Sau những thông tin lùm xùm xoay quanh chuyện “nhân tài” thuộc Đề án 922 rời bỏ nhiệm sở, ngày 2/6, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã đối thoại với hàng trăm học viên đào tạo thuộc đề án này.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bày tỏ sự thất vọng khi đa số các lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện vắng mặt trong cuộc gặp gỡ đối thoại.
Đánh giá hiện tượng các học viên đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 922 rời đề án, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trong gần 2.000 cán bộ thu hút và cán bộ thuộc đề án 922 thì có 40 người rời đề án, trong đó có lý do bỏ việc khác nhau, như: vi phạm pháp luật, những động cơ khác… là một con số nhỏ.
“Về mặt tích cực, các “nhân tài” ra đi không hẳn vì môi trường không tốt. Đề án 922 đã có 2 phó giám đốc và có hàng ngàn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thị trường lao động cạnh tranh, thu hút mà TP buông tay với những nhân tài giỏi, xuất sắc thì việc giữ “nhân tài” là rất khó”, ông Huỳnh Đức Thơ nhận xét.
Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng: “Hiện nay có nhiều “nhân tài” làm việc với động cơ chưa trong sáng, chưa tâm huyết, dấn thân. Các bạn thuộc diện ngân sách TP bỏ ra để đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ, ra trường được vào vị trí ngay. Ngoài việc học hành giỏi giang thì các bạn cũng cần nghĩ rằng đây là một chính sách đặc biệt của TP, các bạn cần có một thái độ khác chứ không phải như công chức, viên chức bình thường trong bộ máy hành chính khác. Và ở thời điểm TP dám bỏ ra hàng tỉ đồng cho 1 học viên đi học thì không phải là dễ”.
Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp lắng nghe các ý kiến, đề đạt của các học viên Đề án 922
|
“Khi đã dấn thân vào đề án thì phải xác định là cống hiến. Một số bạn còn đứng núi này trông núi nọ, đi làm nhưng thấp thỏm luôn luôn liếc nhìn cơ hội khác. Có bạn xin cho bằng được đi học tiếp ra nước ngoài có những cơ hội khác, học hành tốt rồi thì nhiều công ty nước ngoài mời gọi, chèo kéo. Trong khi đó công việc của TP là công việc hàng ngày, kiến thức không cần cao siêu, các bạn gặp dân, nhiều khi các bạn chưa toàn tâm toàn ý”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, ông Thơ thừa nhận nhiều nơi “nhân tài” chưa nhận được sự hỗ trợ cấp trên, không được bày dạy thêm những kiến thức thực tiễn khiến các học viên có nhiều tâm tư. Bên cạnh đó, tình trạng tuyển dụng công chức viên chức chưa thật sự thỏa đáng nên khiến tâm lý các học viên có tâm lý tiêu cực.
Không những vậy, cũng có những “nhân tài” ra trường nghĩ sẽ có vị trí cao, chủ chốt. Đó là nhận thức không tốt, dục tốc bất đạt và thậm chí trả giá. Ai có những biểu hiện đó thì được chấn chỉnh.
Tại buổi đối thoại, học viên Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, khi học viên đã trở về thì đã xác định tư duy sẽ cống hiến bởi sau khi học xong, có nhiều cơ hội mời chào, học viên cũng có khả năng làm việc và trả lại chi phí cho TP nhưng nhiều người không chọn. Song có nhiều “nhân tài” không được bố trí công việc kịp thời đâm ra chán nản.
Theo anh Thành, học viên đi học không phải là một học bổng mà là một hợp đồng lao động giữa TP về đào tạo nhân lực. “Chúng tôi đang có cảm giác dư luận cho rằng nhiều học viên đang phản bội vậy vì TP đã chi tiền cho đi học nhưng lại không về làm. Tuy nhiên đây bản chất là một hợp đồng lao động, có yêu cầu đầu ra, chúng tôi đã có gắng học khá trở lên”, anh Thành bày tỏ.
Theo học viên Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng), các học viên Đề án 922 sau khi hoàn thành chương trình đào tạo rất mong muốn được giao công việc đúng với chuyên môn để được cống hiến
|
“Khi chúng tôi về thì TP phải bố trí phù hợp năng lực… Lương bổng không quan trọng bằng giao công việc gì cho tụi em. Khi về TP, tinh thần cống hiến thì mình thấy mình làm gì. Đó là điều quan trọng nhất chứ không phải chức và lương bổng”, học viên Thành nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các học viên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, nếu ngành quản lý không công bằng, không khôn khéo thì sử dụng không có hiệu quả. Đồng thời yêu cầu ngành chức năng bố trí công tác phù hợp đối với chuyên ngành và trình độ của các học viên. “Họ thợ mộc mà cho làm cơ khí thì cũng bưng bê chứ làm sao hàn, tiện, phay cắt được… Làm sao tạo điều kiện cho các bạn phát huy những kỹ năng đó, ngoại ngữ”, ông Thơ nói.