thì sao? Tội như “con voi”, cậu ấy báo cáo bằng “con chuột nhắt”. Sai phạm đã không được xử lý đúng mức. Tôi đến thẳng nhà cậu ấy và bảo: Tôi biết vì sao cậu làm thế. Tôi còn biết cậu được bao nhiêu “cục gạch” (ý là cục vàng- NĐH). Cậu ấy tái mặt, lý nhí: “làm gì có cục nào đâu anh” .
Ông Hương là vậy, bộc trực, ngay thẳng. Ông kể: “Một lần, ông Mười (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười- NV) trách tôi: “Hơn 50 năm cậu làm công tác tổ chức cán bộ mà cậu không chọn được con các ông Bộ Chính trị nào vào Bộ Chính trị”. Tôi bảo: “Thưa anh, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ là cơ quan cao nhất của Đảng chứ không phải nơi kết nối con ông cháu cha”. Ông Mười cười. Thời tôi làm ở Ban Tổ chức Trung ươngcác cụ nghiêm lắm. Cho nên con ông Lê Duẩn, con ông Phạm Văn Đồng, con ông Nguyễn Văn Linh, con ông Phạm Hùng… có ai vào Bộ Chính trị, vào Trung ương đâu. Ngoại trừ ông Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Mà ông Kỳ xứng đáng là Ủy viên Trung ương.
Vừa là vợ chồng, vừa là đồng chí
Nói về ông Nguyễn Đình Hương, không thể không nhắc đến người bạn đời của ông- bà Trương Thị Xin. Ông với bà đều tuổi Canh Ngọ (1930). Ông sinh đầu năm, bà cuối năm. Cũng như ông, bà tham gia cách mạng bằng việc gia nhập ngành quân giới Hà Tĩnh, rồi trở thành “lính quân giới” của ông Trần Đại Nghĩa. Bà được kết nạp vào Đảng năm 1949. Hai người cùng quê, cùng đơn vị, gặp nhau và nên vợ nên chồng. Năm 1957 bà Xin được điều về làm Trưởng trạm bông vải sợi (Bộ Nội thương). Sau đó làm Phó giám đốc Xí nghiệp may 10 (nay Tổng công ty may 10), rồi Giám đốc Xí nghiệp may Chiến thắng (nay là Công ty CP may Chiến thắng) cho đến ngày nghỉ hưu.
Hỏi bà, có bao giờ ông trao đổi về việc “đưa người này lên, hạ người kia xuống” với bà không, bà cười: “việc ai người ấy làm. Với lại đấy là công việc quan trọng của quốc gia. Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của ông ấy”. Hai ông bà có 4 người con gái (6 cháu, 4 chắt) đều thành đạt.
Bà kể, toàn bộ công việc nội trợ, nuôi dạy con cái một tay bà chăm lo để ông “toàn tâm, toàn ý cho công việc của Đảng”.
Ông Nguyễn Đình Hương là vậy, ngay thẳng, bộc trực, liêm khiết và trên hết, như ông nói ông “là một đảng viên cộng sản, cả đời tôi trung thành với lý tưởng mà tôi theo đuổi, tôi đấu tranh đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của Đảng”.
Dự kiến, 17h30 hôm nay, 11/5/2018, sẽ diễn ra Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ và vợ ông- bà Trương Thị Xin, nguyên Giám đốc Xí nghiệp may Chiến Thắng (nay là Công ty cổ phần may Chiến Thắng) tại nhà riêng của vợ chồng ông ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội