Xung quanh vụ Iran cảnh báo tấn công tên lửa các căn cứ và tàu sân bay Mỹ trong khu vực

VietTimes -- Quan hệ Mỹ - Iran lại trở nên căng thẳng sau vụ các nhà máy lọc dầu của Ả rập Saudi bị tấn công hôm 14/9. Sau khi phía Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công này và đe dọa trả đũa, tướng Amirali Haiadeh - Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã tuyên bố: “Mọi người cần biết rằng tất cả căn cứ Mỹ như Udeid ở Qatar, al-Dhafra ở UAE và tàu sân bay của Mỹ trên Vịnh Oman ở trong bán kính 2.000 km quanh Iran đều nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi”. Lời cảnh báo này không phải là vô căn cứ. Sau hơn 30 năm phát triển, mức độ tên lửa của Iran cao đến mức nào? Lực lượng tên lửa Iran có thực sự đã trở thành mối đe dọa đối với Mỹ như họ tuyên bố hay không?
Sự phát triển nhanh chóng và những thành tựu về công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran đã khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực không thể xem thường
Sự phát triển nhanh chóng và những thành tựu về công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran đã khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực không thể xem thường

Sức mạnh tên lửa Iran không thể coi thường

Vào những năm 1970, Iran và Israel đã đề ra kế hoạch “dầu lửa đổi vũ khí” và chương trình phát triển tên lửa của Iran đã được mở ra từ đó. Năm 1973, trong Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư, Israel đã cung cấp cho Iran công nghệ tên lửa đạn đạo “Jericho-1” giúp Iran thành lập cơ sở nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm tên lửa. Tuy nhiên, vào năm 1979, khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran, Israel đã nhanh chóng rút các chuyên gia về và kế hoạch phát triển tên lửa của Iran đã bị gián đoạn. Năm 1980, sau khi chiến tranh Iran-Iraq bùng nổ, Iraq đã sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công Iran.

Tên lửa Jericho của Israel cung cấp cho Iran hồi thập niên 1970
Tên lửa Jericho của Israel cung cấp cho Iran hồi thập niên 1970

Bị nếm đòn tấn công bởi tên lửa, người Iran nhận ra rằng cần phải bản địa hóa tên lửa đạn đạo, duy trì một lực lượng tấn công tên lửa đạn đạo mạnh mẽ, để đảm bảo an ninh quốc gia vào những thời điểm quan trọng và đe dọa các đối thủ tiềm năng. Trong thời kỳ này, Iran đã phát triển thành công nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung khác nhau và tạo được những bước đột phá trong công nghệ đẩy nhiều tầng và công nghệ nhiên liệu rắn.

Sau mấy thập kỷ nỗ lực, Iran đã có hai trung tâm thiết kế tên lửa, hai nhà máy lắp ráp tên lửa không điều khiển và tên lửa đạn đạo. Trung tâm thiết kế tên lửa được đặt tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc phòng ở thành phố Karacci. Nhà máy lắp ráp lớn nhất nằm ở Isfahan, một nhà máy khác nằm gần khu vực phía đông Tehran với các phân xưởng sản xuất của nó được phân tán tại 5 địa điểm khác nhau trong nước.

Các tên lửa dòng Shahab là xương sống của sức mạnh tên lửa đạn đạo của Iran và gây đau đầu nhất cho quân đội Mỹ. Ngoài ra, việc triển khai loại tên lửa kiểu mới Sejil đánh dấu công nghệ tên lửa Iran đã có bước đột phá rất lớn, đặc biệt là việc phát triển các loại thuốc phóng rắn đã đạt tới trình độ cao, tạo điều kiện mang lại khả năng răn đe tên lửa đạn đạo thực chiến toàn diện và hiệu quả.  

Tên lửa Shahab-2 do Iran tự nghiên cứu chế tạo
Tên lửa Shahab-2 do Iran tự nghiên cứu chế tạo

Các nguồn tin cho rằng, hiện tại, Iran có khoảng 2.000 tên lửa các loại, có kho tên lửa mạnh nhất ở Trung Đông và có 32 bệ phóng di động loại tên lửa nhiên liệu lỏng một tầng “Shahab-3”, trở thành một thanh gươm đe dọa trên Mỹ và Israel trên Vịnh Ba Tư. Các tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng phải thừa nhận rằng trong phạm vi quyền lực của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENCOM), số lượng vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran lớn nhất và có thể gây ra mối đe dọa cho quân đội Mỹ ở khu vực này.

Hai dòng tên lửa chủ lực Shahab và Sejil (Ghadr)

Tên lửa của Iran chủ yếu bao gồm hai dòng (serie) Shahab và Sejil (hay Ghadr). Dòng tên lửa đạn đạo Shahab có nhiều chủng loại và phạm vi tấn công rộng, đã trở thành xương sống của lực lượng tên lửa đạn đạo Iran. Việc triển khai dòng tên lửa mới Sejil của Iran đánh dấu bước đột phá lớn trong công nghệ phát triển tên lửa, tạo điều kiện mang lại khả năng răn đe tên lửa đạn đạo thực chiến toàn diện và hiệu quả.  

Dòng tên lửa Shahab có thể được mô tả là cụ tổ tên lửa đạn đạo của Iran, đồng thời cũng là tiêu biểu về công nghệ tên lửa đạn đạo của họ. Sau cuộc chiến tranh với Iraq, Iran đã nhập khẩu các bộ phận của tên lửa Scud-B từ Triều Tiên về để lắp ráp. Loại tên lửa được đặt tên Iran là Shahab-1, với tầm bắn 300 km và trọng lượng đầu đạn khoảng 1.000 kg. Sau đó, với sự giúp đỡ của Triều Tiên, Iran đã bắt đầu sản xuất Shahab -2, về chất lượng cơ bản là bản sao của Scud-C.

Phóng thử tên lửa Shahab-3
Phóng thử tên lửa Shahab-3

Sự phát triển của Shahab-3 bắt đầu vào năm 1993. Quá trình phát triển của Shahab-3 diễn ra khá nhanh. Ngày 15 tháng 12 năm 1997, vệ tinh trinh sát Mỹ đã phát hiện ra các đặc tính của tín hiệu nhiệt phát ra từ vụ thử động cơ tên lửa tại bầu trời phía trên Tập đoàn Công nghiệp Hermat ở Shahid, nam Tehran,. Vào thời điểm đó, động cơ tên lửa mới của Iran đang được thử nghiệm lần thứ 8; thiết bị giám sát thử nghiệm của nó được cung cấp bởi một hãng sản xuất động cơ tên lửa di động của Nga. Tên lửa Shahab-3 dài 16 mét, đường kính 1,35 mét; có thể mang đầu đạn nặng 760 ~ 1158 kg, tầm bắn tối đa 1350 ~ 1500 km. Tên lửa bay ở độ cao 90km, tốc độ 5-6km/s, sử dụng điều hướng quán tính với sai số xác suất 190 mét. Loại tên lửa tầm xa được phóng trên bệ đặt trên xe tải và xe lửa có độ chính xác cao này có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Israel và Mỹ ở vùng Vịnh và bắn tới lãnh thổ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ và Ả rập Saudi.

Ngoài Shahab-3, Iran cũng đã phát triển Shahab-4; kế hoạch nghiên cứu phát triển nó bắt đầu vào năm 1997. Shahab-4 có chiều dài khoảng 18 mét, trọng lượng phóng 16,8 tấn, có hệ thống dẫn đường quán tính cải tiến với tầm bắn 2.500 km. Mặc dù thế giới bên ngoài vẫn chưa rõ lắm về Shahab-4, nhưng những thông tin về loại tiếp theo của nó là Shahab-5 đã được lan truyền rộng rãi. Người ta nói rằng tên lửa này có thể đạt tầm bắn 5.500 km. Iran đã đàm phán với Nga để có được công nghệ đẩy mới cho tên lửa.

Các chuyên gia tên lửa cho rằng với thực lực công nghệ hiện có của Iran, rất khó khăn để nhảy từ tầm bắn 2.500 km của Shahab-4 lên tới 5.500 km của Shahab-5 mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Các loại tên lửa đạn đạo dòng Dhahab của Iran
Các loại tên lửa đạn đạo dòng Dhahab của Iran

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo thuốc phóng rắn của Iran bắt đầu vào năm 1997. Năm 2000, Iran bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo rắn tầm ngắn Sejil-101 và tên lửa đạn đạo rắn tầm trung Sejil-110. Sejil-110 là tên lửa đạn đạo hai tầng đất đối đất tiên tiến nhất của Iran, được cung cấp năng lượng hoàn toàn bằng nhiên liệu rắn. Loại tên lửa này có độ dự phòng thiết kế lớn, có thể nâng cao tầm bắn hơn nữa và có tiềm năng phát triển thành tên lửa tầm xa và thậm chí tên lửa liên lục địa.

Theo Đài truyền hình quốc gia Tehran của Iran, Sejil-110 sử dụng nhiên liệu rắn hỗn hợp mới với tốc độ cao và độ chính xác cao. Đầu đạn có khối lượng 1000 kg và tầm bắn từ 2000 đến 2500 km. Tên lửa có thể sử dụng hệ thống phóng di động của dòng Shahab. Với sự phục vụ của tên lửa Sejil-110 có nghĩa là Iran đã bước vào kỷ nguyên tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn và lỏng. Hiện nay, đồng thời với việc sản xuất và triển khai Sejil-101 và Sejil-110, cũng đang phát triển loại Sejil-110A được cải tiến từ Sejil-110 (còn gọi là Anshula). Sejil-110A là loại tên lửa 3 tầng dùng nhiên liệu rắn, có tầm bắn từ 2000 – 3000km. Báo chí Iran nói nó có độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn Sejil-2 được phóng thử hồi năm 2008.

Ngoài ra, hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU2 được Iran mua từ Nga, cũng đã được triển khai. Hệ thống tên lửa đất đối không do Bavar-373 do chính Iran phát triển cũng đã được đưa vào sử dụng. Hôm 24/8 vừa qua, Iran cho biết đã phóng thử nghiệm thành công loại tên lửa phòng thủ di động này, nhưng không công bố chi tiết về phạm vi hoạt động hay tính năng của nó. Trước đó, vào tháng 6/2019, Iran cũng đã ra mắt hệ thống tên lửa phòng không nội địa Khordad-15 được giới thiệu có khả năng bám và tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc.

Tên lửa phòng không Khordad-15 do Iran tự chế tạo
Tên lửa phòng không Khordad-15 do Iran tự chế tạo

Tiềm năng phát triển lớn, nhưng vấn đề không ít

Iran luôn khẳng định việc phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo là quyền không thể tước đoạt của họ. Vào ngày 13 tháng 8 năm 2017, quốc hội Iran đã thông qua dự luật và quyết định tăng thêm hơn 500 triệu USD ngân sách cho các dự án nghiên cứu và phát triển hệ thống tên lửa.

Trên thực tế, trên con đường phát triển tên lửa đạn đạo, ngưỡng của công nghệ tên lửa đạn đạo tầm trung không cao, nhưng trước nay và trong tương lai có nhiều vấn đề xảy ra không dễ đối phó. Tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm trung hiện đang có của Iran có thể bao trùm nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực Vùng Vịnh. Hướng phát triển trong tương lai có thể tập trung vào các khía cạnh sau.

Thứ nhất là, tăng cường khả năng thâm nhập. Để đối phó với những thách thức của hệ thống chống tên lửa của Mỹ, các tên lửa như Shahab-3B do Iran phát triển có đặc điểm đầu đạn được thiết kế với hình trụ nhỏ chóp nón và hệ thống đẩy bên trong của nó cho phép đầu đạn có khả năng cơ động giai đoạn cuối. Iran dự kiến có thể nghiên cứu thêm về công nghệ điều chỉnh quỹ đạo bay giai đoạn cuối để cải thiện khả năng đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa.

Thứ hai là cải thiện độ chính xác. Trong tương lai, Iran có thể chọn công nghệ dẫn đường hỗn hợp quán tính và vệ tinh và áp dụng công nghệ hiệu chỉnh giai đoạn giữa và cuối và các biện pháp khác để cải thiện độ chính xác của cuộc tấn công.

Tên lửa Sejil-110 sử dụng thuốc phóng rắn của Iran
Tên lửa Sejil-110 sử dụng thuốc phóng rắn của Iran

Thứ ba là nâng cao khả năng sống còn. Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng phải được nạp nhiên liệu và oxy hóa trước khi phóng; một khi nhiệm vụ bị hủy, nhiên liệu và chất oxy hóa phải được lấy ra. Xử lý nhiên liệu tiêu tốn rất nhiều thời gian, dẫn đến thời gian chuẩn bị phóng dài và khả năng cơ động của tên lửa hạn chế. Vì vậy, hầu hết các tên lửa loại mới của Iran đều sử dụng nhiên liệu rắn, có ưu thế kết cấu đơn giản, lưu trữ dài hạn và thời gian chờ phóng lâu. Ngoài ra, Iran cũng có thể phát triển các biện pháp cơ động và ngụy trang tên lửa để cải thiện khả năng sống còn của tên lửa.

Đối với các chỉ số kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa, quan trọng nhất là tầm bắn, độ chính xác, uy lực đầu đạn, khả năng sống sót, khả năng đột phá hệ thống phòng thủ, v.v. Tuy nhiên, bất kỳ cải thiện nào về chỉ số đều cần một lượng lớn tài nguyên khoa học và tài chính. Ví dụ, vấn đề độ chính xác của tên lửa không chỉ phụ thuộc vào mức độ công nghệ của tên lửa, mà còn phụ thuộc vào tác động của trường hấp dẫn của Trái đất đối với tên lửa đạn đạo. Sự khác biệt trong các giá trị của gia tốc trọng lực trên bề mặt Trái đất có tác động lớn đến các tên lửa đạn đạo bay ở độ cao lớn. Những vấn đề này cũng sẽ trở thành nút cổ chai cho sự phát triển của tên lửa Iran.  

(Theo Huanqiu, Zhihu)