Ông Pekin nhấn mạnh việc Ankara hành động xuất phát từ mưu đồ lật đổ ông Assad và muốn đưa một chính phủ người Sunni lên nắm quyền ở Syria. Bề ngoài, có cảm tưởng trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ không có ý kiến trái với kế hoạch của chính phủ, nhưng thực tế không hẳn như vậy:
"Tất nhiên, là có những ý kiến phê phán. Bởi có người nhận thức được rằng, việc lật đổ ông Assad sẽ không thể giải quyết trọn vấn đề. Ngược lại, bước làm này có nguy cơ trở thành nguyên nhân gây sự mất ổn định nghiêm trọng và lâu dài trong khu vực. Trong thực tế, chính sự củng cố của giới lãnh đạo ở Damascus, sự củng cố vị trí của họ trên khắp đất nước, thiết lập sự kiểm soát hiệu quả và an ninh tại biên giới là điều phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính làm như vậy mới giúp Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo tình hình trật tự trị an. Tôi tin rằng, ban chỉ huy các lực lượng vũ trang sẽ đưa lên Chính phủ những đề xuất phù hợp. Nhiều quân nhân hiểu, thay vì nhảy vào một cuộc chiến tranh vô ích, tốn kém và kéo dài, tốt hơn hết nên để chế độ ở Syria củng cố và đẩy các hoạt động quân sự ra xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".
Cựu lãnh đạo Cục Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, xâm nhập vào lãnh thổ Syria là việc làm cực kỳ nguy hiểm cho chính Thổ Nhĩ Kỳ:
"Bất cứ hành động tiến sâu vào lãnh thổ Syria đều có thể dẫn tới cuộc đụng độ với Nga. Ngay cả một hoạt động mặt đất quy mô nhỏ cũng sẽ dẫn Thổ Nhĩ Kỳ vào ngõ cụt theo hướng Syria. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy các hoạt động như vậy được chuẩn bị. Ví dụ, tăng cường biện pháp an ninh trong nước, điều chỉnh nguyên tắc ứng phó các mối đe dọa bên ngoài. Tôi nghĩ rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quả quyết thực hiện bước làm này và xâm phạm lãnh thổ của Syria, hậu quả sẽ là không thể đảo ngược", ông Ismail Hakki Pekin kết luận.
Theo Sputnik