Gần đây, phương Tây đặt phần lớn sự chú ý của mình vào cuộc xung đột Syria và sự nổi lên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), gạt sang một bên những nguyện vọng hình thành nhà nước của người Kurd. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ từ lâu đã coi người Kurd là một trong những đồng minh mạnh nhất của họ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại ISIS.
Người Kurd là một nhóm dân tộc sống chủ yếu trên bốn quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd được đại diện bởi cả Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP). Tuy đều nỗ lực chấm dứt bạo lực giữa người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cả hai sử dụng các chiến lược khác nhau để đạt được mục tiêu đó.
Đảng PKK là một nhóm quân sự, gây ra nhiều cuộc tấn công chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và bị cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liệt kê là một nhóm khủng bố. Trái lại, đảng HDP tìm cách giành quyền tự trị cho người Kurd thông qua việc tham gia tiến trình chính trị và nỗ lực không ngừng để không bị cho là dính líu tới bạo lực gây ra bởi đảng PKK.
Khi các ứng cử viên chính trị Mỹ nói về việc trang bị vũ trang cho người Kurd trong cuộc chiến chống ISIS, họ thường không phân biệt được giữa người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Syria và ở Iraq. Khi Hoa Kỳ đề cập đến các đồng minh người Kurd, Washington có ý nhắc tới người Kurd ở Đông Bắc Iraq.
Ngay trong chính người Kurd Iraq, dân số ít nhiều chia thành hai phe: Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) và Liên minh yêu nước Kurdistan (PUK). Mặc dù có sự chia rẽ dẫn đến cuộc nội chiến (1994 – 1997), hai nhóm hiện tại đang đoàn kết cùng nhau trong cuộc chiến chống ISIS và vì mục tiêu chung là lập nên nhà nước của người Kurd. Tuy nhiên, đó không phải là nhà nước của người Kurd xuyên quốc gia mà PKK kỳ vọng, mà là một nhà nước bên trong biên giới Iraq.
Ở Syria, các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG) – cánh quân sự của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) – đã có một loạt chiến thắng quân sự chống lại ISIS trong những tháng gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ xem PYD như là tổ chức nhánh của PKK ở Syria và đang tích cực chống lại sự thúc đẩy xây dựng một nhà nước của người Kurd ở Syria vì lo ngại điều này sẽ kích động người Kurd thiểu số ở chính Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã phải chật vật cân bằng sự hỗ trợ cho PYD trong cuộc chiến chống ISIS với việc không chọc giận Ankara.
Sự do dự của Mỹ đã tạo cơ hội Nga. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga tại biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow đã có xu hướng hỗ trợ người Kurd ở Syria và đảng PYD nhằm tạo ra một khu vực bán tự trị ở phía bắc gọi là “Rojava”. Hơn nữa, Nga không xem PYD hay PKK là tổ chức khủng bố, và do đó cũng không e ngại việc hỗ trợ cho họ.
Sự đa dạng của các phong trào (hướng tới thành lập) quốc gia của người Kurd trên khắp Trung Đông cho thấy một khía cạnh phức tạp khác trong cuộc chiến chống ISIS. Một trong những điều không thể phủ nhận là cuộc đấu tranh của người Kurd không thể tiếp tục bị cộng đồng quốc tế phớt lờ.
Theo Foreign Policy