ASEAN, Trung Quốc soạn khung pháp lý đầu tiên về an ninh Biển Đông

Các quan chức cao cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc hôm 30/3 đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên của một khung pháp lý về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, các nguồn tin ngoại giao ASEAN nói với hãng tin Kyodo.
ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng COC
ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng COC

Campuchia là nước chủ trì cuộc họp lần thứ 20 giữa ASEAN-Trung Quốc nhằm thúc đẩy thảo luận thêm về Tuyên bố Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ đó có thể dẫn đến việc hoàn thiện khuôn khổ Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Kyodo cho biết nội dung của bản dự thảo, vốn được bàn luận trong cuộc họp kéo dài suốt cả ngày ở Siem Reap (Campuchia) không được công bố. Bộ Quy tắc ứng xử sẽ mang lại sức mạnh ràng buộc pháp lý cho Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, trong đó cấm sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Kyodo trích dẫn các nguồn tin ASEAN cho biết trong cuộc họp hôm 30/3, Trung Quốc đã đi đầu trong việc trình bày bản phác thảo của riêng mình, gây nên tranh luận từ phía các nước ASEAN.

Tuy nhiên, vai trò nước chủ nhà của Campuchia nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía chuyên gia. Theo ông Pou Sovachana, trợ lý giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP), được Phnom Penh Post dẫn lời nhận xét cuộc họp cấp cao tại Siem Reap có thể giúp Campuchia cải thiện danh tiếng đối với các thành viên còn lại của ASEAN, thay vì luôn bị coi là «nước luôn ủng hộ Trung Quốc».

Tuy nhiên, ông Paul Chambers, thuộc đại học Naresuan (Thái Lan) nhận định "Campuchia đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán lần này, nhưng Trung Quốc vẫn đang tìm cách để làm suy yếu mọi sự phản đối của ASEAN trước hoạt động quân sự hóa trái phép ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông».