Ý kiến mới nhất của Viện sĩ Chung Nam Sơn về cách nCoV lây lan qua không khí và Aerosol

VietTimes -- Bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan rộng ở Trung Quốc. Văn phòng báo chí của chính quyền tỉnh Quảng Đông ngày 18/2 đã tổ chức một cuộc họp báo. Viện sĩ Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cũng tham dự.
Viện sỹ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, người được cho là có tiếng nói quyền uy trong giới y tế Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)
Viện sỹ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, người được cho là có tiếng nói quyền uy trong giới y tế Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Phát biểu tại cuộc họp báo Viện sĩ Chung Nam Sơn chỉ rõ, xét từ tình hình hiện tại, vẫn còn tình trạng lây truyền Covid-19 từ người sang người ở thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc. Chính quyền cần phải tách người bình thường ra khỏi bệnh nhân, đồng thời phân biệt rõ ràng giữa bệnh nhân mắc Covid-19 và bệnh nhân cúm, nếu không sẽ khó có thể ngăn chặn được dịch bệnh.

Viện sĩ Chung Nam Sơn chỉ ra, mấu chốt để giải quyết tình trạng dịch bệnh Covid-19 vẫn là ở thành phố Vũ Hán. Hiện tại, các trường hợp được xác nhận bị bệnh trên toàn quốc đã xuất hiện xu hướng giảm, nhưng 80% trường hợp bệnh được xác nhận và 90% trường hợp tử vong đều xảy ra ở Vũ Hán, điều này cho thấy tình trạng lây truyền Covid-19 từ người sang người ở Vũ Hán vẫn chưa dừng lại.

Ông cho rằng chính quyền Vũ Hán lúc này cần giải quyết hai vấn đề: một, là tách người bình thường ra khỏi những người bị bệnh; hai, là tách bệnh nhân Covid-19 ra khỏi bệnh nhân cúm. Các triệu chứng và chẩn đoán hình ảnh về cúm và Covid-19 rất giống nhau. Vũ Hán đã sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực và tài chính cho việc chẩn đoán và điều trị; các bệnh nhân bị cúm phải được phân biệt với bệnh nhân bị Covid-19, nếu không thì không thể giải quyết được vấn đề.

Viện sĩ Chung Nam Sơn (thứ 2, trái sang) tại cuộc họp báo do Văn phòng báo chí chính quyền tỉnh Quảng Đông tổ chức (Ảnh HK01)
Viện sĩ Chung Nam Sơn (thứ 2, trái sang) tại cuộc họp báo do Văn phòng báo chí chính quyền tỉnh Quảng Đông tổ chức (Ảnh HK01)

Trả lời về các trường hợp cá biệt với “thời gian ủ bệnh siêu dài” trong 24 ngày, Viện sĩ Chung Nam Sơn cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ông chỉ ra rằng hầu hết các trường hợp trong số 1.099 ca được nghiên cứu trước đây có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 7 ngày, trung bình là 14 ngày và chỉ có 13 trường hợp vượt quá 14 ngày; trong đó 1 trường hợp là 24 ngày. Tuy nhiên, việc nghiên cứu phải được viết trung thực; cả đa số và thiểu số đều phải được xem xét. Ông cũng chỉ ra rằng độ chính xác của việc xét nghiệm axit nucleic phụ thuộc vào sự phù hợp của việc lấy mẫu và độ chính xác của việc xét nghiệm mẫu thường rất cao.

Liên quan đến sự khác biệt giữa Covid-19 và SARS; Viện sĩ Chung Nam Sơn cho rằng qua giải phẫu bệnh lý tử thi, người ta thấy rằng thể hiện ở phổi của bệnh nhân bị Covid-19 có hơi khác so với bệnh nhân SARS. Không có sự xơ hóa nghiêm trọng, phế nang vẫn còn, nhưng tình trạng viêm rất nghiêm trọng và có một lượng lớn chất nhầy, khiến bệnh nhân khó thở.  

Về mặt điều trị, Viện sĩ Chung Nam Sơn đã đề cập rằng thuốc tây có tác dụng chống lại nCoV trong phòng thí nghiệm, nhưng khá nhiều thuốc tây lại không có hiệu quả sau khi đưa vào vào cơ thể người; tuy nhiên, y học cổ truyền Trung Quốc thì khác. Một bộ phận người bệnh sau khi uống thuốc y học cổ truyền (Trung y) đã giảm thiểu nCoV xâm nhập tế bào, giảm nhẹ các triệu chứng. Điều này cung cấp một số bằng chứng cho việc sử dụng y học cổ truyền.

Ông cũng đề cập rằng Viện Nghiên cứu điều trị Sinh học Vũ Hán đã tiến hành điều trị huyết tương cho 10 trường hợp; trong đó 6 trường hợp virut trong máu biến mất sau hai hoặc ba ngày và tình hình lâm sàng đã được cải thiện. Điều này cho thấy liệu pháp này rất hứa hẹn, hiệu quả và an toàn. Ông cũng chỉ ra rằng ‎Chloroquine Phosphate vẫn không phải là một loại thuốc đặc hiệu, nhưng có hiệu quả chữa bệnh và tác dụng phụ nhỏ, rất đáng để nghiên cứu và thảo luận.

Về mặt phòng chống dịch bệnh, Viện sĩ Chung Nam Sơn lấy tòa nhà Khang Mỹ, Trường Khang, Thanh Y Hong Kong làm ví dụ, nói rằng việc giữ cho cống thoát nước thông thoát là vô cùng quan trọng. Ông đã đề cập, các bài học về chung cư Amoy Gardens ở Hồng Kông trong dịch SARS khi xưa phải được rút ra. Hiện tại, các nghiên cứu đã phát hiện ra virus tồn tại trong phân người. Gió sẽ thổi virus từ phân khô đến những nơi khác nhau, vì vậy ống cống phải được đảm bảo thông suốt.

Trước đây, một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nCoV trong phân. nCoV không nhất thiết lây nhiễm qua đường tiêu hóa, “mà là do các chất ô nhiễm trong cống được làm khô và lan truyền qua không khí và khí dung giao (aerosol). Mọi người hít phải gây nên lây nhiễm” (因为下水道中污染物乾了,又通过空气、气溶胶传播,人们吸入造成感染). Viện sĩ Chung Nam Sơn nói, đây là lời giải thích hợp lý nhất.